Quán quân Olympia 2011: Thất nghiệp vì không biết "chém gió", sau 10 năm vẫn... độc thân

Ngày 16/11/2021 12:40 PM (GMT+7)

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2011 Phạm Thị Ngọc Oanh đã có cuộc trò chuyện với PV báo Dân Việt sau 10 năm đứng trên bục cao nhất của chương trình.

Năm 2011, Phạm Thị Ngọc Oanh trở thành Quán quân Olympia với số điểm chung cuộc 230. Ngọc Oanh là cựu học sinh trường THPT Tiên Lãng, Hải Phòng. Cô từng là học sinh giỏi 12 năm liền và giành giải Nhì học sinh giỏi Hóa năm lớp 12. Sau khi giành vòng nguyệt quế, Ngọc Oanh sang Australia du học tại Đại học Swinburne, chuyên ngành Thương mại Kế toán và Tài chính.

PV đã có cuộc trò chuyện với Ngọc Oanh sau 10 năm đăng quang.

Quán quân Olympia 2011 nhớ mãi khoảnh khắc đặc biệt

Chào Ngọc Oanh, mọi người đang rất quan tâm cuộc sống hiện tại của em thế nào?

- Hiện tại em đang sinh sống và làm việc ở Sydney. Em ở một mình nên cuộc sống khá đơn giản. Ngoài công việc ra thì thỉnh thoảng em đi chơi dã ngoại với bạn bè, đồng nghiệp vào ngày cuối tuần. 

Quán quân Olympia 2011: Thất nghiệp vì không biết amp;#34;chém gióamp;#34;, sau 10 năm vẫn... độc thân - 1

Ngọc Oanh sau 10 năm đăng quang a classTextlinkBaiviet hrefhttps://eva.vn/tin-tuc/nam-sinh-ha-noi-out-trinh-lien-tuc-dan-dau-cac-phan-thi-gianh-vong-nguyet-que-olympia-2025-c73a622402.htmlĐường lên đỉnh Olympia/a. Ảnh: NVCC

Ngọc Oanh sau 10 năm đăng quang Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: NVCC

10 năm trôi qua nhưng chắc hẳn Ngọc Oanh không quên khoảnh khắc đứng trên bục cao nhất của chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Cảm xúc của Oanh khi đó thế nào?

- Thời gian trôi nhanh quá, thoắt cái đã 10 năm trôi qua rồi, may mà em vẫn có thể xem lại các trận thi của mình trên Youtube để có thể sống lại không khí của trận chung kết năm ấy. Em nhớ lúc biết mình giành được vòng nguyệt quế, em đã nhìn về phía bố mẹ và rồi thầy cô, bạn bè của em - những người đang hò reo bùng nổ trong sự vui sướng, và niềm vui của mọi người đã khiến em vô cùng hạnh phúc. Ngày hôm ấy, em cảm thấy bản thân mình là một người may mắn khi có thể mang niềm vui đến cho những người xung quanh em. 

Sau khi giành chiến thắng, em đã chuẩn bị hành trang gì để sang Australia du học và em gặp khó khăn gì không khi là một cô gái 18 tuổi lần đầu bước chân ra ngoài đất nước Việt Nam?

- Sau khi may mắn giành được vòng nguyệt quế, em đã tập trung học ôn IELTS để có thể đi du học. Trước khi sang, em có làm quen và nói chuyện với những anh chị vô địch Olympia năm trước để hiểu biết thêm về cuộc sống nơi đây. Nhờ vậy mà khi mới sang Australia em không bị quá bỡ ngỡ. 

Thầy cô ở trường Đại học Swinburne đều rất nhiệt tình trong việc giảng dạy sinh viên, nên mặc dù ban đầu khả năng nói tiếng Anh của em khá kém nhưng em vẫn không bị đuối trong việc học. Em vẫn còn nhớ giáo sư môn Kinh tế vi mô đã kiên nhẫn giảng bài cho em ra sao, dù rằng câu hỏi của em nhiều lúc không được thông minh cho lắm. Nhờ vậy nên cuối cùng em tốt nghiệp đại học với số điểm trung bình cao nhất trong chuyên ngành của mình (Highest Achieving Graduate in Accounting and Finance in 2014). 

Ngọc Oanh (váy trắng) những ngày đầu sang Australia và gặp các quán quân năm trước. Ảnh: NVCC

Ngọc Oanh (váy trắng) những ngày đầu sang Australia và gặp các quán quân năm trước. Ảnh: NVCC

Ở nơi nào cũng có thể cống hiến

Sau khi tốt nghiệp, vì sao em quyết định ở lại mà không về nước?

- Em thấy dù ở Việt Nam hay Australia thì mỗi nơi đều có cái hay riêng, quan trọng là nơi nào phù hợp với điểm mạnh của mình. Hiện tại em cảm thấy bản thân phù hợp với phong cách làm việc của phương Tây hơn. Em là một người thiên về chuyên môn và không khéo trong việc giao tiếp, trong khi môi trường làm việc ở châu Á đặt nặng vấn đề giao tiếp hơn. 

Từ kinh nghiệm đi làm của em trong hơn 5 năm qua, Australia coi trọng chuyên môn và hiệu quả làm việc hơn Việt Nam, mà môi trường làm việc không quá cạnh tranh hay căng thẳng, sếp thân thiện còn đồng nghiệp thì tốt bụng. Chưa kể, em sinh ra là lớn lên ở nông thôn nên thích ở những nơi yên bình và có nhịp sống chậm nhưng vẫn có nhiều cơ hội việc làm như Sydney. Sẽ rất khó để tìm được một thành phố như vậy ở châu Á. 

Tạm thời là vậy, còn tương lai em chưa rõ sẽ ở lại hay trở về Việt Nam hoặc đi đến một nước khác. Dù sao thì Việt Nam cũng có một nền kinh tế đang phát triển và hứa hẹn nhiều cơ hội làm giàu hơn so với một nền kinh tế già cỗi như Australia. 

Em có suy nghĩ gì khi mỗi lần chung kết cuộc thi mọi người lại nói "Olympia là cuộc thi tìm kiếm nhân tài cho Australia?"

- Với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu làm việc qua mạng ngày càng nhiều như hiện nay, em nghĩ dù ở nơi nào mình cũng có thể cống hiến được. Em không nghĩ bản thân mình là một nhân tài, khi mà ngay ở lớp cấp 3 của em đã có rất nhiều bạn thông minh và giỏi hơn em.  

Ngoài môi trường thì mức lương có phải là lý do em ở lại đây làm việc? 

- Em hiện đang làm trong ngành tài chính với mức lương tạm ổn, đủ để nuôi sống bản thân. Nhưng muốn giàu, chắc em phải tìm đường khác.

Góc làm việc của Ngọc Oanh tại nhà. Ảnh: NVCC

Góc làm việc của Ngọc Oanh tại nhà. Ảnh: NVCC

Từng tự ti, chán nản vì thất nghiệp

Được biết để có một vị trí công việc hiện tại em đã trải qua giai đoạn gian nan sau tốt nghiệp, em có thể chia sẻ lại câu chuyện này?

- Sau khi tốt nghiệp xong em tới Sydney tìm việc, nhưng do không có kinh nghiệm và kỹ năng ''chém gió'' còn chưa tốt nên em cứ bị trượt ở vòng phỏng vấn cuối cùng. Thất nghiệp khoảng 1 năm, em quyết định làm thực tập không lương cho một công ty nhỏ để lấy kinh nghiệm. Khi có 6 tháng kinh nghiệm, em xin được công việc ổn định đầu tiên, và sau đó vài năm, nhờ vào may mắn mà có được công việc hiện tại. 

Quãng thời gian thất nghiệp là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống của em từ trước tới giờ. Lúc đó em bị mất tự tin về bản thân mình vô cùng rồi chán nản vì phải tham gia quá nhiều vòng phỏng vấn cho một vị trí mà cuối cùng vẫn không được chọn. Em quyết định về Việt Nam thăm gia đình khoảng 1, 2 tháng để nạp lại năng lượng, nhưng em chưa bao giờ có suy nghĩ muốn quay về nhà để trốn tránh thất bại cả, chưa kể xin việc ở nơi nào cũng có cái khó riêng. 

Nhờ có quãng thời gian tìm việc khó khăn đó mà em biết trân trọng công việc của mình hơn, thay vì làm việc hời hợt cho qua, em luôn phấn đấu làm tốt nhất có thể. Do đó, em nghĩ bất cứ trải nghiệm nào, dù tốt hay xấu, đều sẽ dạy ta được điều gì đó có ích cho cuộc sống của mình. 

Có thể thấy lúc khó khăn nhất thì gia đình luôn là "bài thuốc" hữu hiệu. Đã bao lâu rồi Oanh chưa về Việt Nam?

- Lần gần đây nhất em về là cuối năm 2018 đầu năm 2019. Em tính năm 2020 về chơi mà bị dịch Covid-19.

Ngọc Oanh hiện sống ở Sydney. Ảnh: NVCC

Ngọc Oanh hiện sống ở Sydney. Ảnh: NVCC

Oanh nói hiện đang sống một mình ở Sydney, nghĩa là vẫn đang... độc thân?

- Sang đây em tập trung học rồi tốt nghiệp xong em xin việc nên không có thời gian yêu đương. Đến lúc tính tìm người yêu thì lại vướng Covid-19. Em chuyển từ Melbourne lên Sydney nên bạn đại học cũng không ở gần. Nếu em ở lại Melbourne, có khi lấy chồng rồi. (cười)

Vậy ngoài thời gian làm việc, lúc rảnh rỗi em thường làm gì?

- Em không có sở thích gì đặc biệt. Trước Covid-19 em có tham gia lớp học nhảy hip-hop, còn hiện tại em thích ở nhà đọc sách đọc truyện, rồi thỉnh thoảng đi dã ngoại leo núi với bạn bè, đồng nghiệp.

Cảm ơn Ngọc Oanh đã chia sẻ, chúc em luôn thành công trên con đường đã chọn!

Chân dung quán quân Olympia 2021: Từng được đi tiếp nhờ vé vớt, thành tích học tập đáng nể
Sau 4 phần thi, Nguyễn Hoàng Khánh - trường THPT Bạch Đằng (Quảng Ninh) đã xuất sắc nhận được 315 điểm và là quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ...

Đường lên đỉnh Olympia

Theo Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đường lên đỉnh Olympia