Trước khi qua đời, Từ Hy thái hậu đã trăng trối điều cuối cùng với thái giám Lý Liên Anh, câu nói của bà khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Từ Hy thái hậu là người phụ nữ quyền lực bậc nhất Trung Hoa, là một trong những hoàng hậu nổi tiếng bởi sự tàn nhẫn và kiên quyết nhất lịch sử nhà Thanh.
Thế nhưng, Từ Hy cũng là một nhà quân sự đại tài.
Từ Hy thái hậu thông minh, sắc sảo gạt hết mọi thế lực để yên vị nhiếp chính trên triều. (Ảnh minh họa)
Bước lên vũ đài chính trị ở tuổi 26, Từ Hy đã đánh bại cả 8 vị đại thần cố mệnh của Tiên đế Hàm Phong là Di Thân vương Tái Viên, Trịnh Thân vương Đoan Hoa, Túc Thuận, Cảnh Thọ, Mục Ấm, Khuông Nguyên, Đỗ Hàn và Tiêu Hữu Doanh để chạm tới đỉnh cao quyền lực Thanh triều lúc bấy giờ. Mặc dù bị nghi ngờ có liên quan đến cái chết của Từ An thái hậu nhưng không thể phủ nhận tài gồng gánh giang sơn của Từ Hy trong suốt thời gian buông rèm nhiếp chính.
Tờ Đức văn tân báo của Thượng Hải trước đó từng gọi Từ Hy là "một nữ anh hùng hào kiệt phi thường". Năm Quang Tự thứ 9 đến năm thứ 11, Trung Quốc nổ ra cuộc chiến tranh Trung - Pháp. Lý Hồng Chương khi đó liên tục yêu cầu hiệp hoàm nhưng Từ Hy kiên quyết phản đối và đã cùng Hồng Tử Tài, Lý Bỉnh Hằng khai chiến với người Pháp.
Thời loạn rối ren nếu không phải một người bản lĩnh và cứng rắn sẽ không vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy nhất là khi Trung Quốc là chiếc bánh ngon thu hút phương Tây xâu xé.
Từ Hy cũng là người bỏ hủ tục bó chân khắc nghiệt bởi theo bà "tục bó chân man rợ, làm tổn thương sự hài hòa của tạo vật, vì thế cần từ bỏ". Bà cũng cho phép người Mãn và người Hán kết hôn – một tín hiệu khá tốt về lối sống và quan niệm.
Ngay từ khi còn sống và kể cả sau khi không còn trên đời, Từ Hy thái hậu vẫn phải nhận vô số sự chỉ trích, thế nhưng, ngẫm nghĩ lại di ngôn mà Từ Hy để lại trước phút lâm chung, có nhiều điều khiến hậu thế cần suy nghĩ lại về người đàn bà quyền lực này.
Ngày 14/11/1908, Hoàng đế Quang Tự băng hà, Từ Hy không ăn không ngủ lo lắng hậu sự cho bậc đế vương. Trong suốt 30 năm, Từ Hy thái hậu không bao giờ ngủ quá 3h sáng.
Sáng hôm ấy, bà triệu kiến Quân cơ đại thần cùng Hoàng hậu (vợ vua Quang Tự), Nhiếp chính vương Tải Phong và nhiều nhân vật cốt cán trong triều. Sau một thời gian bàn bạc, Từ Hy Thái hậu được tôn lên làm Thái hoàng Thái hậu, Hoàng hậu lên làm Thái hậu.
Khoảng thời điểm bắt đầu ăn trưa, Từ Hy vẫn ăn uống bình thường. Thế nhưng, bất ngờ, một cơn hoa mắt chóng mặt kéo đến và kéo dài đến hết bữa ăn. Chỉ vài ngày sau, Từ Hy nguy kịch, bà đủ tỉnh táo di ngôn cho Quân cơ đại thần nhanh chóng thảo viết di chiếu.
Ảnh minh họa Từ Hy thái hậu qua đời.
Trước lúc lâm chung, Từ Hy nói với thái giám thân cận Lý Liên Anh rằng: "Ta buông rèm nhiếp chính nhiều lần, những người không hiểu cho rằng ta là người tham quyền lực. Thế nhưng trên thực tế, tất cả là vì thời thế ép buộc, không thể không làm vậy. Từ nay về sau, phụ nữ không được phép can dự vào triều chính. Như vậy là trái với gia pháp của bản triều, cần nghiêm khắc ngăn chặn. Đặc biệt là cần đề phòng nghiêm ngặt, không được để các thái giám lạm quyền. Thời nhà Minh mạt vận là một bài học". Sau đó, Từ Hy thái hậu qua đời.
Lời trăng trối của bà khiến người đời sau kinh ngạc và đưa ra những câu hỏi khiến hậu thế phải suy nghĩ.
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích cho di ngôn này của "Lão phật gia". Trong đó, nhiều người cho rằng, Từ Hy không đánh giá cao năng lực của phụ nữ, đặc biệt là sau khi bà ở trên đỉnh cao quyền lực suốt 50 năm. Bà luôn tự hào về khả năng trị quốc của chính mình nhưng cũng nhận ra rằng, bản thân đã làm được những gì và phạm phải những sai lầm gì.
Giữa ranh giới sinh tử, con người mới thực trở về là chính mình, tự ngẫm lại mình và nhận sai về mình. Suy cho cùng, phụ nữ mà lấn sâu vào con đường tranh quyền đoạt vị cuối cùng cũng nhận về mình những tang thương.