Đối với người đàn ông này, kỳ nghỉ lễ dịp 1/5 năm nay thực sự là giấc mơ trở thành hiện thực. Sau hơn 40 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng ông cũng tìm được đường về “nhà”.
Từ khi có ký ức, ông Qiao Jianguo (68 tuổi) đã nhớ rằng nhiều người ở Mẫn Trì, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã gọi mình là “cậu bé Thượng Hải". Biệt danh này cứ thế theo ông lớn lên. Mỗi khi ông thắc mắc, những người lớn tuổi trong gia đình chỉ cười và không giải thích gì nhiều.
Khi kỳ thi tuyển sinh đại học Trung Quốc được nối lại vào những năm 1970, Qiao Jianguo cũng tham gia nhưng anh đã trượt vì một số vấn đề. Thất bại trong kỳ thi đã giáng một đòn nặng nề vào Qiao Jianguo, khiến ông chán nản. Cha nuôi của ông rất lo lắng về điều này, cố gắng động viên con và cuối cùng đã quyết định nói ra một bí mật.
"Mọi người gọi con là “cậu bé Thượng Hải" vì con được gửi từ Viện Phúc lợi Trẻ em Thượng Hải và có chị gái ở cùng con", cha nuôi nói.
"Con có một người chị đi cùng sao?", Qiao Jianguo có chút bối rối.
Qiao Jianguo (thứ tư từ phải sang, hàng đầu) và người thân trong ngày đoàn tụ.
Sau khi cha nuôi kể lại chi tiết quá khứ, Qiao Jianguo đã hiểu tại sao từ khi còn nhỏ, nhiều người đã gọi mình như vậy. Ông còn có một người chị gái cũng được cha nuôi nhận nuôi. Tuy nhiên, vì hai người không thể chăm sóc được nên đã gửi chị cho một gia đình khác ở địa phương làm con nuôi.
Qiao Jianguo xin cha nuôi thông tin và nhanh chóng gặp được chị gái. Sau khi gặp nhau, chị gái ông nói rằng hai người được đưa đi cùng nhau từ Thượng Hải. Cuộc gặp gỡ này đã giúp ông Qiao Jianguo bước ra khỏi cái bóng thất bại trong kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng ông lại không muốn tìm lại gia đình ruột thịt của mình.
“Cha mẹ nuôi rất tốt với tôi. Tôi thực sự không có ý định tìm người thân vào thời điểm đó”, Qiao Jianguo chia sẻ.
Dù không đỗ vào đại học nhưng ông Qiao Jianguo chưa bao giờ thôi khao khát học tập. Mỗi khi có thời gian rảnh, ông sẽ đọc sách. Bấy giờ có một cuốn tiểu thuyết khá nổi tiếng viết về chủ đề tìm về cội nguồn. Mỗi khi đọc cuốn sách, ông đều khóc rất nhiều và nghĩ rằng mọi người đều nên biết mình đến từ đâu và cội nguồn của mình là gì.
Lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp cũng hiểu cảm giác của Qiao Jianguo nên đã nhiều lần tạo cơ hội cho ông đi công tác Thượng Hải và các địa điểm lân cận. Thời đó việc trao đổi thông tin còn chưa phát triển, ông Qiao Jianguo đã đến từng cửa hàng đại lý, trung tâm y tế và những nơi đông người khác để hỏi thăm.
Vào khoảng năm 1985, ông tìm thấy cha mẹ ruột của chị gái mình ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô và nghĩ rằng mình đã tìm thấy người thân. Cha mẹ ruột của người chị cũng cho rằng ông là đứa con họ từng phải gửi nhờ nuôi khi cuộc sống khó khăn. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, các hồ sơ liên quan của Qiao Jianguo được tìm thấy và khi đó ông mới biết mình đến trại trẻ mồ côi lúc khoảng 2 tuổi và người chị kia không phải ruột thịt của ông.
Qiao Jianguo lại tiếp tục hành trình tìm về nguồn cội của mình. Được nhiều người mách nước, ông nhờ đến phương pháp phân tích ADN. Năm 2019, kết quả cho thấy ông có người thân ở Sào Hồ, An Huy. Ông Qiao Jianguo sau đó đã công bố thông tin tìm kiếm gia đình của mình thông qua các nhóm phúc lợi công cộng ở An Huy.
Tháng 3/2024, Qiao Jianguo nhận được cuộc gọi: "Anh là Qiao, có vết sẹo ở thái dương bên phải đúng không? Mẹ tôi nói rằng tôi có một người anh thất lạc, trên đầu có một vết sẹo".
Hóa ra, cha ruột của ông đã qua đời không lâu sau khi ông chào đời. Mẹ ông phải một mình nuôi hai đứa con rất vất vả. Về sau, mẹ ông tái hôn và người gọi cho ông là con riêng của chồng bà. Người phụ nữ cũng không nói chi tiết về việc ông đã đến Viện Phúc lợi Trẻ em như thế nào.
Vì cả mẹ và anh trai đều đã qua đời nên ông Qiao Jianguo bối rối không biết phải làm sao để xét nghiệm được ADN. May mắn thay, người phụ nữ cho ông biết gia đình đã cố gắng tìm kiếm ông suốt những năm qua, anh cả thậm chí còn để lại mẫu máu tại cơ quan công an khi còn sống.
Sau khi biết tin, chiều ngày 12/4, Qiao Jianguo đã đến sở cảnh sát Vạn Xuân để nhờ giúp đỡ. Ngày 13/4, ông được thông báo về kết quả so sánh ADN. Sau hơn 40 năm, Qiao Jianguo đã tìm được nguồn cội của mình.
Ngày 2/5, các con của ông Qiao Jianguo cũng nhanh chóng đến Vu Hồ để cùng cha mẹ đoàn tụ vui vẻ với người thân, những người mà lần đầu tiên họ gặp. Tại buổi đoàn tụ, người đàn ông 68 tuổi nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi rất biết ơn Viện phúc lợi Thượng Hải, cha mẹ nuôi và người khác, đặc biệt là cơ quan cảnh sát. Nếu không có họ, có lẽ cả đời tôi sẽ không tìm được cội nguồn của mình”.