Ngày nay, nhiều nhà sử học đã chỉ trích, coi hành vi của vua Lê Chiêu Thống là “bán nước, cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng dù mang tiếng bán nước, ông vẫn có một người vợ thủy chung, yêu thương nhà vua hết mực…
Lê Chiêu Thống (1765-1793) tên thật Lê Duy Khiêm là vị hoàng đế thứ 16 và cuối cùng của Hoàng triều Lê nước Đại Việt. Ông là cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông, lên ngôi trong bối cảnh quân Tây Sơn từ phương Nam tràn chiếm Bắc Hà, lật đổ chúa Trịnh. Sau đó là sự phát triển của nhà Tây Sơn và việc cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng.
Cầu viện nhà Thanh ở Trung Quốc cứu giúp rồi chết trên xứ người
Lúc bấy giờ, tình hình chính sự của nhà Lê – Trịnh ngày càng thối nát. Khi Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân (Huế) thì tình hình Bắc Hà càng rối loạn. Vua Chiêu Thống không đủ tài năng lãnh đạo đất nước, con của chúa Trịnh Doanh – Trịnh Lê liền đem quân về kinh đôm chiếm lại phủ rồi tự xưng làm chúa.
Các triều thần nhà Hậu Lê thấy Trịnh Lệ ngang ngược, bèn tâu lên vua Chiêu Thống, xin lập quận công Trịnh Bồng – con của chúa Trịnh Giang, cũng thuộc dòng đích tôn. Vua không muốn lập lại ngôi chúa, nhưng bị người đang nắm giữ binh quyền thúc ép nên cuối cùng ông phải phong cho Trịnh Bồng làm nguyên soái tổng quốc chính Án Đô Vương.
Trịnh bồng lên ngôi chúa lại bị giật dây, mâu thuẫn với vua. Vì vậy mà vua phải gọi Nguyễn Hữu Chỉnh đang đóng ở Nghệ An đem quân ra Thăng Long đánh Trịnh Bồng.
Chân dung vua Lê Chiêu Thống.
Năm 1787, quân của Nguyễn Hữu Chỉnh vào kinh thành Thăng Long một cách dễ dàng. Trịnh Bồng bỏ chạy khắp nơi, về Bắc Ninh, sau lại xuống Hải Dương, Quảng Yên, Thái Bình… Cuối cùng chán đời vì phải bỏ chạy khắp mọi nơi, y liền bỏ đi tu, chấm dứt sự tồn tại của các chúa Trịnh.
Khi dẹp được chúa Trịnh, vua Chiêu Thống phong cho Hữu Chỉnh làm Đại tư đồ Bằng Trung Cộng. Nhưng Chỉnh cậy công cậy thế và cậy quyền làm nhiều việc càn dở. Lúc này Nguyễn Huệ ở Phú Xuân đã sai người đem quân ra Bắc tiêu diệt Chỉnh. Nhưng người này diệt xong Chỉnh đã làm phản buộc Nguyễn Huệ phải đem quân ra Bắc tiêu diệt quân của mình.
Trong khi đó, vua Lê Chiêu Thống từ lúc nắm ngai vàng đều dựa vào Chỉnh nên khi Chỉnh bị tiêu diệt, tình hình Bắc hà rối loạn. Vua không còn chỗ dựa, đành chạy lên Lạng Giang nương náu rồi cho người sang cầu cứu nhà Thanh.
Hoàng đế nhà Thanh lúc bấy giờ là Càn Long đã lợi dụng tình hình trên và cũng có ý đồ đem quân xâm lược nước ta từ trước đó. Vì thế khi vua Chiêu Thống cầu cứu, Càn Long đã sai Tổng đốc Lưỡng – Quảng đem 29 vạn quân nhà Thanh sang xâm lược nước ta.
Trước tình hình trên, Nguyễn Huệ ở Phú Xuân lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Quang Trung, dẫn hơn 10 vạn quân kéo ra Bắc. Ngày 25/1/ 1789, Nguyễn Huệ ra lệnh xuất quân, trực tiếp chỉ huy vượt sông Gián Thủy, mở màn bằng trận thắng giòn giã, hạ đồn Gián Khẩu, đồn tiền tiêu của quân giặc do vua Lê Chiêu Thống đóng giữ. Sau đó đoàn quân truy đuổi đến Phú Xuyên bắt gọn toán quân do thám của quân Thanh gặp ở sông Thanh Quyết, không để cho tên nào chạy thoát. Vì vậy mà các đạo quân từ Hạ Hồi đến Thăng Long đều không hay biết gì về cuộc tấn công thần tốc của quân nhà Tây Sơn.
Sáng 30/1/1789, đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ tiến vào hạ đồn Ngọc Hồi, tiêu diệt gọn quân nhà Thanh. Vua Lê Chiêu Thống cũng theo tàn quân nhà Thanh chạy sang Trung Quốc và sống lưu vong ở Bắc Kinh. Năm 1793, ông chết, hưởng dương được 27 tuổi – kết thúc sự tồn tại hàng trăm năm của Hoàng triều Lê.
Lê Chiêu Thống bàn việc với quân nhà Thanh, năm 1789.
Mang tiếng bán nước nhưng vẫn có một người vợ yêu thương hết mực
Ngày nay, nhiều nhà sử học đã chỉ trích, coi hành vi của vua Lê Chiêu Thống là “bán nước, cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: Ông có một người vợ thủy chung bảo toàn danh tiết hết mực theo đúng giáo lý “Tam tòng, tứ đức” của Nho giáo thuở ấy. Và người vợ ấy chính là Hoàng phi Nguyễn Thị Kim.
Cụ thể, lúc quân Thanh đại bại, vua Lê vội vàng cùng Tôn Sĩ Nghị chạy sang Bắc Kinh. Nhưng ông vẫn không quên sai người chạy gấp về hộ vệ thái hậu và thái tử vượt qua sông Nhị Hà. Tuy nhiên Hoàng phi Nguyễn Thị Kim và cung tần đến bến sông thì cầu phao gãy, không qua được đành phải hướng về phía tây chạy trốn.
Sách sử chép, do lạc chồng, lạc con, bà hoàng phi “phải nương náu ở dân gian, không ai biết tung tích”. Theo nhiều nguồn tài liệu, bà đã lánh mình vào chùa đi tu chờ chồng. Có tài liệu lại nói bà cắt tóc cải trang ở chùa Dương Nham tỉnh Hải Dương.
Qua thời gian, nhà Tây Sơn đổ, nhà Nguyễn lên thay, vua Gia Long đã cho mời những cựu thần nhà Lê ra làm quan, lại mang biểu cầu phong sang nhà Thanh. Năm 1804, đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Yên Kinh. Nhân chuyến đi ấy, Doãn Hựu Lê Quýnh là người cùng chạy loạn với Lê Chiêu Thống sang Yên Kinh nhờ con của mình thuộc đoàn sứ bộ nước Nam về nước làm biểu xin đem hài cốt vua Lê Chiêu Thống về. Việc này được nhà Nguyễn và nhà Thanh đều nhất trí cho thi hành.
Đang nương mình nơi cửa Phật, biết tin linh cữu của chồng con được đưa về Bắc thành Thăng Long, bà Nguyễn Thị Kim liền cởi áo tu tìm đến. Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Sau khi tế chồng xong, hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết. Bà hỏi Doãn Hựu Lê Quýnh rằng:
- Tiên quân đã mất, ấu tử cũng lìa xa. Ta nay thân mình vò võ, nên làm thế nào cho phải?
Là bầy tôi cũ của nhà Lê, bôn ba với cựu hoàng đế suốt ngần ấy năm nơi đất khách, Doãn Hựu nghĩ ngợi hồi lâu rồi đáp:
- Theo tôi, nay chết theo tiên quân, là thượng kế. Về lăng tẩm để giữ đèn hương thờ vua, là kế thứ hai.
Nghe lời khuyên của vị cựu thần cũ, Nguyễn Thị Kim mới đáp lại Lê Quýnh rằng:
- Ta nhẫn nhục vất vả đã mười lăm mười sáu năm trời nay, trong những ngày ấy không phải là không dám chết, chỉ vì thái hậu, vua ta, con ta vẫn ở bên nước người, âm tín không thông, còn mất không rõ, nên ta còn chờ đợi một chút. Nay thái hậu cùng vua ta đều mất, con ta cũng chết, linh cữu đã về đến nước nhà thế là việc của ta xong rồi, ta phải chết theo để hầu bên lăng tẩm mới phải.
Sau cuộc gặp ấy, hoàng phi liền uống thuốc độc tự tử để theo chồng nơi cửu tuyền, năm ấy bà được 40 cái xuân xanh”.