Ngày 23/5, bầu trời Hà Nội bị bao phủ bởi lớp sương mờ ngay từ sáng sớm, theo hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng không khí (AQI) của Thủ đô hiển thị mức màu cam 101-150, xếp thứ tư thế giới về độ ô nhiễm.
Ngày 23/5, cả 35 trạm quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hiển thị AQI mức 101-150, tương đương mức kém. Trong đó, 4 trạm mức kém nhất gồm: trụ sở Công an phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm (106), 17 Trung Yên (3), Trung Hoà, Cầu Giấy (107) và UBND xã Thanh Xuân, Sóc Sơn (117). Càng về chiều, chỉ số AQI có dấu hiệu xấu hơn.
Cả 35 trạm quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều hiển thị AQI mức 101-150, mức có hại cho sức khỏe.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại Việt Nam), tính đến 17 giờ chiều nay, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội chủ yếu ở mức 151 - 200, mức không lành mạnh, cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe tới mọi người.
Nơi có chất lượng không khí kém nhất là khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) với AQI là 167, cảnh báo có hại sức khỏe, khuyến cáo người dân không chạy bộ, đạp xe, bơi lội, làm vườn, vui chơi ngoài trời.
Trạm Tây Hồ có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trong tuần đạt 167.
Cùng thời điểm này, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) xếp Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ tư thế giới với chỉ số AQI trung bình 156, trong đó trạm tại Tây Hồ cao nhất 167. Đây là mức không khí ô nhiễm cao nhất trong tuần này.
IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội cao gấp 12,4 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Khoảng 1/3 bụi mịn PM 2.5 trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới, hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới quy định.
Khoảng 1/3 bụi mịn PM 2.5 trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong khi 2/3 còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài như các tỉnh lân cận, đồng bằng sông Hồng và ô nhiễm xuyên biên giới.