Tết nay hào nhoáng, ề hề nhưng nhiều người vẫn không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối cái phong vị của Tết cổ truyền xưa.
Tết cổ truyền trong hoài niệm
Cuộc sống hiện đại đã mang theo một cái Tết hiện đại, chúng ta không còn cảm nhận được hương vị của Tết xưa nữa. Tết cổ truyền theo đúng nghĩa chỉ còn là hoài niệm trong tâm tưởng của những người đã từng sống trong hương vị của Tết xưa.
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán, người người nhà nhà đang chuẩn bị để đón Tết. Hòa trong không khí đó, những kỷ niệm thời thơ ấu lại trở về và trở thành đề tài được rất nhiều người người quan tâm bàn luận trong thời điểm này.
Trên các diễn đàn, chị em đua nhau chia sẻ những kỷ niệm về Tết tuổi thơ. Mỗi người một cảm xúc, mỗi người một câu chuyện khiến cho không khí Tết càng trở nên rạo rực.
Chị Linh Hương (Trung Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ rằng, chị không thích hương vị ngày Tết hiện đại bằng thời thơ ấu vì cuộc sống hiện đại, con người có nhiều thay đổi, bận rộn hơn. Không còn những đêm nấu bánh chưng như thủa nào, không còn ngửi thấy mùi khói pháo, không còn tập trung ăn tất niên mà chủ yếu đặt ở nhà hàng....
"Nhớ lại những cái Tết xưa hồi còn thơ ấu mà thèm thuồng. Tuổi thơ ấu nằm bên ngoài lo toan, nhu cầu, dự tính.... Cái Tết lúc ấy là một vùng thật sự hạnh phúc trong đời. Thích nhất là đêm 30 quây quần bên nồi bánh chưng, thức với đêm giao thừa, giờ khắc thiêng liêng bước sang một năm mới, với từng câu chúc, từng lời mừng tuổi ông, bà, bố mẹ. Bao năm rồi, với cái Tết nơi phố thị vừa náo nhiệt, vừa lộng lẫy với đèn hoa rực rỡ, cần là có các thứ: nào bánh trái, hoa quả, đủ các loại. Chỉ việc cầm tiền ra cửa hàng, hay chợ Tết thế là xong. Thèm biết chừng nào cái Tết của ngày xưa", chị Hương tiếc nuối.
Một thành viên khác có nickname Timmy@... nhớ lại: "Còn nhớ, ngày cuối năm, mẹ nấu bánh tét. Bánh Tét có hai loại: đòn to và đòn nhỏ. Loại nhỏ để cho trẻ nhỏ. Úi chà, không gì vui sướng bằng, bẻ một nhánh cây quảy gánh hai đòn bánh Tét nhỏ xíu đi chơi cùng tụi bạn trong xóm. Đứa nào cũng mặc đồ mới xúng xa xúng xính, rộng phùng phình (thời ấy, bố mẹ thường may trừ hao để còn lớn), bọn tôi đốt pháo chuột đì đẹt, đùa giỡn, và đói bụng thì bóc bánh tét ra ăn. Bạn nhỏ nhà quê cả, mình mẩy có thể lấm đất cát, nhưng đôi mắt sáng hơn sao, tấm lòng trong hơn nước suối".
Tết ngày xưa trong tâm thức của nhiều người tuy thiếu thốn hơn nhưng cảm giác vui hơn, háo hức hơn. “Mình là 8x đời cuối, nhưng không vì thế mà mình quên những kí ức về tết ngày xưa. Mình còn nhớ cứ mỗi khi Tết đến, bố mình lại mua về 3 loại pháo: 1 là các băng pháo đùng to bằng cục pin, 2 là pháo tép, mỗi viên băng bé xíu và cuối cùng là pháo cây, mỗi khi bóp vào đầu và châm lửa là nó phụt phụt ra. Ngày tết, trước cửa mỗi nhà đều căng 1 sợi dây để treo pháo. Nhà mình ở trong ngõ nhỏ, nên người ta căng dây cho cả ngõ luôn. Trước cửa mỗi nhà đều có 1 dây pháo đùng. Còn pháo tép cho trẻ con đốt nghịch thôi. Không khí tết ngày xưa nó đúng là Tết hơn. Trẻ con ai cũng háo hức, và đúng là càng lớn thì cảm giác về Tết càng phai nhạt dần".
Nói về Tết hiện đại, một thành viên chia sẻ: "Cuộc sống tiện ích, hiện đại càng khiến con người xa dần với những giá trị truyền thống, nhất là vào những dịp Tết đến, xuân về. Cũng là đón Tết, nhưng cái Tết bây giờ đơn giản hơn nhiều, khi người ta bỏ tiền ra là có thể mua tất cả những gì mình muốn. Thậm chí, những món ăn ngày Tết cũng không còn là đặc biệt nữa khi ngày thường chúng ta vẫn có thể thưởng thức trong các nhà hàng đặc sản".
Săn ảnh Tết xưa và nay
Không chỉ là những tâm sự, cộng đồng mạng còn "lùng" những bức ảnh về Tết xưa. Nhắc đến tết là nhắc đến những tiếng pháo lẹt đẹt từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, đến những phiên chợ Tết giản đơn từ thời bao cấp, xếp hàng mua thực phầm, chợ hoa giáp ngày Tết, ngập giữa mai, đào, quất, tầm xuân... Rồi hình ảnh cả nhà cùng nhau gói bánh chưng, bánh dày, xếp mâm ngũ quả, là những phong bao lì xì người lớn mừng tuổi.
Tết đến còn gắn liền với những trò chơi dân gian, phong tục tập quán quen thuộc và mang đậm dấu ấn người Việt Nam. Tết nay hào nhoánh, ề hề nhưng nhiều người vẫn không chạnh lòng, tiếc nuối cái phong vị của Tết cổ truyền xưa.
Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Quý Tỵ 2013. Khắp nơi, người người nhà nhà nô nức sắm sửa, chuẩn bị cho một cái Tết thật no đủ và ấm cúng. Đất nước đã nhiều đổi khác, cuộc sống người dân đã được cải thiện hơn rất nhiều, bên cạnh những nét đẹp truyền thống vẫn được lưu giữ thì Tết ngày nay cũng thay đổi khá nhiều.
Hãy cùng ngắm nhìn lại những bức ảnh Tết của dân tộc, để xem Tết xưa và nay đã thay đổi như thế nào.
Đánh đu là trò chơi truyền thống vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Cây nêu ngày tết Trong những ngày tết cổ truyền, vào buổi tối trên cây nêu có nơi còn treo một đèn lồng nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn tết với con cháu. Trong đêm trừ tịch cũng như ngày mồng một Tết người dân còn treo bánh pháo tại cây nêu đốt đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.
Pháo một thời là "linh hồn" của đêm giao thừa. Tuy nhiên, do những hậu quả nó có thể gây ra có thể rất nghiêm trọng nên ngày nay pháo không còn xuất hiện trong dịp Tết.
Ngày xưa, nhà nào cũng đốt pháo ngày tết. Các em nhỏ cực thích điều này.
Cờ hoa treo đầy phố, dưới đất vẫn còn nguyên xác pháo để lại.
Ông đồ cho chữ dịp Tết
Quây quần nấu bánh chưng Tết
Lì xì năm mới – Một trong những phong tục đẹp ngày Tết cổ truyền.
Quầy bánh chưng, giò lụa trước dịp Tết
Nhộn nhịp chợ hoa ngày tết
Người bán đào, người gánh hàng rong, xe máy, xe đạp và người đi bộ đan xen trên con phố nhỏ