Ở Trung Quốc, hiện có rất nhiều đứa trẻ đang 'bị bỏ rơi', phải lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu thương dù các em vẫn có cha mẹ đầy đủ.
Cậu bé Lu Yiming, 6 tuổi, là một trong 61 triệu đứa trẻ 'bị bỏ rơi' hàng năm tại Trung Quốc. Cậu bé này khá cứng đầu và nghịch ngợm, thường xuyên leo lên thành bê tông ở tầng 2 để nghịch pháo hoa. Đang chơi thì cậu bé trượt chân ngã xuống một con hẻm.
"Quay lại đây ngay", bà ngoại của cậu bé hét lên. "Tôi đau đầu vì nuôi thằng bé này. Tôi nói với nó, bố mày thì đi biền biệt, mẹ mày thì bỏ mày lại, không cần mày", Tang Xinying, 72 tuổi, bà ngoại của cậu bé tâm sự.
Mẹ của Lu đã bỏ con trai lại cho mẹ già chăm sóc khi cậu bé vừa chào đời. Bố của cậu bé đang làm ở tỉnh Sơn Đông, phía Bắc Trung Quốc, cách nhà hàng trăm dặm. Mỗi năm ông bố chỉ về quê thăm con một lần.
Bà cháu cậu bé Lu Yiming (6 tuổi) bên cạnh ngôi nhà của họ.
Ở Trung Quốc có tới 61 triệu trường hợp trẻ em rơi vào hoàn cảnh như vậy, một con số đáng kinh ngạc ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Những đứa trẻ 'bị bỏ rơi' này thường gặp khó khăn khi đến trường, có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao hơn và thường có hành vi bất thường so với những đứa trẻ đồng trang lứa.
Tình trạng thiếu việc làm trầm trọng ở nông thôn
Ở Chao Hu, một ngôi làng bên trong tỉnh An Huy, có hàng đống dự án nhà ở đang xây dựng dở và đồng ruộng bỏ hoang. Một đám mây màu trắng trôi lơ lửng trên bầu trời, gieo rắc mùi vị kim loại trong miệng. Ô nhiễm công nghiệp của Trung Quốc khiến nơi này trở thành như vậy.
Người dân trong ngôi làng này không có việc làm, người dân trong độ tuổi lao động đều lên thanh phố kiếm sống, chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ.
Cậu bé Lu nắm tay chúng tôi dạo bước trong ngôi làng nhỏ. Một nhóm bà già ngồi trên ghế gỗ nghe Kinh kịch qua chiếc đài bé tẹo. Vài ông già đang nấu rượu trong thùng phụy.
"Chúng tôi không còn ruộng đồng để cày cấy, nếu không lên thành phố kiếm sống thì không có tiền mà ăn. Bố mẹ lũ trẻ phải rời khỏi làng, vật vã lên thành phố kiếm sống, không thể mang theo con nhỏ", bà Tang chia sẻ.
Liên đoàn Phụ nữ ở Trung Quốc đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho những đứa trẻ bị bỏ rơi. Các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin nhấn mạnh 'những đứa trẻ bị bỏ rơi' thường bị lạm dụng và đổ những vụ tội phạm lên chúng.
Ines Kaempfer, nhân viên Trung tâm Quyền trẻ em và Trách nhiệm xã hội, Trung Quốc, cho biết: 'Tình trạng này có tác động rất lớn tới xã hội và thế hệ của những đứa trẻ lớn lên không có cha mẹ bên cạnh. Sẽ có một thế hệ Trung Quốc thiếu an ninh và mất an toàn. Nó có thể đem lại những ảnh hưởng tai hại".