Liên quan đến vụ việc cô dâu bùng 150 mâm cỗ ở Điện Biên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, chủ nhà hàng cho biết vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ việc. Tuy nhiên, anh cho rằng lời khai của cô gái không thoả đáng, vì nếu muốn bùng 7 mâm cỗ trước đó không nhất thiết phải dàn dựng công phu như vậy.
Liên quan đến vụ việc cô dâu tên C.T.U (sinh năm 1996, trú tại bản Co Hói, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) "bom" 150 mâm cỗ cưới của nhà hàng gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, Công an thành phố Điện Biên Phủ vẫn đang điều tra, làm rõ vụ việc.
Được biết, tại cơ quan công an, U. khai nhận việc đặt 150 mâm cỗ cưới rồi bùng không phải là lần đầu tiên thực hiện. Trước đó, vào khoảng đầu tháng 8, U. từng đặt nhà hàng này 7 mâm cỗ với giá 7 triệu đồng và đề nghị nhà hàng giao đến địa chỉ do U. cung cấp và nợ chưa trả tiền.
U. tại cơ quan công an
Khi anh Vũ Thế Long gọi điện đòi số nợ 7 triệu đồng, do không có tiền trả và thấy anh Long không nghi ngờ gì nên U. nói dối là sau này sẽ tổ chức đám cưới tại nhà hàng của anh rồi trả một thể.
Ngày 22/9/2020, U. gọi điện thoại cho anh Long yêu cầu cung cấp 156kg gà sống, 40kg giò, 180 hộp mía (trị giá gần 23 triệu đồng) để tổ chức báo hỷ tại nhà gái và đặt anh dựng phông, rạp và 150 mâm cỗ cưới tại nhà hàng của anh vào ngày 30/9/2020.
Chia sẻ với PV Người đưa tin Pháp luật, anh Vũ Thế Long, chủ nhà hàng Tâm Phúc cho biết, U. là khách quen của nhà hàng, thường xuyên đến ăn uống và tiền nong rất sòng phẳng. Cách đây không lâu, cô ta đã đặt hàng 150 mâm cỗ để tổ chức đám cưới và báo đủ ngày giờ là 11h trưa ngày 30/9 dương lịch (tức 14/8 âm lịch).
Vụ việc gây xôn xao dư luận
“Khi tôi thắc mắc là nhà cô dâu ở Mường Phăng, nhà chú rể ở Thanh Nưa sao lại đặt cỗ ở TP. Điện Biên thì cô ta có đưa ra lý do vì cả cô dâu và chú rể đều công tác ở thành phố nên có nhiều khách tại đây. Không dừng lại ở đó, có hai người xưng danh bố đẻ và chú rể gọi điện cho chủ nhà hàng nhờ sắp xếp cỗ tiệc chu đáo", anh Long nói.
Nói về lý do tại sao số lượng mâm cỗ lớn như vậy mà nhà hàng không yêu cầu đóng cọc rồi mới thực hiện, anh Long cho biết trước khi làm cỗ, anh có yêu cầu đặt cọc 30 triệu đồng. “Ban đầu họ đồng ý nhưng xin khất, đến khi nào gần ngày tiệc thì trả. Nhưng sát ngày làm đám cưới, họ vẫn tìm cách để né tránh và không thanh toán tiền cọc”, chủ nhà hàng kể lại.
Theo lời anh Long, trước ngày cưới, cô dâu còn đến nhà hàng ăn uống và mang quà Trung thu cho con của anh. Sáng hôm cưới, cô dâu đến tận nơi thông báo lùi lịch cưới lùi sang buổi chiều vì lý do ngại nóng nắng, tắc đường và báo tăng thêm 5 mâm cỗ.
“Đến giờ tôi vẫn không hiểu nỗi tại sao cô ta lại làm như vậy, nếu U. đặt 150 mâm cỗ cưới để chiếm đoạt số tiền 7 mâm cỗ trước đó cũng không phải, vì nếu muốn bùng cô ta có thể không trả tiền 7 mâm cỗ đó, chứ không nhất thiết phải dàn dựng đặt 150 mâm cỗ công phu như vậy”, anh Long cho biết.
Chia sẻ về thiệt hại sau vụ việc, anh Long cho hay: “Tổng thiệt hại của 150 mâm cỗ là gần 200 triệu, nhờ người dân “giải cứu” nên bù lại được 50 triệu. Còn lại gia đình tôi vẫn chưa biết xoay sở làm sao. Giờ chỉ mong vụ việc được giải quyết thoả đáng, số tiền thiệt hại được đền bù. Đây cũng là một bài học để đời mà gia đình tôi không bao giờ quên”.
Chị Bùi Thị Kim Anh, hàng xóm với Chủ nhà hàng Tâm Phúc tại tổ dân phố 9, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết, hoàn cảnh của chủ nhà hàng cũng rất khó khăn, hai vợ chồng từ quê ra thành phố thuê nhà mở quán. “Vợ chồng nhà anh Long hiền lành, thật thà, cũng chính do nhẹ dạ cả tin nên mới bị lừa. Chị Tuyết (vợ anh Long – PV) đang mang bầu đứa thứ ba, đây thực sự là cú sốc quá lớn đối với gia đình họ”, chị Kim Anh cho biết.
Hiện vụ việc đang được làm rõ.