Sau thời gian dài bỏ bê chính sự và ăn chơi sa đọa, năm 1592, Mạc Mậu Hợp bị quân Lê – Trịnh đuổi đánh phải tháo chạy khỏi kinh thành.
Mạc Mậu Hợp (1560– 1593) là vị hoàng đế thứ 5 của nhà Mạc thời Nam – Bắc triều trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì đất nước đến 30 năm (1562-1592) nhưng không có thành tích gì giúp nhà Mạc hưng thịnh. Thay vào đó, ông lại nổi tiếng là vị vua có nhiều tai tiếng.
Liên tục mắc bệnh lạ, âm mưu cướp vợ của anh rể
30 năm ở ngôi ngai vàng, vua Mạc liên tục mắc các bệnh lạ, hiếm thấy khiến triều thần lẫn dân chúng không khỏi ngỡ ngàng. Cụ thể, năm 1578, ông bị sét đánh đến mức tê liệt nửa người. “Tháng 2, ngày 21, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh ở trong cung, bị bại liệt nửa mình, sau chữa thuốc lại khỏi bèn đổi niên hiệu, lấy năm ấy làm năm Diên Khánh thứ 1”, Đại Việt sử ký toàn thư chép.
Đến năm 1581, ông tiếp tục bị thong manh mắt mờ phải sữa vài năm mới khỏi. Theo Đại Việt thông sử: “Năm ấy, Mậu Hợp bị chứng “thong manh”, mắt mờ không trông rõ, y sai mời các thầy thuốc giỏi trong thiên hạ tới chữa. Trong vài năm, con mắt lại được bình phục như thường”.
Tranh vẽ vua Mạc Mậu Hợp ngày ẩn náu ở chùa.
Về cai trị đất nước, Mạc Mậu Hợp lại không tập trung vào việc triều chính, nhất là vấn đề dẹp loạn trong nước. Ông giao phó mọi việc cho Mạc Kính Điển nắm giữ.
Khi Mạc Kính Điển mất, lúc này vua Mạc đã trưởng thành liền trao quyền cho Mạc Đôn Nhượng. Nhưng người này nhu nhược, thiếu tính quyết đoán nên không thể xuất quân đánh dẹp loạn, việc triều chính cũng không quán xuyến nổi.
Trong khi đó, vua Mạc lại sống sa đọa, kiêu ngạo, thích nghe nịnh thần nên ít để tâm lời khuyên can của triều thần ngay thẳng. Vì thế việc triều chính của nhà mạc ngày càng sa sút, đất nước lâm nguy.
Đại Việt sử lý tục biên nhận xét về Mạc Mậu Hợp như sau: “Ngày càng buông tuồng du đáng, tửu sắc bừa bãi. Thậm chí, ông thấy vợ của quan viên xinh đẹp liền có ý định cướp lấy cho mình, như việc định mưu giết Sơn quận công Bùi Văn Khuê để cướp vợ ông này là Nguyễn Thị Niên không thành, đến nỗi viên quan to ấy phải theo về nhà Lê mà chống lại. Làm thế, hẳn không mất ngôi sao được…”.
Theo đó, Mạc Mậu Hợp đã lập Nguyễn Thị lên ngôi chính cung. Nguyễn Thị lại là em gái của Nguyễn Thị Niên. Xét về vai vế, vua Mạc chính là em rể của Thị Niên. Khi Thị Niên ra vào hậu cung để thăm em gái thì vua liền nảy sinh ý định giết anh rể để chiếm lấy chị vợ.
Bùi Văn Khuê biết dã tâm của vua đã tỏ ra đề phòng, đem quân dưới quyền rút về quê và không chịu vào chầu. Lúc này, Mạc Mậu Hợp nổi giận sai quân bức bách buộc anh rể vào Thăng Long chầu thiên tử. Văn Khuê biết không thể phò tên chúa muốn cướp vợ mình liền sai con trai dâng lễ đầu hàng, xin cứu viện từ vua Lê – chúa Trịnh và được chấp thuận.
Khắc họa khung cảnh vua Mạc bị chém đầu ở rìa sông.
Chạy vào chùa giả làm nhà sư để ẩn náu
Sau thời gian dài bỏ bê chính sự và ăn chơi xa đọa, năm 1592, Mạc Mậu Hợp bị quân Lê – Trịnh đuổi đánh phải tháo chạy khỏi kinh thành. Ban đầu, ông giả vào chùa làm nhà sư hòng chạy khỏi sự truy sát của quân lính nhà Lê nhưng mưu sự không thành. Theo Đại Việt thông sử, khi Trịnh Tùng từ sông Tranh về kinh thành đã nhận được bẩm báo Mậu Hợp ẩn ử chùa Mô Khuê. Trịnh Tùng bèn sai người đi bắt vua Mạc rồi được dân chúng cho biết Mậu Hợp đã đến chùa ở ẩn được 11 ngày.
Còn Đại Nam quốc lược sử ghi: “Lúc ở ẩn trong chùa, Mạc Mậu Hợp xưng hiệu là Võ An. Quân sĩ được người dân chỉ, bèn đến chùa thấy Mậu Hợp nghiễm nhiên ngồi xếp bằng, gạn hỏi, thì Mậu Hợp ấm ớ đáp rằng: Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am mây này, chén muối đĩa rau, hằng ngày trai dưỡng; thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm.
Quân sĩ thấy nhà sư nói hoạt bát khiêm tốn, biết là Mậu Hợp, bèn bắt giữ. Mậu Hợp tự liệu không thể thoát được, bèn thú thực và nói rằng: Mấy ngày trước đây, tôi chạy trốn ẩn núp ở trong rừng rậm, đã quá đói khát, dám xin cho một bình rượu uống cho đã”.
Tượng thờ vua Mạc Mậu Hợp.
Quân Lê – Trịnh nghe vậy liền đưa cho vua Mạc bình rượu. Ông uống xong mới than rằng: “Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường cũng không thể được. Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vậy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước hoàng đế, để bày tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn”.
Sau đó vua Mạc bị đưa về doanh trại của nhà Lê – Trịnh để giam cầm. Các quan văn võ ở đây đều bàn: “Chiếu điều luật, những kẻ phạm tội thoán thí (giết vua cướp ngôi), thì xử theo luật “lăng trì” (tùng xẻo), để làm gương cho mọi người và đúng phép nước; lại đem thủ cấp tế cáo nhà tôn miếu, để rửa sự sỉ nhục của tiên vương và bớt cơn giận của thần nhân”.
Tuy nhiên Trịnh Tùng lấy làm thương xót không nỡ làm vậy, bèn sai người treo sống Mậu Hợp 3 ngày rồi chém đầu, đem thủ cấp hiến hoàng đế, đóng đinh vào 2 con mắt, rồi bêu ra ngoài chợ.