Trong lúc miền Bắc đang oằn mình chống lũ, người dân cả nước cũng chẳng thể ngồi yên khi hàng triệu trái tim đã và đang ra sức giúp đỡ, hỗ trợ nhân vật lực. Ở Sài Gòn, dù cách xa những điểm lũ hơn 2.000 km nhưng người dân vẫn tất bật chuẩn bị hàng hoá, "săn" vật dụng thiết yếu để trực tiếp gửi đến bà con vùng ảnh hưởng.
Gấp rút “săn" áo phao để hỗ trợ bà con
Sau khi bão số 3 đi qua, nhiều tỉnh thành đang phải hứng chịu đợt lũ lụt lớn như Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Trước những hình ảnh, tin tức liên tục được chia sẻ trên MXH, rất nhiều người dân đã sẵn sàng đứng ra vận động, hỗ trợ nhân lực, những mặt hàng cấp thiết trong mưa lũ như áo phao, mì tôm, nước suối, đèn pin, thuốc...
Bên cạnh những thông tin về diễn biến mưa lũ ở miền Bắc, những hành động đẹp của người dân ở các tỉnh miền Trung, miền Nam... cũng liên tục được chia sẻ khiến CĐM vô cùng ấm lòng. Từ bữa cơm nghĩa tình, chỗ trú ẩn an toàn cho đến những chiến sĩ vào vùng lũ để tìm kiếm, hỗ trợ người dân...
Tại Sài Gòn, rất nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện cũng đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ đồng bào vùng lũ. Theo anh Trường Thành - Trưởng nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn cho biết đã vận chuyển hơn 1.000 chiếc áo pháo từ Nam ra Bắc. Ngoài ra, nhóm còn chuẩn bị 1,5 tấn lương khô tại Hà Nội chuẩn bị trao tận tay cho đồng bào đang chịu ảnh hưởng bởi cơn lũ vừa qua.
Nhóm Đêm Sài Gòn vận chuyển hơn 1.000 chiếc áo phao ra miền Bắc bằng đường hàng không. Tại các điểm hỗ trợ, nhóm có tình nguyện viên để đưa hàng cứu trợ tận tay những trường hợp cần sự giúp đỡ.
Khó khăn nhất trong thời điểm này đối với nhóm thiện nguyện của anh Trường Thành là nguồn hàng bị hạn chế, việc tìm kiếm áo phao gặp nhiều trở ngại. “Khi nhóm quyết định sẽ trích tiền quỹ mua hàng hoá hỗ trợ cho bà con thì đã lập tức khảo sát thị trường, tìm kiếm áo phao ở khắp nơi. Tuy nhiên, do mặt hàng này đang khan hiếm nên giá thành khá cao. Tuy nhiên, nhóm tìm được một cơ sở sản xuất tại Long An và đã mua được với mức giá khoảng 50,000 đồng/ chiếc. Nhóm quyết định mua 1.100 chiếc với phao, tổng kinh phí khoảng 50 triệu đồng".
Sáng 11/9, nhóm thiện nguyện này đã trao 500 chiếc áo phao cho những hộ dân tại Thái Nguyên.
Về lương khô, nhóm thiện nguyện đã chi 15 triệu đồng, tìm kiếm nguồn hàng tại Hà Nội để hạn chế chi phí vận chuyển và những rủi ro trong vấn đề bảo quản. Anh Trường Thành cho biết món vật phẩm này sẽ được vận chuyển đến hai tỉnh đang chịu thiệt hại nặng nhất là Yên Bái và Lào Cai.
Khi tất cả hoà chung nhịp đập, đồng lòng hướng về miền Bắc
Trong khi đó, tuy khiếm khuyết đôi chân nhưng từ ngày nhận được thông tin về miền Bắc chịu ảnh hưởng do bão lũ, anh Tô Đình Khánh cùng vợ gấp rút chuẩn bị phần quà cứu trợ, gửi tặng đến những trường hợp cần được giúp đỡ.
Là một người có sức ảnh hưởng trên xã hội, anh Đình Khánh đăng tải thông tin muốn đem đến những phần quà nhỏ đến người dân phía Bắc. Từ đó, anh nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm, ngõ lời đồng hành để chung tay viện trợ người dân sống trong vùng tâm lũ. Hai ngày qua, ngôi nhà nhỏ của anh Khánh tấp nập người ra vào, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm lặn lội đường xa đem thực phẩm, thuốc men đến đóng góp.
Trước sự nhiệt tình, ấm áp của người dân Sài Gòn, anh Đình Khánh xúc động chia sẻ: “Chỉ khi có khó khăn mới thấy rõ nhất sự nồng hậu, tấm lòng nhân ái của chúng ta. Tuy không có máu mủ, ruột thịt nhưng cùng là người Việt Nam nên mọi người sẵn sàng chia sẻ những phần quà nhỏ nhất, cùng nhau vượt qua thiên tai, bão lũ".
Riêng gia đình anh Đình Khánh ủng hộ 200 thùng mì cùng một số nhu yếu phẩm khác để gửi tặng đến đồng bào đang chịu ảnh hưởng bởi cơn lũ vừa qua.
Hiện tại, anh Đình Khánh đã nhận khoảng 500 thùng mì, 40 thùng sữa, 43 thùng nước suối cùng bánh ngọt, nhu yếu phẩm. Trong tối 11/9, anh dự kiến sẽ nhờ các đội chuyên vận chuyển hàng hoá, để gửi tấm lòng của người dân đến các địa phương đang cần sự giúp đỡ.
Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực nhất, người dân Sài Gòn đang hướng về đồng bào gặp khó khăn bởi cơn lũ lịch sử. Mỗi chuyến xe chở hàng hoá cứu hộ được lăn bánh, là lúc những món quà mang theo tình cảm, tấm lòng thơm thảo của người dân miền Nam đến gần hơn với người dân phía Bắc.
Những nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa không chỉ là hình ảnh đẹp, mà còn thể hiện rõ giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tinh thần đoàn kết, "thương người như thể thương thân", mong cơn lũ sớm qua để người dân ổn định lại cuộc sống, sinh hoạt.