Các công ty bán hàng đa cấp được Bộ Công Thương cấp phép tung hoành từ thành thị đến nông thôn kéo theo nhiều hệ lụy nhưng ngành chức năng khẳng định khó quản lý hoạt động này cũng như chất lượng hàng hóa
Ông X., đại diện một công ty bán thực phẩm chức năng tại Phú Yên mà chúng tôi đã nhắc trong bài trước, tiết lộ tập đoàn ông đang đầu quân dành đến 73% doanh số bán ra đầu tư cho hệ thống phân phối. Tất nhiên, con số ấy được tính vào giá thành sản phẩm nên không lạ khi hàng đa cấp đều có giá cao ngất ngưởng còn chất lượng như thế nào thì người tham gia thấu hiểu nhất.
Nỗi khổ của người trong cuộc
Nguyễn Văn Linh, sinh viên Trường Đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), kể được nhiều bạn bè quen trên mạng rủ rê tham gia bán hàng đa cấp của Công ty Hoàng Kim Thế Gia để kiếm thu nhập “khủng”. Anh Linh được công ty yêu cầu mua đồng hồ trị giá trên 2 triệu đồng để được nhận là thành viên. Khi anh Linh bảo không có tiền mua thì công ty hứa cho ghi nợ nhưng anh phải tích cực giới thiệu bạn bè, người thân tham gia việc mua hàng. “Hầu hết sản phẩm của công ty rất ít thông tin về nguồn gốc, xuất xứ nhưng được quảng cáo là siêu cao cấp, có giá trị lớn. Em về hỏi gia đình nhưng không ai đồng ý mua cả” - Linh nói.
Một buổi thuyết trình của một công ty chuyên kinh doanh hàng đa cấp ở Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM
Cũng tham gia một mạng lưới bán hàng đa cấp, anh Đ. (ngụ xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) kể ban đầu, nghe công ty giới thiệu rất ham bởi chỉ cần đóng 200.000 đồng lệ phí làm thành viên, sau đó được mua hàng với giá ưu đãi rồi bán lại cho người khác với giá mà mình mong muốn (!). Nếu giới thiệu được càng nhiều người tham gia, anh Đ. được hưởng hoa hồng cộng dồn, thu nhập có khi lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia, anh Đ. rút ra kinh nghiệm: “Do sản phẩm giá đắt nên rất khó bán. Mặt phải dày hơn cái thớt và trở thành nỗi sợ hãi của bạn bè, người thân. Liên tục chăm sóc hệ thống nếu không hệ thống tự rã chứ không phải như quảng cáo “Bạn không làm nữa tiền vẫn đổ vào tài khoản”. Việc đi lại, mời người khác đi uống cà phê hết sức tốn kém. Đặc biệt phải có tài “bốc phét”, phải thổi phồng sự thành công của hệ thống. Tôi dồn thu nhập được khoảng 23 triệu đồng nhưng đi đâu cũng lấy nó ra khoe để kiếm thêm khách hàng. Quá mệt mỏi nên tôi bỏ nghề”.
Không thể quản
Vừa nhắc đến chuyện bán hàng đa cấp, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên, thốt lên: “Cái đó khổ lắm, không quản được!”. Theo bà Bích, Phú Yên hiện có gần 20 doanh nghiệp có thông báo bán hàng đa cấp trên địa bàn nhưng con số thực tế và các doanh nghiệp bán như thế nào thì không rõ. “Toàn bộ các công ty bán hàng đa cấp đều được Bộ Công Thương cấp giấy phép và cấp rất nhiều. Tôi không biết vì sao lại cấp nhiều như thế nhưng lại giao việc quản lý về địa phương trong khi các công ty này không có địa điểm kinh doanh tại địa phương. Vì vậy, lực lượng QLTT không thể kiểm soát được việc bán hàng cũng như có chuyện các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động này để lừa đảo hay không” - bà Bích thừa nhận. Bà Bích cho biết trong những cuộc họp với Bộ Công Thương, các tỉnh đều có ý kiến về khó khăn trong quản lý bán hàng đa cấp nhưng hiện vẫn chưa có cách tháo gỡ.
Một loại thực phẩm dinh dưỡng trong chăn nuôi dù chưa được cấp phép nhưng được phân phối qua mạng lưới bán hàng đa cấp ở Phú Yên Ảnh: HỒNG ÁNH
Cũng theo bà Bích, khi cấp phép bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương buộc doanh nghiệp phải công bố danh mục và giá cả các mặt hàng trên trang web của bộ. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, danh mục hàng hóa rất nhiều, người trong ngành cũng không thể nhớ huống gì người tiêu dùng. “Hiện nay không đơn vị nào quản lý được chuyện bán hàng đa cấp cả vì họ bán kiểu “chim trời cá biển”. Mạng lưới của họ rộng, đông, lại bán hàng kiểu rỉ tai chứ không có địa điểm, đại lý. Thú thực ngay cả cán bộ quản lý của mình cũng không hiểu nổi nó như thế nào huống chi người dân” - bà Bích khẳng định.
Vì được Bộ Công Thương cấp phép bán hàng đa cấp trên toàn quốc nên theo quy định, các doanh nghiệp trước khi bán hàng chỉ cần gửi thông báo đến sở công thương. Trong vòng 1 tuần, sở phải có công văn trả lời vừa gửi cho doanh nghiệp đó vừa gửi đến các địa phương để biết. “Nhiều địa phương lại hiểu nhầm doanh nghiệp bán hàng đa cấp được Sở Công Thương Phú Yên giới thiệu xuống nên năng nổ giới thiệu cho dân” - bà Bích phân trần.
Cũng lúng túng trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đại tá Trần Phi Hùng, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và Chức vụ Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết đơn vị đã nhiều lần theo dõi các hoạt động kinh doanh đa cấp ở TP Nha Trang. Do pháp luật không cấm hình thức kinh doanh này, trong quá trình theo dõi cũng không có người đứng ra tố cáo nên chưa đủ căn cứ để xử lý.
Quy định có nhưng thả nổi Năm 2005, Chính phủ có Nghị định 110/CP điều chỉnh về bán hàng đa cấp. Theo đó, quy định chặt chẽ như phải đăng ký kinh doanh, các sản phẩm phải được kiểm định và thông báo giá bán. Năm 2014, Chính phủ tiếp tục ban hành nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó nghiêm cấm một số hành vi như: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa, đặt cọc, đóng một khoản tiền...; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác… Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều công ty bán hàng đa cấp không tuân thủ các quy định này. Chưa hết, nhiều công ty đã lợi dụng giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp để trục lợi từ khoản chênh lệch khổng lồ giữa giá bán và giá trị thật của sản phẩm. |