Với việc vào nhà nghỉ gặp Thọ “sứt” và giúp tử tù này mua điện thoại, cô người yêu cũ Thọ “sứt” có bị xử lý hình sự hay không?
Có dấu hiệu che giấu, không tố giác tử tù
Liên quan tới vụ án hai tử tù là Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, 37 tuổi, trú tại Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (28 tuổi, trú tại Thanh Oai, Hà Nội) trốn khỏi Trại tạm giam T16 –Bộ Công an, cơ quan điều tra đã triệu tập một số đối tượng giúp đỡ hai tử tù trên đường bỏ trốn, trong đó có người yêu cũ của Thọ “sứt” là N.T.P.L (23 tuổi trú tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Theo thông tin một tờ báo, N.T.P.L khai nhận, cách đây 5 năm, L và Thọ “sứt” từng có quan hệ tình cảm yêu đương. Nhưng sau đó cô phát hiện Thọ “sứt” có người yêu ở quê nên đã chủ động chia tay. Dù vậy, Thọ không chịu buông tha cho cô gái trẻ.
Thọ "sứt" (ảnh phải) tìm gặp người yêu cũ sau khi trốn khỏi trại giam.
Sau khi trốn khỏi trại giam, Thọ “sứt” chủ động liên lạc với L. Đặc biệt, trong các ngày 13 và 15.9, L đã hai lần gặp Thọ “sứt” tại nhà nghỉ ở địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thọ còn đưa tiền nhờ L đi mua điện thoại và sim số.
Về đối tượng Tình, đối tượng khai nhận, sau khi trốn khỏi trại giam đã liên lạc với người thân lấy tiền và xe máy tiếp tục bỏ trốn.
Liên quan tới sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, cô người yêu cũ Thọ “sứt” và người thân của Tình có bị xử lý hình sự nếu thực hiện hành vi giúp đỡ 2 tử tù bỏ trốn.
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) và luật sư Nguyễn Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh) đánh giá, hành vi mua điện thoại, sim thẻ của cô người yêu cũ Thọ “sứt” và những người cấp tiền, xe máy cho Tình bỏ trốn có dấu hiệu che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.
“Để có căn cứ xử lý cơ quan điều tra cần làm rõ ý thức chủ quan có biết rõ việc Tình và Thọ bị điều tra, truy tố, xét xử, kết án tử hình và bị giam tại Trại T16 chờ thi hành án hay không? Có biết Tình trốn khỏi Trại giam và đang bị truy nã hay không?...
Nếu những người giúp đỡ Tình và Thọ biết rõ hai tử tù trốn khỏi trại giam, đang bị cảnh sát truy bắt mà vẫn giúp đối tượng nhưng không trình báo cơ quan điều tra hoặc có hành động giúp đỡ các đối tượng chạy trốn thì có dấu hiệu che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm”, luật sư Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, luật sư Thơm và luật sư Tuấn Anh rằng, ngay cả trong trường hợp, cô người yêu cũ của Thọ “sứt” và người thân của Tình có hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm thì họ vẫn có thể không bị xử lý hình sự.
“Theo quy định, người có hành vi che giấu hoặc không tố giác chỉ bị xử lý nếu người phạm tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử”(như Tình và Thọ) phạm tội thuộc khoản 2 của tội này, đó là hành vi có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.
Điều này có nghĩa, nếu việc Tình và Thọ trốn khỏi nơi giam giữ được xác định là không thuộc các trường hợp có tổ chức hoặc vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải thì không thể xử lý người yêu cũ của Thọ và người thân của Tình về hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm”, luật sư Thơm nói.
Xử lý về tội đồng phạm?
Nhiều người đặt câu hỏi, những người giúp đỡ, đưa Tình và Thọ bỏ trốn có bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với 2 tử tù về tội trốn khỏi nơi giam, giữ không?
Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco) cho rằng: Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm nên hành vi giúp sức của trong vụ án có đồng phạm phải được thực hiện trước khi tội phạm hoàn thành.
“Tội phạm trốn khỏi nơi giam, giữ hoàn thành từ khi người phạm tội đã thoát khỏi sự giám sát của người canh giữ.
Tử tù Nguyễn Văn Tình sau khi bị bắt.
Đêm 10.9, Tình và Thọ “sứt” đã tháo cùm, khoét tường trốn khỏi Trại tạm giam T16 – Bộ Công an. Tuy nhiên, tới chiều 16.9, cảnh sát đã bắt giữ được cả Thọ “sứt” tại Nam Sách, Hải Dương. Đến rạng sáng 17.6, đến lượt Tình bị bắt tại Mai Châu, Hòa Bình. |
Vì vậy, nếu những người giúp Tình và Thọ không hứa hẹn trước khi hai đối tượng hoàn thành việc trốn khỏi trại giam và hành vi cho tiền, cho mượn xe máy, giúp mua sim, thẻ điện thoại là hành vi bột phát, chỉ được thực hiện sau khi hai đối tượng trốn khỏi nơi giam thì đây không phải là hành vi của đồng phạm”, luật sư Phong nói.
Luật sư Thơm cũng cho biết, đồng phạm của tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ” là cùng cố ý thực hiện việc bỏ trốn từ trong tùhoặc có sự thống nhất bàn bạc trước đó để giúp cho các tử tù bỏ trốn.
Theo các luật sư, trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, những người giúp Tình và Thọ “sứt” trên đường chạy trốn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi “Cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức” theo tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức tiền từ 2-3 triệu đồng.
==>> XEM THÊM: Bạn gái 'hot girl' vào nhà nghỉ cùng tử tù Thọ 'sứt' khai gì tại cơ quan Công an?