TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, 3 tháng đầu năm 2015, Hà Nội ghi nhận 228 ca tay chân miệng, trong đó có 202 trường hợp đã khỏi. Hiện có 26 trường hợp mắc tay chân miệng đang điều trị tại các bệnh viện nhưng không có ca nào nặng.
Các ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội tản phát, không có ổ dịch tập trung. Trẻ mắc tập trung nhiều ở lứa mắc dưới 5 tuổi, chủ yếu 1-3 tuổi. TS Cảm cho biết, so với năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng hiện nay có tăng; nhưng so với năm có dịch lớn lại giảm 50% số ca mắc.
Dự báo đỉnh của dịch, theo TS Cảm, bệnh tay chân miệng thường có xu hướng tăng nhiều vào tháng đầu năm, giữa năm tháng 6-7 và đợt cuối năm vào tháng 10-11. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện cần theo dõi sát tình hình bệnh tay chân miệng, không để dịch bùng phát mạnh thành ổ dịch lớn trong cộng đồng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 2 tháng đầu năm 2015, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận số mắc tăng tại các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau; bệnh tay chân miệng ghi nhận số mắc tăng tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Dịch chân tay miêng gia tăng (Ảnh minh họa)
Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngay từ đầu mùa dịch.
Để chủ động phòng chống, kiên quyết không để dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Bộ Y tế vừa có công điện yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch: tổ chức diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay từ đầu năm và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch theo chỉ định của ngành Y tế. Vận động cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ để phòng chống bệnh tay chân miệng.
Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý triệt để ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống. Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có đông bệnh nhân và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.