Nhiều bệnh nhân bị tay chân miệng nhưng không có các triệu chứng lâm sàng điển hình như mụn nước, giật mình, sốt…
Ngồi buồn bã trước cổng khoa Nhiễm – Thần Kinh (bệnh viện Nhi Đồng 1), chị Trương Thị H. cho biết: “Tôi không hề biết con mình bị bệnh tay chân miệng từ lúc nào. Khi nhập viện thì cháu đã bị khá nặng. Giờ cháu đang được thở bằng máy”.
Chị H. chia sẻ, cách đây chừng một tuần, con trai 2 tuổi bị sốt, thường xuyên giật mình. Chị cứ nghĩ cháu bị bệnh “trái gió trở trời” nên đem đến phòng khám tư gần nhà khám. Khám xong, bác sĩ bảo cháu bị hô cấp cấp, kê toa thuốc bảo về uống ba ngày sau tái khám.
Một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng
Chị vẫn làm theo lời dặn của bác sĩ. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày, bệnh tình của cháu không hề thuyên giảm. Lo lắng, chị đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng 1 khám. Tại đây, bác sĩ nhận định cháu bị bệnh tay chân miệng. “Bình thường, bệnh tay chân miệng có triệu chứng là mụn nước nổi khắp người. Thế nhưng, con tôi không có một mụn nước nào mà vẫn bị bệnh này”.
Ngồi bên cạnh, chị Nguyễn Thanh Th. cũng cho hay, khi con gái 3 tuổi bị sốt, chị cứ nghĩ là cháu mọc răng nên đưa đến một phòng khám tư. Bác sĩ cho biết đây là bệnh thường gặp ở trẻ. Đêm hôm đó, cháu bị co giật, chị đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, bác sĩ bảo cháu bị bệnh tay chân miệng. Điều đáng nói, chị Th. cũng cho biết, con của mình không có mụn nước như triệu chứng thường thấy của bệnh này.
Anh Nguyễn Chí T. cũng chia sẻ, con trai 3 tuổi vẫn thường bị nhờn ở cổ, do đó, lần gần đây, cháu bị bệnh, cũng có triệu chứng bình thường nên anh không lo lắng gì. Anh đưa con đến bác sĩ tư gần nhà tại thành phố Vũng Tàu khám. Lúc này, bác sĩ bảo cháu bị viêm vọng và bán thuốc về uống.
Anh cũng cho con trai uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày thì cháu quấy khóc, sốt liên tục. Lo sợ, anh cho con đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khám. Tại đây, bác sĩ cho hay cháu bị viêm họng dạng khác. Bên cạnh đó, bác sĩ đưa cho anh một tờ rơi về bệnh tay chân miệng và bảo nên quan sát kĩ xem cháu có những triệu chứng như trong này ghi không.
Khi đọc, anh thấy con trai có hầu hết các dấu hiệu bị bệnh tay chân miệng, chỉ duy nhất không bị mụn nước. Lúc này, anh biết con mình bị tay chân miệng nên cho nhập viện Nhi Đồng 1. Sau thời gian ngắn cháu được bác sĩ tận tình cứu chữa thì đỡ và được ra viện.
Thế nhưng, tối cùng ngày, cháu lại nổi sốt. Hôm sau, anh lại chở con đến bệnh viện Nhi Đồng 1 khám lại. Bác sĩ khẳng định, cháu bị tay chân miệng ở cấp độ 3 và được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu, chăm sóc với chế độ đặc biệt.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, trong mấy ngày qua, số lượng bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng tăng khá nhanh. Bên cạnh bệnh nhi có các triệu chứng bình thường, có khá nhiều bệnh nhi không có triệu chứng lâm sàng điển hình.
Bác sĩ đang khám bệnh cho bệnh nhi bị tay chân miệng
Bệnh nhân bị tay chân miệng có sang thương điển hình thường bị mụn nước, giật mình, sốt… Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số trường hợp mắc bệnh nhưng không có một trong những dấu hiệu trên. Đối với những trường hợp không có sang thương điển hình thường phát bệnh nhanh và nặng hơn so với những người bị bệnh có sang thương điển hình. Đối với những trường hợp như thế này thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng. Tuy nhiên, với bệnh nhân bị bệnh viêm họng thường không bị giật mình.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10 là khoảng thời gian bắt đầu mùa dịch tay chân miệng trong năm. Do đó, trong khoảng thời gian tới, có thể số lượng bệnh nhân mắc bệnh này sẽ tăng cao.
Điều đáng nói, cách đây chưa lâu, Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú (TP.HCM) ghi nhận một cháu bé qua đời do bệnh tay chân miệng. Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm họng cấp, viêm phế quản và cho về nhà theo dõi điều trị. Tuy nhiên, sau đó, cháu cấp cứu với biểu hiện mắc tay chân miệng và đã tử vong. Từ thông tin này, nhiều phụ huynh phát hiện con bị tay chân miệng thì rất lo lắng và nhất quyết bệnh viện phải cho nhập viện khiến tình trạng thiếu giường bệnh ngày càng trầm trọng.