Giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn học sinh… bình bầu những bạn đạt thành tích cao để trường hoặc cấp trên khen thưởng. Quy định này đã khiến một số phụ huynh băn khoăn…
Bước vào thời điểm tổng kết cuối kỳ, nhiều trường tiểu học đã không biết phải biểu dương, khen thưởng học sinh ra sao, bởi đây là năm đầu tiên thực hiện việc không chấm điểm ở bậc tiểu học. Mọi năm, với “ba rem” điểm số, kết hợp với những mặt khác, việc khen thưởng học sinh được hoàn thành khá nhanh.
(Ảnh minh họa)
Theo thông tin trên nhiều tờ báo, để “gỡ rối” về vấn đề này, ngày 6/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra văn bản hướng dẫn. Theo đó, khi đánh giá tổng kết cuối kỳ, giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, đánh giá học sinh trên các mặt sau: quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục khác; mức độ hình thành và phát triển năng lực; mức độ hình thành và phát triển phẩm chất. Trên cơ sở các đánh giá này, giáo viên xếp loại học sinh theo các mức hoàn thành hoặc chưa hoàn thành, đạt hoặc chưa đạt.
Điểm đáng chú ý nhất là với việc khen thưởng, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh trong lớp bình bầu những bạn đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trên, hoặc đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua, có thành tích đột xuất khác. Giáo viên tham khảo thêm ý kiến cha mẹ học sinh, tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Việc ghi nội dung khen thưởng học sinh vào giấy khen phải linh hoạt, do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn. Ví dụ, với các môn học có thể khen: hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học; hoàn thành tốt nội dung học tập môn A (hay B,C…); có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn X…;
Khen thưởng về năng lực, phẩm chất, giấy khen có thể ghi: có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường…;
Bộ cũng nhấn mạnh, mục đích khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui, sự hứng thú học tập, rèn luyện cho các em.
Vậy là với văn bản hướng dẫn trên, trường đã có “kim chỉ nam” trong tổng kết, khen thưởng cuối kỳ. Tuy nhiên, với nhiều bậc phụ huynh, họ vẫn chưa hết băn khoăn.
Một phụ huynh (đề nghị không nêu tên) nói: “Nhiều người là cán bộ, công chức hẳn không lạ lẫm gì với việc bình xét cuối năm. Có nơi làm nghiêm túc, nhưng cũng nhiều nơi làm theo kiểu hình thức. Cơ quan, dù làm ăn bết bát nhưng vẫn có tới hơn “90% lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Lại có chuyện anh bầu tôi thì tôi sẽ bầu anh...Người có năng lực, dám nghĩ, dám làm nhiều khi không được danh hiệu, chỉ vì hay đụng chạm, người bình bình, hiền hiền thì năm nào cũng lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua vì không làm mất lòng ai. Tất cả cũng chỉ bởi lá phiếu bỏ chưa đúng”.
Vị phụ huynh này ái ngại rằng, người lớn, với trí não đủ để phân biệt cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai còn vậy, trẻ em thì sao? Không khéo, lại đưa các cháu vào những cuộc bình bầu mệt mỏi như của người lớn.