Day dứt và khao khát được đến trường, được học trường công lập, Sơn đã gửi tâm thư tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để “cầu cứu”.
Đắng lòng chuyện bị đình chỉ học vì không có hộ khẩu Hà Nội
Chỉ vì không có hộ khẩu Hà Nội, em Đỗ Hồng Sơn sinh ngày 12.8.1997, học sinh lớp 11A5 trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã 2 lần bị nhà trường đình chỉ học tập. Day dứt và khao khát được đến trường, được học trường công lập, Sơn đã gửi tâm thư tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để “cầu cứu”.
Trong bức thư dài kín 2 trang giấy trắng học trò, Sơn đã kể lại hoàn cảnh éo le của gia đình em khi bố mẹ là dân ngụ cư từ Hải Phòng lên Hà Nội dựng cái lán tạm 12m2 trên đường Lê Văn Lương kéo dài, vừa làm chỗ vá xe ô tô, vừa làm chỗ ở của cả gia đình gồm 4 thành viên. Năm lớp 8 Sơn và em trai theo bố mẹ lên Hà Nội học.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào trường THPT Trần Hưng Đạo, Sơn đạt 50 điểm, trong khi điểm sàn của trường là 45 điểm.Tuy nhiên, từ khi nhập học tới nay, Sơn đã bị nhà trường đình chỉ học 2 lần vì lý do gia đình em không có hộ khẩu ở Hà Nội.
Lần đầu tiên, gia đình Sơn phải làm cam kết sẽ chuyển hộ khẩu về Hà Nội nên em mới được đi học tiếp. Tuy nhiên, từ ngày 13.1.2014 đến nay, Sơn lại tiếp tục bị đình chỉ học vì quyết định đình chỉ của nhà trường nêu rõ: “Việc đình chỉ học sinh do không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội là đúng theo quy định của Sở GD-ĐT”.
Khẳng định lại vấn đề này, bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “Về trường hợp của em Đỗ Hồng Sơn, nhà trường đã giải quyết theo đúng luật tuyển sinh của Sở GD-ĐT Hà Nội. Theo quy định, ngân sách của thành phố chỉ cung cấp cho học sinh được học có hộ khẩu tại Hà Nội. Còn những học sinh không có hộ khẩu thì học ở trường dân lập”.
Hụt hẫng trước quyết định của nhà trường nhưng vẫn thiết tha được đi học khi gia cảnh nghèo khó, Sơn nghẹn ngào: “Kính thưa bác. Gia đình cháu rất nghèo, bố mẹ cháu làm không đủ sống. Cứ mỗi lần đến kỳ đóng tiền học cho hai anh em cháu là bố mẹ cháu lại cãi nhau vì không có tiền. Bởi vậy hai anh em cháu đều cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ cháu.
Cháu chỉ mong muốn được đi học nhưng bố mẹ cháu bảo nếu phải chuyển ra trường dân lập thì cháu phải nghỉ học vì gia đình cháu không có tiền đóng phọc phí cho cháu.
Cháu viết thư này cho bác mong bác nói với cô hiệu trưởng cho cháu tiếp tục được đi học. Cháu chỉ mong muốn được như vậy thôi”.
Trao đổi với Khampha, ông Đỗ Văn Tuyên, bố em Sơn cho biết, ngay sau khi nhà trường yêu cầu Sơn phải có hộ khẩu Hà Nội, gia đình đã phải chạy vạy đi khắp nơi để tìm hiểu thủ tục nhưng tới giờ này vẫn chưa có kết quả.
Không có hộ khẩu Hà Nội, em Sơn đã 2 lần bị nhà trường đình chỉ học tập.
“Tôi biết theo quy định thì học sinh THPT phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội mới được học các trường công lập. Thế nhưng, vì gia đình nghèo, lại chưa lo được hộ khẩu cho cháu nên mới để xảy ra chuyện này. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình và ước mong khao khát được đến trường của cháu, tôi và gia đình rất mong được nhà trường xem xét lại cho trường hợp của cháu".
Trước vấn đề này, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) - Nhà Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Trí tuệ Trẻ em cho biết: “Tôi có đọc một số thông tin trên mạng và được biết, phía nhà trường cũng đã nhận lỗi vì ‘linh động’ nhận Đỗ Hồng Sơn vào trường khi chưa có hộ khẩu Hà Nội. Xét về lý, việc cho em Sơn nghỉ học là không sai. Tuy nhiên, khi đối chiếu với quan điểm ‘không để học sinh thất học’, thì nhà trường cũng nên báo cáo trường hợp đặc biệt này với Sở.
Tôi tin, Sở cũng đồng thuận và tạo mọi điều kiện để em được tiếp tục tới trường. Mặt khác, gia đình Sơn cũng nên tích cực nhờ các cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển khẩu cho em lên Hà Nội, mặc dù biết rằng việc này không dễ với một gia đình có hoản cảnh khó khăn như gia đình Sơn”. Theo nguồn tin của phóng viên, sáng nay 20.2, em Đỗ Hồng Sơn và Trường THPT Trần Hưng Đạo đã được mời lên Sở làm việc để tìm ra cách tốt nhất hỗ trợ em Sơn trong quá trình học tập sau này.
Khampha xin trích đăng nguyên văn bức thư của em Đỗ Hồng Sơn:
"Hà Nội ngày 18 tháng 2 năm 2014
Kính gửi bác Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Cháu tên là Đỗ Hồng Sơn, sinh ngày 12/08/1997. Cháu đang là học sinh lớp 11A5 trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.
Cháu viết thư này cho bác với mong muốn bác giúp cháu, để cháu được tiếp tục đi học.
Bố mẹ cháu là dân ngụ cư sinh sống ở Hà Nội. Bố cháu làm nghề vá xe ô tô, mẹ cháu phụ giúp bố cháu cùng làm. Gia đình cháu rất nghèo, bố cháu dựng một cái lán bằng tôn với diện tích 12m2 trên đường Lê Văn Lương kéo dài, vừa làm chỗ vá xe ô tô, vừa làm chỗ ở cả gia đình cháu gồm bố mẹ và hai anh em cháu. Năm cháu học lớp 8 do hoàn cảnh khó khăn, gia đình cháu phải chuyển lên Hà Nội sinh sống. Cháu học cấp hai tại trường THCS Nguyễn Trãi, đến lớp 10 cháu đăng ký thi vào trường THPT Trần Hưng Đạo quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Cháu thi được 50 điểm, trong khi đó, điểm tuyển đầu vào của nhà trường là 45 điểm.
Cháu đã hai lần bị hiệu trưởng nhà trường đình chỉ học tập vì lý do gia đình cháu không có hộ khẩu ở Hà Nội. Lần đầu bố cháu đến nhà trường để cam kết sẽ chuyển hộ khẩu cho cháu về Hà Nội để cháu được tiếp tục học tập. Đến nay, nhà trường đã đình chỉ không cho cháu học vì gia đình cháu chưa chuyển sang hộ khẩu. Bố mẹ cháu cãi nhau, mẹ cháu suốt ngày khóc lóc, còn bố cháu bỏ cả công việc để di chuyển hộ khẩu cho cháu nhưng vẫn chưa xong. Hiện nay cháu đã nghỉ học được gần hai tháng rồi. Cô hiệu trưởng nói nếu nhà cháu không chuyển được hộ khẩu cho cháu thì nhà trường sẽ không cho cháu đi học, cháu phải chuyển ra học ở trường dân lập.
Kính thưa bác!
Gia đình cháu rất nghèo, bố mẹ cháu làm không đủ sống. Cứ mỗi lần đến kỳ đóng tiền học cho hai anh em cháu là bố mẹ cháu lại cãi nhau vì không có tiền. Bởi vậy hai anh em cháu đều cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ cháu.
Cháu chỉ mong muốn được đi học nhưng bố mẹ cháu bảo nếu phải chuyển ra trường dân lập thì cháu phải nghỉ học vì gia đình cháu không có tiền đóng phọc phí cho cháu.
Cháu viết thư này cho bác mong bác nói với cô hiệu trưởng cho cháu tiếp tục được đi học. Cháu chỉ mong muốn được như vậy thôi.
Cháu kính chúc sức khỏe bác!
Kính chào bác!".