Lại thêm một trẻ sơ sinh tử vong sau mổ 2 ngày. Gia đình cho rằng nguyên nhân dẫn là do thái độ làm việc tắc trách của bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Đau đớn, bức xúc
Trong lá đơn gửi cho PV, sản phụ Trương Thị Ngọc Hồi (sinh năm 1981, trú tại khu tập thể Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết lừ lúc phát hiện mang bầu chị đều khám thai định kỳ mỗi tháng một lần đều đặn.
Bắt đầu từ tuần 27, chị Hồi đến khám thai định kỳ tại phòng khám tư bác sỹ Trần Ngọc Đính (là Bác sỹ thuộc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) và lần khám nào cũng cho kết quả bình thường.
BV Phụ sản Hà Nội.
Sáng ngày 26/12/2012, lúc này thai đã đủ 40 tuần tuổi, chị Hồi có dấu hiệu ra máu âm đạo. Được bác sỹ Đính cho biết mọi thứ vẫn bình thường nên sáng 27/12, chị Hồi nhập viện (khoa D3).
8h sáng cùng ngày, tại khoa D3 nữ hộ sinh trực ở đó khám và cho biết tử cung mở 2cm, tim thai bình thường, cho ra phòng chờ sinh.
Đến 9h20’, bác sỹ Đính đến khám trong cho sản phụ Hồi. Do sản phụ chưa có cơn co và thai hơi già tuần nên bác sỹ đã bấm ối và chỉ định truyền dịch để khởi phát chuyển dạ (đây cũng là lần khám duy nhất của bác sỹ Đính dành cho sản phụ).
Sau khi truyền dịch được 5 phút, một nữ hộ sinh vào nghe tim thai, nói tim em bé đập nhanh gần 200 lần/phút, thai thiếu oxy. Nữ hộ sinh này cho chị Hồi nằm nghiêng trái và thở oxy.
Khoảng 15 phút sau, không có ai vào kiểm tra lại, linh cảm thấy điều bất ổn và sốt ruột, chị Hồi đã tự gọi người vào đo tim thai cho bé. Lúc này, tim thai bé giảm chỉ còn 60-70 lần/phút. Đồng thời lúc này nữ hộ sinh phát hiện chị sa dây rốn (dây rau).
“Chị này có gắt lên “trực thế này à?” và gọi người đưa tôi đi mổ cấp cứu”, chị Hồi thuật lại. Ca mổ được tiến hành rất nhanh sau đó. Cháu bé khi ra đời bị yếu và phải đưa lên khoa sơ sinh bệnh lý theo dõi.
“Đến hơn 3h sáng ngày 29/12/2012 thì bệnh viện rút thiết bị thở oxy của cháu và báo gia đình chuẩn bị vì tình hình cháu rất nguy kịch. 45 phút sau cháu mất.
Cả gia đình tôi đau đớn, bàng hoàng. Giá họ làm gì đấy thiết thực từ lúc phát hiện tim bé đập nhanh thì tôi vẫn hàng ngày được ôm con trong lòng để chăm sóc, yêu thương…”, chị Hồi viết trong lá thư đẫm lệ.
Bệnh viện nhận lỗi
Trao đổi với PV về trường hợp của sản phụ Trương Thị Ngọc Hồi, ThS-BS Lê Thanh Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Ca đẻ của chị Hồi là ca đẻ khó, sản phụ bị sa dây rau – một tai biến thuộc hàng tối cấp và không thể biết trước”.
Bà Thúy khẳng định bác sỹ Đính đã ra chỉ định chuyên môn hợp lý và kịp thời. Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình chuyển dạ của chị Hồi, nữ hộ sinh theo dõi tim thai đã non yếu về chuyên môn, kinh nghiệm.
Năm 2012 ghi nhận tai biến sản khoa tăng đột biến.
Cụ thể: Sau khi tiêm dịch truyền kích đẻ cho chị Hồi, phát hiện tim thai đập nhanh (170-180 lần/phút), nữ hộ sinh này đã không báo với bác sỹ theo dõi (bác sỹ Đính – PV) mà tự động xử lý theo quy trình chuyên môn thông thường là cho sản phụ nằm nghiêng và thở oxy.
Tuy sự việc đã xảy ra từ ngày 26 tháng 12 năm 2012 nhưng đến nay BV Phụ sản HN vẫn chưa họp hội đồng chuyên môn, do đó chưa có hình thức kỷ luật những cá nhân liên quan cũng như chưa gửi văn bản xin lỗi, bồi thường chính thức nào đến gia đình nạn nhân. |
“Cách xử lý này bắt nguồn từ sự non yếu về chuyên môn. Tim thai đập nhanh có thể do nhiều nguyên nhân (có thể do mẹ lo lắng hồi hộp, có thể do bị sa dây rau hoặc các nguyên nhân khác, vv…), nhưng dù là nguyên nhân nào thì đó cũng là dấu hiệu báo động việc sản phụ có nguy cơ gặp tai biến.
Nhưng thay vì báo cho bác sỹ thì nữ hộ sinh này nghĩ đơn giản do sản phụ hồi hộp nên đã cho sản phụ nằm nghiêng và thở ô xy để tim thai trở về bình thường chứ không nghĩ đến khả năng đó là dấu hiệu của tai biến”, bà Thúy giải thích.
Do không được thông báo nên bác sỹ Đính không biết sản phụ gặp vấn đề. Đến khi mổ lấy cháu bé ra, cháu bị yếu, bác sỹ đã thông báo tình hình cho gia đình, không có chuyện bệnh viện cố tình không thông báo về tình trạng thật của cháu bé như gia đình phản ánh.
Nhận định nguyên nhân gây tử vong của cháu bé, bác sỹ Thúy cho biết do không mổ tử thi nên không thể biết nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, trên lâm sàng, căn cứ vào những gì đã diễn ra trong thực tế thì có thể kết luận cháu bé bị ngạt thở, suy hô hấp gây tử vong vì suy thai cấp do sa dây rau.
Sau khi làm việc với gia đình, bà Thúy cho biết bệnh viện chia sẻ với nỗi đau của gia đình sản phụ Hồi và nhận lỗi về sự non kém chuyên môn của nữ hộ sinh trên. Bà Thúy đã thay mặt bệnh viện gửi lời xin lỗi tới gia đình chị Hồi và cho biết sẽ miễn toàn bộ viện phí, chi phí mai táng và xem xét những đề nghị hỗ trợ khác của gia đình.
Tuy nhiên, chị Hồi cho biết chị không đồng tình với lời xin lỗi đơn thuần này. “Nữ hộ sinh đó đo tim thai cho rất nhiều người, tôi cho là không phải vì thiếu kinh nghiệm, non chuyên môn mà là do tắc trách. Không thể gây ra sự việc và nói một lời xin lỗi là xong. Bệnh viện cũng chưa đề cập đến trách nhiệm của bác sỹ Đính. Hơn nữa, tôi cũng đang đặt ra nghi vấn rằng liệu có phải do bác sỹ bấm ối sớm nên dây rau bị sa?”, chị Hồi bức xúc.
Tai biến sa dây rau Theo bác sỹ Thúy, trong sản khoa, sa dây rau là tai biến có xảy ra nhưng không thường xuyên. Sa dây rau được xếp vào hàng tai biến tối cấp (vì dây rau là dây tuần hoàn duy nhất giữa mẹ và thai nhi, nếu dây rau sa rồi suy, thai nhi sẽ dễ bị ngạt do không đảm bảo hô hấp). Sa dây rau (tự nhiên) thường xảy ra với những sản phụ sinh con rạ. Lúc này, tử cung đã rộng, lỏng lẻo, trương cơ lực kém,… Đối với trường hợp của chị Hồi, bác sỹ Thúy cho rằng nếu nữ hộ sinh có báo ngay với bác sỹ Đính khi phát hiện tim thai nhanh bất thường thì cũng không thể nói trước được điều gì. Bởi việc có cứu được sản phụ hay không còn tùy thuộc vào vị trí dây rau bị sa, thời điểm phát hiện và cách xử trí của cán bộ y tế. |