Hàng loạt giáo viên dạy người khuyết tật 'đình công'

Ngày 22/02/2014 08:55 AM (GMT+7)

Hàng loạt giáo viên đã đồng loạt ngưng dạy nhằm phản đối những nguyên tắc thiếu chuyên môn của Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM.

Nhiều giáo viên cho rằng vị Phó giám đốc trung tâm đã quá cứng nhắc và thiếu tình thương với trẻ, nên không chấp nhận hợp tác tiếp tục làm việc.

Sự việc đã gây xôn xao dư luận và hàng loạt vấn đề về trách nhiệm của một số cán bộ ngành giáo dục hiện nay được đặt ra.

Hàng loạt giáo viên dạy người khuyết tật #039;đình công#039; - 1

Các giáo viên bức xúc về công tác lãnh đạo của bà Tâm (ảnh Thơ Trịnh).

Giáo viên yêu cầu thuyên chuyển Phó giám đốc trung tâm

Sáng 18/2, tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM (108 Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3, TP. HCM) vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước đó đồng loạt 14 trong số 19 giáo viên tại trung tâm này nghỉ dạy để biểu tình cách quản lý của bà Đàm Thị Tâm, Phó giám đốc trung tâm trên.

Không chỉ có giáo viên của trung tâm phản đối bà Tâm, mà ngay cả phụ huynh cũng kéo đến đông đảo để trình bày bức xúc. Hầu hết ý kiến của giáo viên và phụ huynh đều cho rằng nếu bà Tâm còn ở trung tâm thì họ sẽ đi. Nhiều giáo viên còn bức xúc khẳng định rằng bà Tâm không có tình thương dành cho trẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, giáo viên Trương Thị Thúy Nga cho biết: "Chúng tôi rất bức xúc việc cô Tâm gây chia rẽ nội bộ. Có lần tôi bị cô Tâm trách là nghe một số giáo viên nói tôi nghỉ nhiều, trong khi ngày nào tôi cũng có mặt để dạy học, chính điều này gây mất đoàn kết. Từ lúc cô Tâm chưa về, ở trung tâm này như một gia đình, thương yêu gắn bó với nhau. Nhưng từ ngày cô Tâm về thì nội bộ lộn xộn không ngày nào bình yên. Tôi rất mong muốn bên Sở một là chuyển công tác cô Tâm, hai là chuyển công tác chúng tôi, chứ chúng tôi không thể làm việc với một người thiếu đạo đức nghề nghiệp như vậy được".

Cùng là lãnh đạo với bà Tâm, bà Lê Trung Trí Hiếu, Phó giám đốc trung tâm cho biết: "Không có lửa thì làm sao có khói, phải có cái gì đó thì giáo viên ở đây mới phản ứng như thế. Vậy cái cần thiết ở đây là chúng ta phải nhìn lại với nhau, trao đổi với nhau những vấn đề để tìm phương án giải quyết hợp lý. Cách giải quyết đó phải đảm bảo quyền lợi của mọi người cũng như hiệu quả công việc tốt. Ở vị trí lãnh đạo, tôi tôn trọng chị Tâm, ở đây tôi cũng đánh giá chị Tâm có những điểm tích cực. Tuy nhiên, qua bức xúc của giáo viên nếu sự việc có thật thì quả là không hay chút nào".

Là phụ huynh học sinh, chị Hồ Thị Thanh Vân (ngụ quận 12) tỏ ra bức xúc: "Đây là môi trường đào tạo cho những đứa trẻ khiếm khuyết. Tôi cho rằng nên có phương án giải quyết linh hoạt chứ không nên nhất quyết hôm nay hay ngày mai là buộc phải đi học. Trước đây, những lúc học sinh đau ốm nhiều thầy vẫn tăng tiết học hoặc cho trẻ học bù làm chúng tôi rất hài lòng. Trước đây họp thì ban giám đốc trung tâm kêu tăng tiết hay không tăng tiết là do phụ huynh và do giáo viên trực tiếp chứ không can thiệp vào. Những đứa trẻ chiều nay nó đang chơi bình thường đột nhiên mai nó bệnh thì cô vẫn không thông cảm. Tôi không đồng tình với việc cô Tâm ở lại đây vì những đứa trẻ cần những người có cái tâm thì mới bớt mặc cảm về số phận. Chứ đằng này cô Tâm cứ cản trở như vậy thì không chấp nhận được".

Thậm chí,  nhiều trường hợp bất dắc dĩ, phụ huynh còn dở khóc dở cười với bà Tâm. Chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết: "Trong lần bà ngoại bé bị xe đụng ở Đà Lạt tôi đưa cháu lên thăm. Đến tiết học thì tôi gọi điện xin nghỉ nhưng cô Tâm kêu tôi phải đem thằng bé về ngay trong đêm để học rồi trưa mai lại lên tiếp. Qua tháng sau con tôi bị xuất huyết bao tử đi viện trong đêm, đến sáng tôi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm. Hôm sau cô Tâm kêu một là đem giấy bác sĩ về còn hai là đưa con về cho cô xem xét".

"Nhiều ý kiến phản ánh sai sự thật"

Sáng ngày 18/2, trước những bức xúc gay gắt của các giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM, Thanh tra sở Giáo dục TP.HCM đã trực tiếp làm việc với các giáo viên và lãnh đạo trung tâm để hiểu rõ thực hư sự việc. Trong quá trình chờ đợi kết quả làm việc của Thanh tra Sở, PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với bà Đàm Thị Tâm nhằm làm rõ những bức xúc của các giáo viên.

Trả lời PV về việc vì sao có quy định học sinh nghỉ quá 2 buổi là không được đến trường, bà Tâm cho biết: "Đã có quá nhiều ý kiến phản ảnh về tôi sai sự thật và mang tính chất vu khống. Bởi tôi không được quyền đề ra những quy định hoạt động của trường. Hơn nữa, tất cả những quy định là do giám đốc trung tâm đưa ra. Tôi về trung tâm từ tháng 5/2013 theo quyết định của sở Giáo dục. Với chuyên môn sư phạm văn nhưng xuất thân từ một giáo viên mầm non, tôi nhận thấy những kinh nghiệm của mình phù hợp với tình hình thực tế ở trung tâm".

Bà Tâm chia sẻ: "Bên cạnh những thuận lợi, tôi gặp hai vấn đề khó khăn ngay từ khi đặt chân đến công tác tại trung tâm. Tại đây, tôi không được thừa nhận là người có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Bên cạnh đó, tôi như bị một gáo nước lạnh giội lên đầu khi thấy bài báo viết về việc tôi bị kỷ luật cách chức ở đơn vị cũ dán trên màn hình máy tính của trung tâm. Tuy nhiên, tôi không vì những khó khăn này mà chùn bước. Tôi đã nỗ lực một thời gian dài để hoàn thành các nhiệm vụ được giao: Can thiệp sớm, quản lý tình hình, chuẩn đoán tư vấn tâm lý, tuyên truyền pháp luật trong cơ quan.

Ngoài công tác quản lý, tôi còn phải làm công tác giáo vụ. Chính vì đảm nhiệm rất nhiều công việc nên tôi luôn làm việc rất thiện chí, và mong muốn các thầy cô chia sẻ để giúp tôi tiến bộ hơn".

Kết thúc cuộc trò chuyện với PV, bà Tâm một lần nữa khẳng định mình bị vu khống về việc khi có học sinh nghỉ phải trực tiếp báo với bà Tâm thay vì báo cho giáo viên chủ nhiệm. Lý giải về vấn đề này, bà Tâm chỉ rõ: "Trước đây, vì một số giáo viên không thực hiện đúng quy tắc can thiệp sớm của trung tâm, nên tháng 6/2013 nhà trường đã tổ chức họp và đưa ra quy định nếu học sinh nghỉ thì phải báo trực tiếp cho phó giám đốc. Từ quy định này đã giúp cho tỉ lệ học sinh tạm nghỉ học giảm hẳn đi so với trước đây. Đó là điều chúng tôi rất phấn khởi vì việc học tập của các em không bị gián đoạn quá nhiều".

Chúng tôi hoàn toàn bị động

Là Giám đốc trung tâm, ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết: "Việc thay đổi cách quản lý công việc, nề nếp, biểu mẫu khá nguyên tắc của cô Tâm đã bị giáo viên phản ứng. Chính vì vậy, tôi đã nhiều lần làm việc với cô về việc làm sao để giáo viên hưởng ứng, đồng tình với những công việc nói trên. Ngay khi tiếp nhận một số đơn phản ánh, chúng tôi đã giải quyết rất nhanh về việc chấm dứt, điều chỉnh một số chương trình quản lý của cô Tâm để không làm ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của giáo viên.

Tuy nhiên, một số giáo viên không thỏa đáng tiếp tục kiến nghị, vì cho rằng cô Tâm không đủ chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt này. Chúng tôi không hề biết và hoàn toàn bị động trước việc giáo viên dạy trẻ khuyết tật đồng loạt ngưng dạy phản đối Phó giám đốc trung tâm".

Theo Thơ Trịnh - Hoàng Minh (Đời sống & Pháp luật)

Tin liên quan