Sáu tháng đầu năm 2017, phát hiện trên 800 vụ xâm hại trẻ em. 80% trong số đó là trẻ em gái.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo tuyên truyền phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em do Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức sáng 28-7 tại TP.HCM.
Cha mẹ sơ sểnh, trẻ gặp nhiều nguy cơ
Khi được các anh công an tỉnh Cần Thơ động viên kể về trường hợp của con gái mình, anh ĐK (33 tuổi, quê Sóc Trăng) đứng lên nói: “Con tôi mới có bảy tuổi. Khi biết con bị cưỡng hiếp, tôi khóc cả ngày”. Nói tới đó, anh nghẹn giọng, gục mặt xuống bàn rưng rưng.
Anh ĐK vẫn nghẹn lời khi chia sẻ lại câu chuyện của con gái bảy tuổi, anh mong các cha mẹ sẽ bảo vệ con tốt hơn. Ảnh: HỒNG MINH
Anh ĐK cho biết anh muốn kể câu chuyện của gia đình mình để mong các bậc cha mẹ sẽ chú ý tới con cái của mình hơn. Anh đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ trước khi quyết định chia sẻ câu chuyện của mình: “Tôi ở quê không biết chữ, chỉ lo đi làm. Vợ tôi trông coi bốn đứa con. Không ai ngờ hàng xóm của chúng tôi có thể làm như vậy. Con gái tôi mới có bảy tuổi. Mỗi khi nghĩ tới con là tôi xót xa”. Nói tới đó anh lại xúc động, không thể nói tiếp được nữa.
Anh Đoàn Minh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Điều tra thẩm định, Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết kẻ xâm hại cháu bé đã thừa nhận hành vi phạm tội ngay khi bị bắt. Đó là hàng xóm của gia đình anh ĐK, có quan hệ rất thân thiết. Người này đã nảy sinh ý định khi thấy cháu bé đi chơi ngang nhà, không có người lớn trông coi. Hôm đó hắn có uống rượu. Anh Đoàn Minh Tuấn nói: “Ở nông thôn, nhiều cha mẹ để trẻ tự đi chơi do họ bận làm việc. Đó là một nguy cơ”.
Những con số nhức nhối
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cho biết tỉnh này có khu giáp biên kéo dài, đời sống kinh tế nông thôn phát triển nhưng cũng kéo theo nhiều tệ nạn. Nạn xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu gia tăng ở tỉnh này trong suốt thời gian qua. Trong khi đó cha mẹ vẫn chưa thấy hết các nguy cơ trong môi trường họ đang sinh sống. Hội đã cung cấp đường dây nóng 18008077 (tổ chức JICA Nhật Bản hỗ trợ) để thông tin nhờ hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Đường dây nóng trong thời gian qua đã tiếp nhận gần 500 cuộc gọi đến. Hầu hết cuộc gọi đến đều có nội dung liên quan đến xâm hại tình dục.
Tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Hữu Sự, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết từ năm 2014 trở lại đây, số vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện có xu hướng tăng, thể hiện tính chất phức tạp của loại tội phạm này. Ông nói: “Số vụ tăng do phát hiện tăng. Phần lớn xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, người lớn đi làm, các cháu ít được trông coi. Ở nhiều nơi nhà cửa cách xa nhau, các cháu đi học cũng tự đi một mình. Có nhiều cháu bé còn nhỏ, có khi còn không nhận biết được đấy là tội phạm”.
Truyền thông trong thời gian qua đã có tác dụng cảnh báo khá lớn. Các gia đình đã mạnh dạn tố cáo thay vì che giấu. Tuy vậy công tác phát hiện, tố cáo còn gặp rất nhiều khó khăn, không trực tiếp kịp thời. Nhiều vụ xâm hại trẻ em vẫn bị bỏ qua. “Chúng tôi sẽ xây dựng một quy trình để việc tiếp nhận, xử lý hiệu quả hơn, không để lọt tội phạm” - ông Sự khẳng định.
Từ năm 2014 đến 2016, toàn quốc phát hiện trên 4.147 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Riêng sáu tháng đầu năm 2017 phát hiện trên 800 vụ xâm hại trẻ em. 80% trong số đó là trẻ em gái. Đối tượng phần lớn là người chưa có tiền án, tiền sự, có quan hệ gần gũi với gia đình nạn nhân. Đặc biệt gần đây nổi lên tình trạng đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam du lịch và có hành vi xâm hại tình dục với trẻ em cả nam và nữ. (Nguồn Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát) _______________________ Cách làm hay từ các địa phương Hội Phụ nữ xã Tân Hòa, TP Vĩnh Long đã thành lập mô hình Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực dựa vào cộng đồng. Hội đã khảo sát trên toàn xã, có 125 trẻ em có nguy cơ cao, sống trong các hoàn cảnh rất đặc biệt: Cha mẹ ly hôn, người lớn nghiện rượu, trẻ không ở với cha mẹ mà ở với người thân, trẻ mồ côi… Sau đó, hội lập danh sách quản lý các em này. Các hội viên nòng cốt thường xuyên thăm hỏi, khéo léo truyền thông cho các em và gia đình về các nguy cơ. Các dịp lễ, Tết, hội, các em được tổ chức vui chơi lành mạnh, được giáo dục giới tính và kỹ năng phòng vệ phù hợp. Kết quả khá tốt, các em đều đã tự ý thức bảo vệ bản thân và chưa xảy ra vụ việc nào đáng tiếc. Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên tiềm ẩn nhiều yếu tố phát sinh và có nhiều chiều hướng gia tăng. Công an tỉnh đã chủ động rà soát, lên danh sách hàng ngàn thanh thiếu niên đã vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật để phân công các ngành quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa. Riêng ngành công an quản lý, giáo dục, cảm hóa 273 đối tượng thanh thiếu niên. Đã có hơn một nửa tiến bộ và ra khỏi diện theo dõi quản lý. Công an tỉnh này cũng đã tham mưu UBND tỉnh lập Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng để hỗ trợ những người hoàn lương hòa nhập xã hội với nguồn vốn trên 15 tỉ đồng. |