Cho tới bây giờ, người dân ở làng Nga Hoàng (xã Yên Giả, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) vẫn truyền nhau câu chuyện về kho báu người Tàu được chôn bí mật ở núi Con Rùa.
Tương truyền rằng, người Tàu khi xưa đã chôn theo một người con gái đẹp cùng rất nhiều vàng bạc để trấn yểm khu vực này. Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào?
Từ việc người Tàu chôn vàng trấn yểm (?!)
Để tìm hiểu gốc tích câu chuyện này, chúng tôi đã tìm tới UBND xã Yên Giả, huyện Quế Võ, Bắc Ninh để xác minh thực hư câu chuyện.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Tôi có nghe nói tới truyền thuyết này thông qua thần phả làng Nga Hoàng. Tuy nhiên, do là người trẻ nên tôi cũng chỉ biết vậy chứ chi tiết phải hỏi các cụ trong làng mới rõ".
Theo lời giới thiệu của ông Tuấn, chúng tôi tìm gặp ông Vũ Văn Xế, Chi hội trưởng Người cao tuổi làng Nga Hoàng và được ông tiết lộ thêm nhiều thông tin thú vị. ông Xế cho biết: "Chuyện người Tàu chôn vàng ở núi Con Rùa được nhắc tới trong thần tích về Thành hoàng làng của chúng tôi. Cho tới bây giờ, những vị cao niên trong làng đều biết tới câu chuyện này và những nhân vật trong câu chuyện đều được thờ tại làng từ đó cho tới nay".
Ông Xế kể rằng, thời xưa (không nhớ rõ vào thời điểm nào) có giặc Xiêm hay sang gây rối và quấy nhiễu nước ta. Vua đứng ra kêu gọi khắp nơi tuyển quân để đi đánh giặc.
Làng Nga Hoàng lúc bấy giờ có một vị tướng văn võ song toàn liền đứng lên hiệu triệu nhân dân và kết tập được rất nhiều người ở quanh vùng. Tất cả mọi người theo vị tướng này lên đường đánh giặc. Khi quân của ngài kéo qua sông Đuống để vượt lên Thị Thôn (thuộc xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) thì ngài lệnh hạ trại nghỉ ngơi.
Sau đó, đoàn quân men theo sông Đuống để ngược lên máng ông Phủ, lên cầu ông Tây (hai địa danh này hiện nay không còn xác định được địa điểm) thì bất chợt gặp cầu hạ Mã. Theo quy định thì bất kì ai khi gặp cầu này đều phải dừng ngựa để đi vòng qua. Trước mặt đoàn quân lúc bấy giờ là một con đê dài, phía xa là núi Con Rùa (núi này nay vẫn còn, thuộc địa phận xã Lạc Vệ, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Đền thờ Thành hoàng làng, nơi lưu giữ câu chuyện kho báu người Tàu tại làng Nga Hoàng hiện nay.
Trong khi đang dắt ngựa qua cầu Hạ Mã thì vị tướng quân nhìn xa về phía núi Con Rùa và thấy bóng những con trâu bò bằng vàng và bóng người con gái thấp thoáng đi ra đi vào. Cho là sự lạ, vị tướng bèn hỏi tùy tùng của mình sự việc kỳ lạ trên. Một người lính đứng lên thưa rằng: "Người dân nơi đây gọi núi này là núi Con Rùa vì hình thế của nó. Cả quả núi là hình một con rùa khổng lồ nhưng bị mất đầu. Tương truyền, núi này là hóa thân của một con rùa tinh chuyên làm hại dân làng. Sau có một vị thần đã dùng nỏ bắn gục con quái vật. Phần thân của nó thì biến thành quả núi, phần đầu thì bay đi nơi khác. Sau này, người Tàu qua đây đã chôn rất nhiều vàng để trấn yểm. Thỉnh thoảng người dân khu vực vẫn trông thấy ánh kim quang phát ra nhưng sợ không dám vào gần. Bởi lẽ, khi chôn vàng bạc trấn yểm, người Tàu còn chôn sống một người con gái rất đẹp để làm thần giữ của ở nơi này".
Nghe xong câu chuyện trên, vị tướng quân càng hiếu kỳ nên kéo quân lên núi xem thực hư ra làm sao. Khi tới nơi thì thấy một cái hang rất sâu. Thấy vậy, mấy tùy tùng thân cận xung phong vào trước để xem xét nhưng vị tướng quân không đồng ý. Ngài quyết định vào trước, sau đó mới cho quân lính theo sau. Ngài buộc sợi dây vào người và hạ lệnh, hễ khi nào có tiếng hô ở trong thì bên ngoài kéo dây ra. Nhưng khi vừa vào đến thì hang sập và vị tướng quân hóa luôn trong đó. Tùy tùng ở bên ngoài thấy vậy liền kéo dây ra nhưng không thấy vị tướng đâu bèn tấu trình sự lạ lên vua. Vua thương cảm bèn sắc phong làm Thành hoàng làng và hàng năm cho người dân diễn lại sự tích kéo dây này để tưởng nhớ.
Đến thân phận của thần giữ của núi Con Rùa
Cụ Khúc Thị Huề (91 tuổi) và cụ Đào Thị Quất (79 tuổi) là hai vị cao niên trong làng còn nhớ được câu chuyện về vị thần giữ của. Cụ Khúc Thị Huề cho biết: "Tôi cũng chỉ nghe các cụ truyền lại rằng, thần giữ của núi Con Rùa là một người con gái đôi chín, vốn nổi tiếng khắp vùng về tài sắc. Tuy nhiên, số phận của cô gái hẩm hiu nên sinh ra trong một gia đình nghèo và phải làm lẽ cho một tên địa chủ gian ác. Vào một đêm, cô gái đó được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp và được đưa lên kiệu dẫn đến hầm mộ. Người ta đã dụ cô uống một loại thuốc an thần để tiện cho việc tế lễ và sau đó biến cô thành thần giữ của ở đây".
Cụ Khúc Thị Huề và cụ Đào Thị Quất: Thần giữ của đã được dân làng tôn phong làm Linh Sơn Mỵ Nương.
Cũng theo cụ Khúc Thị Huề thì, sau khi vị tướng quân mất trong núi Con Rùa, người dân cũng thương cảm cho số phận người con gái yểu mệnh nên đã tấu trình lên vua để được thờ phụng. Vua ân chuẩn và phong cho người con gái đó là Linh Sơn Mỵ Nương. Ngày nay, linh vị của người con gái này được thờ ở miếu Linh Sơn Mỵ Nương trong làng. Vào ngày diễn ra hội, người dân rước linh vị của Thành hoàng làng từ đình ra ngôi miếu này và ngược lại. Dân vừa rước bài vị, vừa diễn ra sự tích kéo dây năm nào của vị tướng quân.
Trao đổi thêm về tính khoa học của huyền tích này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết: "Truyền thuyết về thần giữ của chỉ là một bộ phận trong tín ngưỡng về thần giữ của ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tín ngưỡng này tồn tại một cách khách quan. Việc chôn sống nô lệ, người hay động vật vì một tín ngưỡng, tập tục nào đó là có thật trong lịch sử nhân loại. Còn truyền thuyết kể về nó thì cũng như bất kỳ truyền thuyết nào trên thế giới, chúng ta tin vào nó như một thể loại văn học chứ không phải là một sự kiện lịch sử. Có thể có những sự trùng lặp nhất định giữa sự thực và hư cấu nhưng điều này sẽ cần phải có sự kiểm nghiệm khoa học hết sức nghiêm túc. Loại trừ dần cái bể mênh mông của những lời đồn thì sẽ tồn tại một phần sự thật. Trong trường hợp này, có thể xem đây hoàn toàn là những lời đồn vì chưa một thông tin khoa học nào kiểm chứng nó cả".
Trong khi đó, chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà cho biết: "Trấn và yểm theo tôi là hai khái niệm cần phân biệt. Trấn là đặt các vật khí phong thủy hiện hữu trên mặt đất và nhìn thấy được, yểm là các vật đó được đem chôn dưới đất hoặc gói bọc... để đạt được mục đích làm phong thủy. Từ xưa, nhiều nhà giàu thường dùng vàng để trấn yểm nhằm mục đích giữ mãi sự giàu sang, danh lợi của mình. Việc dùng vàng trấn yểm là một thực tế trong phong thủy từ xưa tới nay, tuy nhiên nếu bảo rằng, vì thế mà một dòng họ, gia đình mãi được danh vọng thì không phải vậy. Nếu như vậy thì chẳng phải thiên hạ người giàu sẽ giàu mãi, người nghèo sẽ cùng cực mãi ư? Nghiệp thiện là do tâm thiện khởi phát chứ đâu phải dựa vào các thủ thuật. Phong thủy chỉ là một yếu tố tham gia vào mà thôi".
Trong truyền thuyết chôn vàng ở núi Con Rùa của người Tàu, chuyên gia Nguyễn Cung Hà cho rằng, chúng ta nên tin đó là một truyền thuyết dân gian, hơn là một sự thực lịch sử. Bởi lẽ, những truyền thuyết về một hiện tượng kỳ bí nào đó thường mang trong mình rất nhiều yếu tố của nhiều khoa học tâm linh như: Phong thủy, tử vi, ma thuật... và mục đích của nó là "thiêng hóa" vấn đề mà người ta thờ phụng. Chính vì thế, quả là trong phong thủy có việc chôn vàng, tuy nhiên trong trường hợp này thì đây chỉ là một yếu tố được hư cấu lên mà thôi".
Lễ hội nổi tiếng trong vùng Theo lời cụ Khúc Thị Huề thì đây là một lễ hội lớn. Ngày 13 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ ngày thánh "hóa". Xưa kia, đoàn rước thần nối đuôi nhau dài tới 1km, chưa kể số lượng người đi xem và dự hội đứng chật cả hai bên đường, tràn xuống cả ruộng. Nhất là lúc diễn hội kéo Thánh thì mọi người chen chúc, xô đẩy nhau rất vui. |