Nhận xét về chúa Trịnh Giang, sách sử viết: “Ham chơi, háo sắc, bỏ bê chính sự, sợ sấm sét và bị mất địa vị”.
Tư thông với vợ lẽ của cha bất chấp lời gièm pha
Uy Nam vương Trịnh Giang (1711 –1762) là vị chúa Trịnh thứ 6 thời Lê trung hưng. Ông là con trai của chúa Trịnh Cương, được lập làm thế tử từ năm 20 tuổi.
Bấy giờ, chúa Trịnh Cương đã cử nhiều danh nho nổi tiếng làm thầy giáo cho con trai. Trong đó có đại thần Nguyễn Công Hãng – người thầy giỏi, tính tình thẳng thắn. Nhưng Trịnh Giang không chịu khó “dùi mài kinh sử” lại ham chơi hưởng lạc. Vì thế, Nguyễn Công Hãng đã bí mật tâu lên chúa: “Trịnh Giang là người ưa hèn, không thể gánh vác ngôi chúa”.
Chúa Trịnh Cương nghe lời đại thần nhưng không dứt khoát quyết định rồi băng hà trên đường đi tuần vào năm 1729. Sau đó Trịnh Giang nối ngôi chúa.
Lên ngôi chúa, Trịnh Giang chỉ ăn chơi xa đọa, tuyệt nhiên không quan tâm đến triều chính. Thậm chí ông nghe lời thái giám, sử dụng lộng thần… Những đại thần không chiều theo ý của ông đều bị hãm hại. Ông biết chuyện đại thần Nguyễn Công Hãng dâng tấu truất ngôi thế tử của mình liền tìm cách sát hại một cách dã man.
Tượng chúa Trịnh Giang.
Sau đó Trịnh Giang bắt đầu thể hiện uy quyền bằng cách tự phong nguyên soái, ra lệnh đình chỉ xây dựng cung điện vua Lê, luân chuyển hàng loạt quan trấn thủ vì sợ họ được lòng quân và dân sẽ đứng lên làm loạn…
Chưa dừng ở đó, chúa Trịnh còn thay đổi các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa… tích cực thời vua cha. Nếu vị quan nào đứng ra ngăn cản liền bị chúa trứng phạt, bãi chức đuổi về quê… Ông còn đặt ra lệ: Khi chúa ra coi chầu, đi tuần… phải có phương nhạc tấu inh ỏi; chúa đi ngủ hay thức dậy phải bắn 2 tiếng súng báo hiệu.
Ngoài ra, tương truyền, chúa Trịnh Giang có tật đam mê đàn bà từ nhỏ. Khi lên ngôi chúa, ông đã dùng quyền lực của mình để thoải mái thỏa mãn dục vọng cá nhân. Đặc biệt ông có một lối sống tình dục kỳ lạ. Đó là mỗi ngày hoạn quan phải dâng gái đẹp cho ông thỏa mãn. Ông còn tư thông với vợ lẽ của cha bất chấp lời gièm pha của triều thần.
Sợ sấm sét đến mức phải sống dưới lòng đất
Dưới thời các chúa Trịnh, triều đình có 2 ban: ban văn và ban võ. Nhưng đến thời Trịnh Giang vì ham mê chơi bời, lại nghe lời thái giám nên đã đặt thêm Giám ban. Ai muốn vào ban này thì phải thi cử đàng hoàng khiến các quan văn võ cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Từ đó quyền hành trong triều dần rơi vào tay thái giám Hoàng Công Phụ.
Trịnh Giang cũng cho xây dựng nhiều cung quán làm ngân khố quốc gia cạn kiệt. Ông liền nghĩ ra cách tăng thuế của nhân dân để bù đắp, cho phép buôn bán quan tước… Điều đó càng khiến nhân dân lầm than, mất mùa đói kém xảy ra khắp nơi. Tuy nhiên ông không bận tâm, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra khắp nơi.
Dưới thời chúa Trịnh Giang, dân chúng đã sống cảnh lầm than.
Sau 10 năm nắm ngai vị chúa, Trịnh Giang đã bị sét đánh suýt chết. Từ đó ông đã mắc bệnh “kinh quý” – căn bệnh khiến ông ăn thơi tinh thần không ổn định, hay sợ hãi. Thái giám Hoàng Công Phụ liền sai người đào đất làm cung dưới hầm cho chúa ở.
Khi cung được xây dựng xong, chúa Trịnh Giang ở hẳn dưới đó, không thiết tha chuyện triều chính. Mọi quyền hành đều thuộc về phe cánh của tên thái giám. Bởi vậy khi quan thần đề xuất đưa Trịnh Doanh – em trai của chúa lên thay thì bị ngăn cản.
Năm 1740, trước tình hình Đàng Ngoài ngày càng suy thoái, mẹ của chúa Trịnh Giang cùng một số đại thần đã lật đổ ông và đưa Trịnh Doanh lên cầm quyền. Sau đó ông sống ở cung dưới lòng đất đến năm 1762 thì qua đời.
Nhận xét về chúa Trịnh Giang, sách sử viết: “Ham chơi bời, háo sắc, bỏ bê chính sự, sợ sấm sét và bị mất địa vị. Những nét đó của Trịnh Giang khá giống với Mạc Mậu Hợp. Tuy nhiên, vì họ Trịnh đã xây dựng được bộ máy cai trị nề nếp, quy củ từ nhiều đời trước nên cơ đồ vẫn được giữ vững bởi tay Trịnh Doanh và nhờ đó Trịnh Giang mới được sống vô sự đến hết đời”.