Do dịch COVID-19, nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học dài ngày. Việc này đã khiến nhiều giáo viên mầm non lâm vào cảnh không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn.
Kỳ nghỉ Tết của học sinh - sinh viên kéo dài thêm gần 1 tháng vì dịch COVID-19 khiến nhiều cơ sở giáo dục tư thục lao đao vì thất thu. Nhiều trường mầm non phải chấm dứt hợp đồng với giáo viên để cắt giảm chi phí. Mặt khác, các cơ sở mầm non tư thục không trả lương cho giáo viên trong đợt nghỉ này vì không có học phí mà vẫn phải chịu tiền thuê mặt bằng.
Ở nhà trông con, kinh tế nhờ người thân hỗ trợ
Liên hệ với chị Thu Trang (sinh năm 1996) hiện đang là giáo viên mầm non tại trường tư thục T.L (Thường Tín, Hà Nội), chị cho biết sau đợt nghỉ Tết chỉ đến trường một ngày duy nhất: "Bọn mình tới trường để làm công tác vệ sinh, khử trùng bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi,... để chuẩn bị đón các bé trở lại trường. Nhưng dịch bệnh đến, học sinh được nghỉ hết nên mình được nghỉ từ đó đến giờ".
Chị Trang có 2 con nhỏ nên được nghỉ làm, hầu hết thời gian chị chỉ ở nhà trông con, không đi ra ngoài nên cảm giác rất bí bách. "Ở nhà nhiều mình thấy mệt mỏi hơn là đi làm. Cả ngày mình chỉ loanh quanh với 2 đứa trẻ con, rồi ăn, rồi ngủ, không có gì để làm rất nhàm chán. Ngày nào cũng mong ngóng thông tin để xem mình sắp được đi dạy trở lại chưa", chị Trang tâm sự.
Giáo viên mầm non một số trường phải nghỉ làm không lương
Cơ sở chị đang công tác có khoảng gần 100 học sinh chia cho 6 lớp học và hơn 10 giáo viên. Nghỉ làm ở nhà, chị Trang không được nhận lương và gặp một số khó khăn khi kinh tế hao hụt: "Ngoài công việc ở trường mình không làm thêm gì nữa. Giờ nghỉ ở nhà cũng không biết bao giờ đi làm lại nên khó tìm được công việc thời vụ nào. Cũng may mình có bà nội hỗ trợ khá nhiều. Bà lo nấu nướng ăn uống cho cả nhà nên mình không bị áp lực quá, chỉ là không có đồng ra đồng vào thôi. Giờ thật sự rất nóng ruột muốn đi làm".
Bán nước sâm, nước dừa, giày dép,... để trang trải cuộc sống
Trước đó, nhiều giáo viên mầm non ở các tỉnh thành khác cũng phải buôn bán thêm để kiếm kế sinh nhai trong mùa dịch. Chia sẻ trong bài viết "Cô giáo mầm non bán nước mát kêu gọi 'giải cứu'" trên báo Thanh niên, chị Thanh Thị Kim Anh (23 tuổi, giáo viên Trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ) chia sẻ: "Tụi mình vào đây từ mùng 5 tết, có ai ngờ đâu dịch bệnh phải nghỉ, lúc đầu là 1 tuần, sau thêm 1 tuần rồi giờ đến hết tháng 2, mà tình hình này không biết phải đến bao giờ nữa. Không biết sống sao nên mấy chị em mới rủ nhau nấu nước mát để bán, rồi mua thêm nước rửa tay về bán để kiếm thêm".
Bức ảnh "giải cứu" cô giáo mầm non từng khiến cộng đồng mạng xót xa khi các cô phải bán nước kiếm thêm tiền
Theo đó, các cô bán đồ với giá khá rẻ, nước sâm chỉ 5.000 đồng/cốc, nước dừa 10.000 đồng/trái, giày dép bán cũng không lời lãi bao nhiêu. Nhưng trong thời điểm nghỉ dịch và chỉ được nhà trường hỗ trợ 1/2 tháng lương, đây là biện pháp tạm thời mà các cô nghĩ ra để giải quyết vấn đề kinh tế.
Các cô giáo này còn bán thêm giày dép giá rẻ
Ngày nào đông khách các cô bán được hơn 500.000 đồng, hôm nào vắng hơn thì được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. "Trong một tháng các bé nghỉ vì dịch, giá cả một số thứ như khẩu trang, rau củ tăng, có nhiều khoản phí cần chi. Trường cũng cố gắng hỗ trợ được 50% tiền lương nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Mặc dù bán không lời được nhiều, nhưng cũng có ít tiền và đỡ buồn hơn”, cô giáo Bích Phương (SN 1996, Gia Lai) chia sẻ.
Một số trường tư buộc phải cắt hợp đồng với giáo viên
Trong tình trạng phải nghỉ quá lâu chờ hết dịch, trường mầm non Đôrêmi buộc phải cắt giảm một số nhân sự. Trên trang Facebook cá nhân, cô Lê Thị Bé Tuyết (chủ của trường mầm non này) đã viết một bức "tâm thư" để gửi tới giáo viên của trường.
Cô cho biết mình đã phải trăn trở cả đêm khi quyết định cắt giảm 1/3 số giáo viên và các nhân viên khác của trường. Trong thư, cô tâm sự: “Bỏ một cây hay để phá một vườn, cắt vài nhánh hay để chết cả cây, cả đêm chị trăn trở... Hôm nay, buộc chị phải thông báo cắt giảm biên chế phòng trường hợp nghỉ dài hạn, nghỉ không có hứa hẹn thời hạn, mà chị không nuôi nổi cả guồng máy. Suy xét cả quá trình nỗ lực, đóng góp, cống hiến, các bạn được chọn ở lại vì các bạn xứng đáng".
Trường mầm non Đôrêmi buộc phải cắt giảm 1/3 số giáo viên và nhân viên
Đồng thời, cô cũng động viên những người nằm trong số phải nghỉ việc: "Các bạn nằm trong danh sách cắt giảm vì các bạn chỉ kém nỗ lực hơn các bạn khác chút xíu mà thôi. Và các bạn nhớ rằng, đây chỉ là động tác phòng khi nghỉ dài hạn, nếu trường quay lại hoạt động, và các bạn cũng muốn tiếp tục làm, thì các bạn luôn được chào đón và mức lương như thời điểm hiện tại. Tại sao chị làm vậy? Là vì chị không muốn tước đi cơ hội tìm được công việc có thu nhập cao hơn của các bạn trong thời điểm này".
Một số trường mầm non tư thục tại Hà Nội cũng như TP.HCM buộc phải ngừng trả lương cho giáo viên để giảm bớt gánh nặng chi phí.
Nhà trường kêu gọi phụ huynh hỗ trợ
Bên cạnh những trường mầm non cố gắng tự mình giải quyết vấn đề, một số trường quyết định nhờ đến sự hỗ trợ của các phụ huynh. Trường tư thục K.S (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gửi "tâm thư" tới các phụ huynh nhằm trình bày hoàn cảnh và kêu gọi ủng hộ để giải quyết những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải.
Trong đó, nhà trường chia sẻ: "Trong các ngành nghề, Giáo dục được coi là bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Học sinh các cấp phải nghỉ học kéo theo rất nhiều những khó khăn không chỉ với phụ huynh mà còn khó khăn với cả các nhà trường và giáo viên. Các cấp học Tiểu học và Mầm non bị ảnh hưởng nhiều hơn cả vì phụ huynh thì phải vất vả trông hoặc bố trí gửi con".
Trong gần một tháng nghỉ tránh dịch COVID-19, mặc dù các bé không đi học nhưng các cô giáo vẫn phải đến trường để tập huấn và tổng vệ sinh theo chỉ đạo của Phòng Y tế để đảm bảo trường lớp được sạch sẽ, an toàn khi các bé quay trở lại học tập.
Một trường mầm non tư thục ở Hà Nội phải gửi "tâm thư" kêu gọi phụ huynh hỗ trợ (Ảnh minh họa)
Trường mầm non này cũng trình bày, sự lây lan của dịch COVID-19 khiến rất nhiều nhà trường và giáo viên gặp phải khó khăn về kinh tế để duy trì mọi hoạt động. Với trường tư, các khoản phí này còn cao hơn rất nhiều.
"Theo quy định thông thường, trẻ không đi học đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ không thu học phí. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, chúng tôi rất mong nhận được sự trợ giúp của các Quý phụ huynh trong tháng 2/2020, hỗ trợ Nhà trường với mỗi bạn 500.000 đồng để góp phần chi trả thêm lương cho giáo viên và các chi phí khác cũng như tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường đón các con quay trở lại trường sau khi hết dịch. Phần kinh phí kêu gọi phụ huynh ủng hộ dựa trên tinh thần tự nguyện sẻ chia khó khăn với Nhà trường và giáo viên (Không bắt buộc)", ban giám hiệu nhà trường viết trong tâm thư.
Trước lời kêu gọi này của trường K.S, nhiều phụ huynh đã thông cảm và đóng góp hỗ trợ cho nhà trường trong thời gian khó khăn.
Nhiều cơ sở mầm non tuyển dụng đi làm sau dịch
Trong khi một số trường phải cắt giảm nhân sự thì lướt qua một số hội nhóm của giáo viên mầm non trên Facebook, có thể dễ dàng thấy rất nhiều thông tin tuyển dụng của các trường mầm non tư thục. Với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng, được hưởng nhiều chế độ và quyền lợi nhưng chỉ tuyển giáo viên đi làm sau khi hết dịch.
Nhiều lời mời tuyển dụng hấp dẫn đến từ các trường mầm non tư thục
Mức lương và quyền lợi được đảm bảo cho các giáo viên
Tuy nhiên hầu hết các cơ sở này tuyển giáo viên đi làm sau khi hết dịch
Như vậy, với những cô giáo không may mất việc vì COVID-19 vẫn còn có rất nhiều cơ hội sau khi dịch qua đi. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non vẫn còn nên các cô giáo cần kiên nhẫn chờ đợi. Bên cạnh đó, có thể trau dồi thêm kỹ năng sau đợt nghỉ này để sẵn sàng cho ngày quay lại trường lớp.