Qua 20 phút đi bộ, không cần dò kiếm, ông Đ. dừng chân trước một cái giếng vuông, mỗi bề rộng hơn 2,5 m nằm ngay giữa động cát và bảo đây là một trong ba cửa để vào kho chứa vàng.
Đoàn thực địa đang ghi nhận tại giếng nước thứ ba. Ảnh: A.Nhiên
PV Pháp Luật TP.HCM tường thuật chuyến đi khảo sát “kho báu” núi Tàu của UBND xã Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận.
“Kho báu núi Tàu chứa 4.000 tấn vàng thực chất được chôn giấu dưới ba cái giếng” - đó là trình báo của ông HVĐ, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM với chính quyền xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin). Cả ba vị trí nói trên cách núi Tàu, nơi ông Trần Văn Tiệp từng bỏ ra hơn 20 năm tìm kiếm, khoảng 1 km.
Ngay sau khi trình báo, ông Đ. đề nghị chính quyền xã đi thực địa ba vị trí nói trên để lập biên bản hiện trường, ghi nhận thực tế, từ đó có phương án bảo vệ, triển khai thăm dò, khai quật. PV Pháp Luật TP.HCM cũng có mặt trong chuyến đi thực địa này.
Đi tìm “kho báu” giữa trưa
Khoảng 10 giờ 30 ngày 4-3, một người đàn ông to cao lực lưỡng, chừng 40 tuổi bước vào trụ sở UBND xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Người này (xưng tên HVĐ) xin gặp lãnh đạo xã để trình báo về ba vị trí cất giấu hàng ngàn tấn vàng do quân Nhật chôn giấu sau Thế chiến thứ hai. “Tôi đã đổ ra nhiều công sức, tiền của mấy năm trời để tìm kiếm kho vàng này với mong muốn khai quật khối tài sản khổng lồ cho quốc gia” - ông Đ. nói.
Sau khi nghe ông Đ. trình bày, dù đã khá trưa nhưng ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể, cùng đại diện công an, tư pháp, địa chính xã Phước Thể vẫn nhiệt tình cùng theo ông Đ. đi thực địa hiện trường.
Từ chân núi Tàu, ông Đ. dẫn đoàn băng qua một đường đất khá gồ ghề nằm giữa các hồ nuôi tôm do người Nhật thuê khai thác từ 10 năm nay. Theo ông Long, các vuông tôm này được người Nhật đào đắp khá bài bản nhưng họ thả nuôi tôm rất cầm chừng.
Điểm đến đầu tiên là một động cát kéo dài dọc bờ biển, ông Long giới thiệu đây là khu vực cửa Sứt, do bờ cát bị sóng đánh thụt vào một khoảng lớn. Triền cát giữa trưa bỏng rát nhưng ông Đ. vai vác cuộn thang dây vẫn xăm xăm dẫn đầu đoàn, theo sau là cán bộ xã, một nhà khoa học và luật sư tư vấn của ông Đ.
Qua 20 phút đi bộ, không cần dò kiếm, ông Đ. dừng chân trước một cái giếng vuông, mỗi bề rộng hơn 2,5 m nằm ngay giữa động cát và bảo đây là một trong ba cửa để vào kho chứa vàng. Ông Đ. tiết lộ đây là cửa trung tâm, ngoài vị trí này còn có hai cửa khác để vào hai kho còn lại, mỗi vị trí cách nhau chừng 500-700 m. Nói xong, ông Đ. thòng thang dây và tự mình tụt xuống giếng. “Mực nước dưới đáy giếng không quá sâu, nước bị xâm mặn. Dưới đáy giếng là khối bê tông dày 40 cm còn nguyên khối” - từ đáy giếng, ông Đ. nói vọng lên.
Lần mò dưới đáy giếng một hồi, ông Đ. lên khỏi miệng giếng và tự đặt câu hỏi: Tại sao giữa mênh mông cát, không có người sinh sống lại có cái giếng này? Vừa hỏi xong, ông khẳng định chắc nịch đây chính là lối vào kho chứa vàng ngàn tấn đã lưu truyền kỳ bí lâu nay (!?). Tuy nhiên, ông D., một người dân địa phương có mặt trong đoàn, cho hay giếng này có từ trước năm 1975. Sau này người dân xây thành xung quanh bằng gạch để ngăn cát lấp, dùng để tưới cây và phục vụ việc xây dựng các khu mộ ở gần đó.
Kho báu dưới đáy giếng…
Thu dọn thang dây, ông Đ. lại phăm phăm tiến về phía trước. Chừng 30 phút sau, khi mọi người đã tỏ ra mệt mỏi, ông Đ. dừng chân tại một khu vực khá hẻo lánh. Ở đây có một giếng tròn đường kính chừng 1,2 m. Nước trong giếng khá nhiều, có vị mặn và màu hơi tối do lá cây rụng xuống. Do nước sâu (ông Đ. bảo giếng sâu chừng 5 m), giếng lại hẹp nên ông Đ. không xuống khảo sát. Thay vào đó đoàn thực địa đã ghi nhận lại hiện trạng chu vi, bán kính của giếng, khoảng cách so với bờ biển…
Ông Đ. cho hay giếng này ngày xưa cũng có hình vuông, y như cái giếng trước. Sau này người dân sợ cát lấp nên sửa lại khiến hình dạng của giếng không như ban đầu. Đây cũng là giếng ở xa nhất, miệng giếng nhỏ hơn hai cái còn lại.
Trời bắt đầu xế bóng, mọi người đều khát, đói và mệt mỏi nhưng ông Đ. vẫn xăm xăm đi tìm giếng thứ ba. Giếng này nằm khá gần khu vực cửa Sứt, nơi có nhiều thuyền thúng của ngư dân ra vào đánh bắt. So với hai giếng kia, giếng này nằm sát bờ biển hơn cả, vách giếng còn khá mới, đáy giếng rộng và sâu hơn.
Sau hơn hai giờ đi thực địa, chính quyền xã Phước Thể đã lập biên bản tiếp nhận thông tin người dân trình báo và biên bản ghi nhận thực tế hiện trường, mô tả vị trí kho chứa vàng. “Trước mắt chính quyền xã tiếp nhận thông tin trình báo của người dân và lập biên bản hiện trường, hiện trạng, sau đó sẽ xin ý kiến chỉ đạo của huyện, tỉnh” - ông Long cho hay.
Thông tin mới nhất ông Đ. cho hay đại diện một cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã gọi điện thoại cho ông thông báo tỉnh đang lên kế hoạch mời các chuyên gia, nhà khoa học tới các vị trí trên để đánh giá thực địa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cả ba địa điểm do ông Đ. chỉ dẫn cách nhau khoảng 500-700 m, nằm ở khu vực khá hẻo lánh, cây cối thưa thớt, cách bờ biển chừng vài chục mét. Điều đáng nói cả ba vị trí này khá lộ thiên, không quá khó tìm. Ông Đ. cho hay kho chứa vàng nằm ở độ sâu 7-10 m, dưới lớp bê tông dày 40 cm.