Theo đó, hạt thủy ngân nói chung, hạt bụi nói riêng có trong không khí càng nhỏ thì nó càng gây nguy hiểm đối với con người khi hít phải.
Thời gian gần đây, thông tin thủy ngân lơ lửng trong không khí đã khiến không ít người hoang mang. Ngay sau khi thông tin này được đưa ra 1 tuần, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường TS Hoàng Dương Tùng đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên và cho rằng thông tin này chưa có cơ sở khoa học và không đúng sự thật.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại cho rằng, với tình trạng ô nhiễm như hiện nay việc có thủy ngân trong không khí rất có thể xảy ra. Nhưng thủy ngân có ở mức độ nào, nồng độ bao nhiêu thì cần phải đo đạc trên diện rộng và có kết quả chính xác thì mới đưa ra những cảnh báo tới người dân.
Ths.BS Vũ Văn Thanh – Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương).
Vậy nếu đặt giả thiết có thủy ngân trong không khí thật, thì mức độ nguy hiểm của nó như thế nào? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ths.BS Vũ Văn Thanh – Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương).
Theo BS Thành, trong ngành y hay gặp những trường hợp ngộ độc cấp tính thủy ngân, đặc biệt là tại khoa Hồi sức cấp cứu ở các bệnh viện, ngộ độc này sẽ gây nên tình trạng hoại tử ống thận cấp và dẫn đến suy thận.
“Trong trường hợp môi trường có thủy ngân với tỷ lệ không gây ngộ độc cấp tính thì sẽ có sự tích lũy dần dần. Đây là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm, vì khi tiếp xúc với thủy ngân cơ thể rất dễ hấp thu, đặc biệt là ảnh hưởng đến bà mẹ mang thai, nếu tỷ lệ cao có thể gây nên những triệu chứng thần kinh về lâu dài, nặng hơn nữa có thể ảnh hưởng đến trí não...”, BS Thành nói.
BS Thành phân tích thêm: “Trong trường hợp không khí có thủy ngân thì cũng phải tùy thuộc vào hạt thủy ngân to hay nhỏ. Trong trường hợp hạt ở mức độ lớn trên 5 micromet thì nó chủ yếu sẽ đọng lại ở phần mũi họng hầu, cùng lắm là tới phần phế quản chứ không vào sâu được trong phế quản, phế nang.
Còn nếu hạt thủy ngân từ 2,5 đến 5 micromet thì nó sẽ vào sâu hơn một chút, còn trong trường hợp những hạt này nhỏ hơn 2,5 micromet thì nó sẽ vào trong phế nang thậm chí là phổi và di trú tại đây, lâu dần sẽ gây nên các bệnh cấp tính và các tổn thương lâu dài.
Như vậy có thể thấy, kích thước của các hạt thủy ngân sẽ quyết định việc đi sâu vào cơ thể đến đâu. Và để gây bệnh, thậm chí là ngộ độc cấp tính thì còn phụ thuộc vào nồng độ của thủy ngân. Giả sử, nồng độ thủy ngân trong không khí cao, con người hít phải thì hoàn toàn gây nên ngộ độc cấp tính”.
Nếu có thủy ngân trong không khí, trời mưa liệu có bị ảnh hưởng,
Một vấn đề nữa cũng được dư luận hết sức quan tâm, đó chính là việc, nếu có thủy ngân trong không khi, trong trường hợp trời mưa có bị ảnh hưởng gì không? Trước câu hỏi này, BS Thành cho biết, hiện nay các thông tin (kể cả tin đồn) bùng nổ rất nhanh, vậy đứng trước thông tin đó, mọi người cần phải chắt lọc thông tin sao cho khách quan nhất. Đồng thời cũng không nên thờ ơ trước những thông tin đó.
“Bản thân tôi cũng vậy, đứng trước một thông tin như vậy mình cần phải xem nguồn đó là từ đâu. Như thông tin trên chẳng hạn, nếu nguôn tin đưa ra là chính thống từ Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chúng ta phải thực hiện theo đúng khuyến cáo. Chúng ta không nên nghe một cách phiến diện vì bản thân người viết lên thông tin đó chưa chắc đã hiểu đầy đủ vấn đề”, BS Thành khuyến cáo.