Hú hồn vì chuộng bệnh viện tuyến trên mà đi xa, sản phụ suýt đẻ rơi con ra đường

Ngày 28/05/2019 20:07 PM (GMT+7)

Với mong muốn sinh nở ở bệnh viện tuyến trên nên rất nhiều người đăng ký khám thai và sinh ở bệnh viện lớn... Đã có những trường hợp làm cả người thân và bác sĩ hú hồn vì cấp cứu đẻ rơi.

Một thai phụ nhà ở Đan Phượng (Hà Nội), cách trung tâm thành phố hơn 20km, gia cảnh không khá giả, nhưng lại đăng ký theo dõi thai kỳ và sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Tối 26/5, khoảng 22 giờ, chị L. L. X được gia đình đưa đi đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhưng trên đường đi thì "em bé đòi ra". Đúng lúc đó xe taxi chở chị chạy qua Nhà hộ sinh Ba Đình (số 12 Lê Trực). Người nhà nhanh chóng đổi ý đưa chị vào ngay đó để đẻ cấp cứu, không muốn bé bị đẻ rơi ngoài đường.

Hú hồn vì chuộng bệnh viện tuyến trên mà đi xa, sản phụ suýt đẻ rơi con ra đường - 1

Em bé suýt bị đẻ rơi ngoài đường. Ảnh: T. H

Ca trực tối đó do bác sĩ Trương An Hạnh phụ trách. Khi sản phụ được người nhà khiêng vào nhà hộ sinh, các chị em trong kíp trực chạy ra hỗ trợ đưa sản phụ lên phòng đẻ trên tầng hai. Lúc mọi người cập rập khiêng sản phụ đi được giữa chừng cầu thang thì… em bé đã ra khỏi bụng mẹ.

Trong tình thế gấp gáp đó, bác sĩ An Hạnh chưa kịp đi găng tay cao su, đành phải đỡ bé bằng hai tay trần.

Kết quả là sản phụ "mẹ tròn con vuông". Em bé rất đáng yêu, nặng 3kg. Cả kíp trực thở phào, cùng chúc mừng hai mẹ con và người nhà sản phụ. Lúc này mọi người mới nhìn thấy toàn bộ hành lang và đường đi vào tới giường đỡ sản phụ đều vương dấu vết đau đẻ của sản phụ.

Rất may là người nhà và tài xế taxi đã xử trí tình huống kịp thời. Thai phụ có dấu hiệu đau nhiều, muốn rặn, ra huyết nhiều… nên đã đổi ý đưa thai phụ vào nhà hộ sinh gần nhất để được hỗ trợ, chứ không nhất thiết tới bằng được bệnh viện đã đăng ký sinh.

Hú hồn vì chuộng bệnh viện tuyến trên mà đi xa, sản phụ suýt đẻ rơi con ra đường - 2

Nhà hộ sinh Ba Đình - nơi cấp cứu kịp thời cho 2 bé sơ sinh bị đẻ rơi. Ảnh: T.H

Trong vòng 1 năm, bác sĩ Trương An Hạnh đã 2 lần cấp cứu ca đẻ rơi tại Nhà hộ sinh Ba Đình. Bác sĩ Hạnh trăn trở: “Tại sao các sản phụ cứ phải đăng ký theo dõi và sinh tại các bệnh viện tuyến trên, dù ai cũng hiểu các bệnh viện tuyến trên luôn quá tải?"

Với sản phụ đẻ rơi trên thì ở Đan Phượng có bệnh viện, có khoa đẻ, có cả phòng mổ, bác sĩ chuyên môn cũng rất tốt, nhưng sản phụ lại không đăng ký đẻ ở đó.

Hú hồn vì chuộng bệnh viện tuyến trên mà đi xa, sản phụ suýt đẻ rơi con ra đường - 3

Bác sĩ An Hạnh kiểm tra sức khỏe của bé. Ảnh: T. H

Bác sĩ An Hạnh đã làm chuyên môn sản khoa trên 20 năm ở cơ sở y tế cấp quận (tuyến dưới) cho rằng, các cơ sở y tế tuyến dưới cần giúp người dân hiểu an tâm lựa chọn tới đó chăm sóc sức khỏe - nhất là với các thai phụ - thay vì lên tuyến trung ương vừa để chia sẻ bớt độ căng thẳng của các bệnh viện tuyến trên, vừa đỡ tốn thời gian đi lại.

Về phía nhân dân rất cần tuyên truyền để họ hiểu, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt khó, cần phương tiện thiết bị và cơ sở vật chất chuyên sâu, còn lại, các ca sinh thường (cũng như các bệnh thông thường), các cơ sở y tế tuyến dưới đều làm được, thậm chí làm rất tốt?

Để tránh tình trạng đẻ rơi và các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, thai phụ nên đăng ký khám thai và theo dõi thai định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và quản lý thai kỳ cẩn thận. Khi có dấu hiệu bất thường như đau tức bụng dưới, ra nhày máu hoặc nhày nước âm đạo, giảm cử động thai… sản phụ cần nhập viện sớm để có thể phát hiện các nguy cơ và xử trí kịp thời.

Có 3 tình huống có thể xảy ra đẻ rơi: Đẻ rơi tại nhà, đẻ rơi tại nơi làm việc, đẻ rơi trên đường hay trên tàu, xe... thậm chí cả trên máy bay... nếu không biết cách sơ cứu, em bé có thể bị mất máu, nhiễm trùng, gây nguy nhiểm đến tính mạng cho cả mẹ lẫn con.

Cụ thể: Mẹ có thể rách tầng sinh môn, băng huyết, nhiễm trùng, choáng váng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng, thậm chí tử vong. Bé có thể bị chấn thương, nhiễm trùng, hạ thân nhiệt do không đủ điều kiện chăm sóc tốt nhất. Biến chứng với em bé có thể gặp là suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiễm trùng máu, các bệnh về hô hấp do không đảm bảo tiệt khuẩn, tử vong…

Mẹ ung thư phải ngồi mổ đẻ để con chào đời: Chỉ nhìn con một lần mẹ mãn nguyện rồi
Sau gần 8 tháng vừa điều trị ung thư vừa mang bầu, chị Liên đã hạ sinh một bé trai nặng 1,5kg trong tư thế phải mổ ngồi khiến nhiều người cảm phục.
Theo Dương Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đẻ rơi