Đến tận giờ, cái chết của Lê Long Đĩnh vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi: Do mắc bệnh trĩ hay bị đầu độc.
Trong sử sách, Lê Long Đĩnh (986 – 1009) – vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Phong kiến Việt Nam được nhắc đến với tật xấu của một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác. Nhưng ông vẫn được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ phụng và cho rằng điều xấu của ông chỉ là thêu dệt, bịa đặt. Ông nắm ngai vàng 4 năm (1005-1009) và cái chết bí ẩn của ông ở tuổi 24 đã chấm dứt triều Tiền Lê, để quyền lực rơi vào tay nhà Lý.
Giết anh trai để giành ngôi vị
Lê Long Đĩnh là con trai thứ 5 của Lê Đại Hành. Sử không chép rõ về tên của mẹ ông, chỉ ghi là Chi hậu Diệu nữ hoặc sơ hầu Di nữ. Năm 1004, anh trai của Lê Long Đĩnh là Lê Long Thâu mất, Lê Đại Hành đã lập Long Việt làm Hoàng thái tử, gia phong Long Đĩnh làm Khai Minh đại vương, Lê Long Tích làm Đông Thành đại vương.
Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà, Thái tử Long Việt cùng 3 người em khác tranh giành ngôi vị trong 8 tháng, đất nước không có chủ. Sau đó, thái tử đánh bại Long Tích khiến phải chạy vào đất Cử Long. Long Việt tiếp tục đuổi bắt làm Đông Thành vương chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La. Thái tử bèn lên ngôi nhưng ở được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết chết.
Tượng Lê Long Đĩnh ở Cố đô Hoa Lư.
Theo Đại Việt sử ký, có nguồn Dã sử chép rằng: "Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông”.
Mùa đông năm 1005, Lê Long Đĩnh xưng là Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế thụy cho Trung Tông, truy tôn mẹ là Hưng Quốc Quảng Thánh Hoàng thái hậu.
Cùng năm 1005, Ngự Bắc vương Lê Long Cân cùng Trung Quốc vương chiếm trại Phù Lan làm phản. Lê Long Đĩnh đích thân đem quân đi đánh rồi giành chiến thắng. Từ đấy về sau, các vương và giặc cướp đều hàng phục.
Theo sử gia Ngô Thì Sĩ, hệ quả của việc anh em Long Đĩnh tranh giành ngôi vua đã khiến cho Lý Công Uẩn mạnh lên: Quân Tứ sương (do Lý Công Uẩn chỉ huy) chỉ đứng ngoài bên xem ai thành ai bại, để cho người họ khác vào nắm binh quyền, Công Uẩn dần dần mạnh lên, rồi họ Lý nổi lên không ai ngăn nổi.
Lê Long Đĩnh cai trị được 4 năm, đến 19/11/1009) thì qua đời, hưởng dương 24 tuổi. Sau đó, con trai là Lê Cao Sạ còn bé, dưới sự sắp đặt của quan Chi hậu Đào Cam Mộc, triều thần đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, sáng lập ra triều đại nhà Lý.
Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám cương mục cho rằng: Lê Long Đĩnh mất và cái chết của ông là hậu quả của sự hoang dâm, mê tửu sắc. Nhưng sử gia Ngô Thì Sĩ lại nhận định Lý Công Uẩn giết Lê Long Đĩnh để đoạt ngôi.
Những hành động tàn bạo
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu nói: “Ngọa Triều giết anh, tự lập làm vua; bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác, đến nỗi mất nước mất ngôi, không phải là sự bất hạnh của nhà Lê, lỗi ở Đại Hành không sớm đặt Thái tử và do Trung Tông không biết phòng giữ từ khi mới chớm nên đến nỗi thế”.
Còn Đại Việt sử lược chép, cứ đánh trận, bắt được quân địch là vua cho áp giải đến bờ sông. Lúc nước thủy triều rút xuống, vua sai làm cái chuồng dưới nước rồi đuổi tù binh vào trong chuồng. Nước thủy triều dâng lên, tù binh ngộp hơi thì hả miệng ra rồi uống nước mà chết.
Thậm chí, vua Lê Long Đĩnh còn bắt tù nhân treo lên cây cao rồi sai người ở dưới chặt cây. Có khi vua đi chơi ở sông Chi Ninh – có nhiều thuồng luồng bèn trói người ở một bên ghe rồi cho ghe qua lại ở giữa dòng nước để thuồng sát hại người.
Hình ảnh xấu xí của vua Lê Long Đĩnh.
“Phàm những con vật nuôi để cúng tế đem cung cấp cho nhà bếp, trước tiên phải sai người khiên vào để tự tay vua đâm chết, sau đó mới giao cho người nấu bếp. Lại khi, nhà vua đặt mía trên đầu bậc tu hành là đức Tăng thống Quách Mão mà róc, rồi giả vờ sút tay dao phập vào đầu Quách Mão chảy máu ra, vua cười rầm lên. Hoặc đêm đến vua sai làm thịt mèo để cho các tước vương xơi. Ăn xong vua đem đầu mèo bày ra, các tước vương đều mửa thốc mửa tháo.
Mỗi khi đến buổi chầu thì sai những tên hề ra nói leo lẻo luôn mồm để làm khỏa lấp lời những ai bẩm bạch về việc gì”, Đại Việt sử viết.
Tranh cãi xung quanh cái chết của Long Đĩnh
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua say đắm tửu sắc, phát ra bệnh trĩ”. Theo Đông y, đó là do khí hư bị hãm không lưu thông được nên thành bệnh. Còn y học hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh trĩ nhưng dâm dục quá độ không thể là nguyên nhân phát sinh bệnh này được.
Nếu coi Lê Long Đĩnh thực sự mắc bệnh trĩ thì bệnh của ông rất nặng, tức xét ở cấp độ là giai đoạn 4, mà biện pháp điều trị là giải phẫu hoặc tiêm thuốc để teo bừu trĩ. Song ngược về 1.000 năm trước thì làm gì có phương pháp điều trị này. Do vậy, vua sẽ rất đau đớn và cấn ở hậu môn làm phải nằm, không thể đi đứng.
Từ việc nằm để coi chầu nên vua có biệt danh là Ngọa triều (nằm thiết triều). Nhưng chi tiết này lại mâu thuẫn với các cuộc chinh phạt của ông - trong 4 năm tại vị, có 5 lần thân chinh cầm quân ra ngoài đánh giặc. Bởi để thực hiện được những cuộc chinh chiến này, chắc chắn vua phải có một sức khỏe tốt. Vì thế nói vua là kẻ ham mê tửu sắc, đau bệnh trĩ, lâm triều phải nằm là chuyện cần phải xét lại.
Cũng có ý kiến cho rằng, Lê Long Đĩnh bị đầu độc mà chết. Đại Việt sử ký tiền biên có viết: “Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó nên sử không được chép”.