Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân khiến 7 trường hợp tử vong sau khi ăn cỗ đám ma ở Lai Châu nhiều khả năng là do rượu có chứa methanol.
Liên quan đến vụ việc 7 người tử vong, hàng chục người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu, chiều ngày 14/2 UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức họp báo để thông tin chính thức về sự việc này.
Tại cuộc họp báo, ông Kiều Hải Nam - Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến thời điểm này các tổ chức trong tỉnh đã hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 15 triệu đồng, các nạn nhân nhập viện cấp cứu được hỗ trợ 2 triệu đồng.
Toàn cảnh cuộc họp báo thông tin về vụ nghi ngộ độc khiến 7 người tử vong.
Về phía cơ sở y tế điều trị cho các bệnh nhân, ông Nguyễn Công Giang – GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân ban đầu khiến các nạn nhân tử vong ở xã Ma Ly Chải nghi là do ngộ độc rượu có chứa methanol. “Đó mới chỉ là nhận định ban đầu, chúng tôi chưa dám khẳng định chắc chắn. Kết quả cuối cùng phải chờ xét nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai”, ông Giang cho hay.
Danh tính các nạn nhân tử vong gồm: 1. Ông Phù Văn Lèng (SN 1957, dân tộc Hà Nhì) tử vong lúc 22h ngày 10/2 sau khi uống rượu tại nhà. 2. Chang Mở Giá (SN 1962, dân tộc Hà Nhì), tử vong lúc 7h ngày 13/2 khi đang đi làm nương. 3. Chang A Bà (SN 1979, dân tộc Hà Nhì), tử vong lúc 8h ngày 13/2 tại nhà. 4. Lý Xa De (SN 1982, dân tộc Hà Nhì), tử vong lúc 14h ngày 13/2 tại nhà. 5. Chanh A Lù (SN 1967, dân tộc Hà Nhì), tử vong lúc 18h ngày 13/2, tại nhà sau khi cấp cứu. 6. Ma Già Pô (SN 1978, dân tộc Hà Nhì), tử vong lúc 17h55 ngày 13/2, tại nhà sau khi cấp cứu. 7. Chang Di Xa (SN 1982, dân tộc Hà Nhì), tử vong lúc 22h ngày 13/2 trên đường đi cấp cứu. |
Cùng ngày, ông Đồng Xuân Linh - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho hay, chiều 13/2 Trung tâm tiếp nhận 7 bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt và hiện tại tất cả đều đã tạm ổn, trung tâm giữ lại để điều trị dứt điểm.
Nói về 6 người đã tử vong, ông Linh cho hay: “Ngay khi nhận được thông tin ở bản Tả Chải có sự việc, chúng tôi đã trực tiếp xuống thì có 3 người đã chết, 2 người có biểu hiện co cứng chân tay, mắt mờ, vã mồ hôi.
Chúng tôi vận động đưa người nhà đưa ngay đến y tế xã nhưng do quá nặng nên gia đình họ xin về. Vì theo phong tục địa phương, nếu chết ở ngoài thì sẽ không được đưa về nhà, thậm chí không được đưa về bản. Thế nên sau khi đưa về nhà một người chết ngay sau đó 1 tiếng và một tiếng sau đó nữa lại một người chết. Còn một trường hợp nữa chết trên đường đi bệnh viện tỉnh cấp cứu”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, chiều ngày 14/2, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đã có bác sĩ theo đoàn công tác của Bộ Y tế để điều tra về vụ ngộ độc này. "Theo như trao đổi ban đầu, bác sĩ ở Lai Châu cho biết khả năng lớn các nạn nhân bị ngộ độc rượu", BS Nguyên chia sẻ.
Trước đó, ngày 10/2, tại gia đình ông Phù Văn Lèng (SN 1957, ở bản Tả Chải) đã mời nhiều người đến nhà ăn uống. Tối cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau khi ông Lèng qua đời, gia đình đã tổ chức hậu sự, dân bản đã đến ăn cơm, uống rượu theo phong tục của địa phương vào các ngày 11, 12, 13/2.
Ngay trong ngày 13/2 (sau khi ăn uống xong), nhiều người có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử. Đến tối 13/2, 6 người dân trong bản đã tử vong, ngoài ra còn có 15 người khác được đưa đi bệnh viện cấp cứu.