Thân làm công chúa với phận cao quý, sống trong nhung lụa từ bé nhưng công chúa An Tư lại không được quyền tự do lựa chọn hạnh phúc của mình.
Theo Việt sử tiêu án, An Tư công chúa là một trong hai vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần với cuộc hôn nhân mang tính trọng đại. Bà đã kết hôn với Trấn Nam vương Thoát Hoan, giữ cho quân Trần rút lui an toàn trong Chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt lần 2 vào năm 1285. Nhưng kết cục của bà đến tận bây giờ vẫn là đề tài bàn luận của các sử gia Việt.
Nàng công chúa có thân thế “bí ẩn”
Thông tin về công chúa An Tư vô cùng bí ẩn và hiếm hoi. Đến giờ không có một ai có thể xác định được năm sinh – năm mất, thân mẫu của bà. Sử liệu liên quan chỉ ghi nhận bà là con gái út của vua Trần Thái Tông, em gái của Trần Thánh Tông, hoàng cô của Trần Nhân Tông.
Mặc dù sử sách ghi chép rất sơ lược về nàng công chúa An Tư thời nhà Trần nhưng tương truyền trong dân gian về người phụ nữ “đại nghĩa diệt thân” lại rất phổ biến. Cuốn tiểu thuyết lịch sử An Tư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi chép rằng, trước khi trở thành dâu Mông Cổ, bà từng được hoàng tộc định hôn phối với Chiêu Thành Vương Trần Thông. Nhưng theo Bảo Tàng Lịch Sử lại tương truyền công chúa An Tư đem lòng yêu Yết Kiêu nhưng không được đáp trả. Và với nhiều người, tương truyền này phổ biến rộng rãi nhất.
Thông tin về công chúa An Tư vô cùng bí ẩn và hiếm hoi. (Ảnh minh họa)
Theo đó, tương truyền kể rằng, trong một lần bảo vệ hoàng tộc nhà Trần về Nam Định, Yết Kiêu đã lao mình xuống sông, giết chết Giảo Long để hộ giá. Trước sự dũng mãnh ấy, hình ảnh của Yết Kiêu đã khiến các công chúa nhà Trần say mê, trong đó có An Tư.
Lúc đó An Tư chỉ thầm thương trộm nhớ mà không nói ra. Đặc biệt khi bà biết Yết Kiêu luôn chung thủy đến cùng với cô lái đò đã làm bà xúc động. Bà quyết định trở thành tình báo thu thập tin tức cho nhà Trần khi sang Mông Cổ hòa thân. Sau đó bà trao đổi thông tin với Yết Kiêu bằng cách dùng bông lan đá. Khi bị phát hiện, chính bà đã cứu giúp chàng anh hùng một mạng sống.
Có công lớn trong chiến thắng quân Nguyên Mông
Thân làm công chúa với phận cao quý, sống trong nhung lụa từ bé nhưng công chúa An Tư lại không được quyền tự do lựa chọn hạnh phúc của mình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Sử tiêu án, khi quân Nguyên liên tiếp xâm lược bờ cõi đất Việt, An Tư trở thành nàng công chúa được hoàng tộc nhà Trần đem đi hòa thân ở Mông Cổ, gả cho Thái Tử (Trấn Nam Vương) – Thoát Hoan.
Có rất ít tư liệu nói về cuộc sống của công chúa An Tư sau khi được gả sang Mông Cổ. Tuy nhiên những đóng góp của bà dành cho cuộc kháng chiến chồng quân Nguyên của nước Việt không thể bỏ qua. Bởi sau khi đến Mông Cổ, quân đội nhà Trần bắt đầu có những màn phản công quyết liệt trên khắp các mặt trận khiến triều Nguyên không kịp trở tay và nhận lấy thất bại cay đắng.
Họa hình công chúa An Tư và Thoát Hoan. (Hình minh họa – Nguồn: Đại Việt cổ phong).
Dù đóng góp công lao không nhỏ nhưng đến khi đại thắng quân Nguyên Mông, nhà Trần truy phong rất nhiều công thần, chiến tướng nhưng lại không có một ai trong triều đình nhắc đến Công chúa An Tư. Và cho đến giờ, việc An Tư vì nghĩa quên thân sống chết ra sao, được đưa về Trung Quốc hay lưu lạc nơi nào vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp và thách thức các sử gia Việt Nam tìm hiểu.
Ngày nay, hình tượng An Tư công chúa luôn được thể hiện rất xinh đẹp và cao cả, hầu như người hiện đại hình dung kết cục của An Tư công chúa rất "tang thương".
Trong chương trình phim tài liệu Thăng Long Nhân Kiệt dài 100 tập được phát sóng nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, An Tư được liệt vào thứ 18 trong 100 vị vĩ nhân mà chương trình gọi là "Nàng công chúa nhỏ bé lá ngọc cành vàng, trở thành vật hi sinh cho nền độc lập dân tộc".