Bắt đầu từ 1/12, học phí của các trường đại học trong cả nước đồng loạt tăng. Đáng chú ý, mức tăng này được đánh giá là khá cao so với những năm học trước.
Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí từ nay đến năm 2021 có hiệu lực từ ngày 1/12, mức học phí các trường từ mầm non đến đại học đều được điều chỉnh theo hướng tăng.
Cụ thể, đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 thì mức học phí là từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm.
Cũng theo Nghị định, đối với giáo dục ĐH, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư cụ thể như sau:
Với ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản, học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 là 1,75 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 1,85 triệu đồng/tháng; năm học 2020-2021 là 2,05 triệu đồng/tháng.
Khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch, học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 là 2,05 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 2,2 triệu đồng/tháng; năm học 2020-2021 là 2,4 triệu đồng/tháng.
Khối ngành y dược có học phí cao nhất. Cụ thể, học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 là 4,4 triệu đồng/tháng; từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 4,6 triệu đồng/tháng; năm học 2020-2021 là 5,05 triệu đồng/tháng.
Từ 1/12, học phí các trường đại học công lập đồng loạt tăng. Ảnh: internet
Bên cạnh đó, một số trường ĐH tự chủ tài chính cũng đã xây dựng đề án phương án học phí với mức thu từ vài chục triệu đồng năm. Tiêu biểu như: Theo đề án tự chủ tài chính, ĐH Tài chính - Marketing sẽ thu học phí với mức bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/năm, năm học sau tăng lên 16,5 triệu đồng/sinh viên. ĐH Kinh tế TPHCM năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên và năm học 2016-2017 là 16,5 triệu đồng/sinh viên.
Mức thu này khiến nhiều gia đinh lẫn sinh viên cảm thấy “sốc”, bởi bên cạnh học phí, sinh viên vẫn phải trang trải các khoản liên quan tới việc ăn, học ngày càng “leo thang”.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng lớn đến rất nhiều sinh viên và gia đình. Nhiều gia đình mong con vào đại học thể thoát nghèo, đổi đời… nếu tăng học phí, nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn hơn, phải vay mượn tiền cho con theo học đại học. Do đó, cần có các chính sách khích lệ sinh viên như: quỹ học bổng, chương trình việc làm, lo chỗ ăn, ở giá rẻ cho sinh viên…
Trên thực tế, bên cạnh việc tăng học phí, cũng có rất nhiều đối tượng sinh viên được miễn, giảm học phí. Tuy nhiên, các đối tượng này chỉ chiếm số nhỏ trong tổng số rất lớn của sinh viên đang theo học tại các trường trong nước. Tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo, song cần hướng đến các giải pháp hỗ trợ cho sinh viên, để sinh viên tận tâm vào việc học, ra trường cống hiến cho xã hội chứ không phải kèm tấm bằng là khoản nợ lớn đi cùng.