Hồ Dầu Tiếng xả nước qua tràn hơn 1 tuần liền, cơ quan chức năng cảnh báo nếu kèm theo mưa, nguy cơ gây ngập úng xảy ra tại các địa bàn ven sông Sài Gòn. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đã đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan chủ động theo dõi để kịp thời ứng phó.
Ngày 24/9, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương thông báo về việc xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng đợt 1 năm 2024.
Theo đó, thời gian xả tràn bắt đầu từ ngày 24/9 đến ngày 1/10. Lưu lượng xả qua tràn 100 m3/s với tổng lượng xả 60,48 triệu m3.
Theo cơ quan chức năng, với lưu lượng xả 100 m3/s nhằm chủ động phòng chống lũ cho công trình và vùng hạ du, trong điều kiện bình thường không gây ngập úng các xã, phường ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên, thông báo nêu cần đề phòng khi mưa to kết hợp với lưu lượng xả tràn như trên có thể gây ngập cục bộ các vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn.
Video: Nhà dân ven sông Sài Gòn ở phường An Thạnh (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị ngập khi trời mưa kèm xả hồ Dầu Tiếng cùng thời điểm năm 2023
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương thông báo để Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Dầu Tiếng, thành phố Bến Cát, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một và Trung tâm Đầu tư, khai thác Thủy lợi và Nước sạch nông thôn biết chủ động ứng phó.
Trước đó, không ít lần nhà dân tại các địa bàn ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn thành phố Thuận An, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) bị ngập do mưa lớn kèm việc xả lũ hồ Dầu Tiếng.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân ở phường An Thạnh (TP. Thuận An, Bình Dương) khi nhà bị ngập
Với diện tích mặt khoảng 270 km2, hồ Dầu Tiếng là hồ thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam, nằm trên địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, hồ còn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng Đông Nam bộ.