Gần 2.500 giáo viên Hà Nội viết tâm thư gửi tới Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ và UBND TP. Hà Nội kiến nghị bỏ quy định thi thăng hạng, chỉ xét thăng hạng nhằm giảm bớt gánh nặng cho giáo viên.
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội ra công văn "hướng dẫn thu, xét hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng đối với giáo viên Mầm non, phổ thông công lập". Công văn của Sở Nội vụ Hà Nội "hướng dẫn tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non, phổ thông công lập" cũng nói rõ hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng. Điều này khiến nhiều giáo viên suy nghĩ và tâm tư.
Giáo viên kiến nghị được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển
Thầy Nguyễn Văn Đường (SN 1979, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đại diện cho 2.500 giáo viên viết tâm thư cho biết: "Thực hiện Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT, công văn số 1783/SNV-CCVC và sau đó là công văn số 2066/SNV-CCVC của Sở Nội vụ Hà Nội, ngày 6/7/2023 Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn 2368/SGDĐT-TCCB hướng dẫn thực hiện việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên đến các trường trên địa bàn. Chúng tôi - những giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm hồ sơ dự thăng hạng đợt này đã vô cùng phấn khởi. Đây là sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích của Nhà nước với những giáo viên có thành tích và cống hiến, có sự nhiệt tâm với nghề.
Tuy nhiên, theo thầy Đường, niềm vui chưa kịp nhen lên đã bị dập tắt. Ngay sau khi tìm hiểu hình thức, nội dung và thời gian thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, nhiều giáo viên Hà Nội băn khoăn và chạnh lòng. "Chúng tôi là những thầy giáo, cô giáo giỏi cấp cụm, cấp thành phố, những Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, những cán bộ giàu năng lực chuyên môn... đã được khẳng định trong thực tiễn công tác nhưng lại không thể là viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng cao nếu không may sơ suất trong một môn thi nào đó như tiếng Anh hoặc Tin học. Nhất là với những giáo viên ngoài 50 tuổi thì khả năng tiếng Anh và Tin học hạn chế hơn. Như vậy, lợi thế lại thuộc về các giáo viên trẻ".
Thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên.
Thầy Đường cho biết thêm, qua tâm sự và tìm hiểu thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp các nơi, các giáo viên cũng phản ánh nhiều tỉnh, thành khác như Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển. Ngay trên địa bàn Hà Nội, giáo viên ở các trường THCS từ mấy năm trước đã được xét thăng hạng mà không phải thi".
"Chúng tôi cũng tự thấy, việc tổ chức một kỳ thi cho hàng ngàn giáo viên trên khắp thành phố cũng tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Công sức và thời gian mà giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít. Thiết nghĩ, thời gian ấy, công sức ấy, nguồn kinh phí ấy, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ phát huy giá trị hơn rất nhiều.
Là giáo viên, chúng tôi tự thấy mình đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua những áp lực công việc, trăn trở tìm tòi để có được những bài giảng tốt nhất, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện chương trình phổ thông mới 2018. Việc được hội đồng nhà trường xét duyệt, thông qua hồ sơ dự thi thăng hạng cũng đã chứng tỏ rằng chúng tôi đã có cống hiến, có thành tích, chúng tôi xứng đáng với việc có chức danh ở hạng cao hơn".
Từ những lý do trên, 2.500 giáo viên tại Hà Nội đã gửi đơn kiến nghị và bày tỏ nguyện vọng giáo viên từ hạng III lên hạng II không phải dự thi. "Mong các ban ngành lắng nghe, xem xét và tạo điều kiện để nguyện vọng chúng tôi được thực hiện, để những thầy cô giáo có thể yên tâm, có động lực tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người", thầy Đường cho biết.
Về vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã nhận được thư của giáo viên. Theo một lãnh đạo của Sở GD&ĐT cho hay, quan điểm của Sở GD&ĐT là không làm khó giáo viên, nhưng việc thi hay xét thăng hạng do Sở Nội vụ quy định.
Bộ Nội vụ đề xuất xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không phải thi thăng hạng
Theo quy định hiện hành, có hai hình thức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức là thông qua thi tuyển hoặc xét duyệt. Việc này thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý viên chức.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, Bộ Nội vụ cũng đưa ra đề xuất, viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không phải thi thăng hạng.
Theo Bộ Nội vụ, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Các kỳ thi cũng chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp dẫn tới không đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ của việc thăng hạng.
Ngoài ra, hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm của viên chức chưa được hoàn thiện đã dẫn đến thực trạng là viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập.
Hơn nữa, theo Bộ Nội vụ, với số lượng viên chức rất lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề ở các bộ, ngành, địa phương, việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém kinh phí; cá biệt một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi.