Chuyện đã qua gần 20 năm, nhưng ông Vương Sỹ Cầm (65 tuổi, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) vẫn nhớ như in quãng thời gian ngắn ngủi được làm “đại gia” nhờ trúng 3 tờ vé số độc đắc.
Nói là ngắn ngủi, bởi sau vỏn vẹn 21 ngày “lên đời”, một trận hỏa hoạn xảy ra đã thiêu rụi gần như tất cả số tiền lĩnh giải của ông. Mấy bao tải tiền thưởng chỉ còn lại vỏn vẹn gần 10 triệu đồng, ông đầu tư mua thiết bị bào chế thuốc Nam. Giấc mộng tỷ phú vượt ngoài tầm với, song ông thấy thanh thản khi được dùng số tiền “lộc trời” ít ỏi còn lại để chữa bệnh miễn phí, như một cách trả ơn người đời đã cưu mang khi gia đình ông lâm vào cảnh hoạn nạn.
Từ con số 4 trùng hợp
Thời gian trôi qua, ngôi nhà hai vợ chồng ông bà Cẩm sinh sống trong khu tập thể đã ngả màu. Ngôi nhà hẹp, ngoài không gian sinh hoạt riêng của gia đình, ông dành phần lớn diện tích sử dụng để hành nghề thầy thuốc.
Tiếp chuyện phóng viên, ông cười bảo: “Chú không ngờ tỷ phú nhờ trúng số lại phải sống trong ngôi nhà như thế này phải không?! Số tiền mà tôi trúng số vào ngày ấy, nếu tính ra có thể mua được mấy ngôi nhà to đẹp rồi. Và nếu tôi chữa bệnh mà cũng lấy tiền công từ người nhà bệnh nhân từ trước tới giờ thì tiền thu về còn nhiều hơn số tiền trúng số mấy lần. Vì nghèo túng không có tiền đi viện, họ mới tìm đến mình thì phải chữa cho người ta, tôi chỉ lấy tiền thuốc, còn tiền công thì không, chỉ mong cho người ta sớm khỏi bệnh, mình làm phúc tích đức cho con cháu, lương hưu của tôi cũng đủ cho hai vợ chồng già sinh hoạt hàng ngày. Ngày nhà tôi gặp hoạn nạn, cũng nhờ mọi người cưu mang giúp đỡ. Tôi thấy mình giàu nhất là được mọi người tin tưởng, quý mến đấy”.
Nói về duyên trúng “lộc trời”, ông Cầm cho biết, theo quan niệm của nhiều người, vì cách phát âm gần giống với chữ tử. Nhưng với ông, đó là con số cát tường, đã thay đổi vận mệnh cuộc đời ông và gia đình mình. “Trước khi trúng số, tôi bị người bạn lừa mất 20 cây vàng, đấy là toàn bộ tài sản mà hai vợ chồng đã vất vả lao động dành dụm, tích cóp để lo cho tuổi già sau này và nuôi các con ăn học. Lúc ấy, tiền mặt trong người tôi còn lại đúng 37 nghìn đồng. Cũng chỉ vì xót của, tôi sinh bệnh, lông mày, lông mi, tóc rụng gần hết đến mức bạn bè thân thiết cũng không ai nhận ra. Nhưng đang trong lúc bi đát nhất, tờ vé số đã cứu cánh gia đình tôi”, ông nhớ lại.
Ông Cầm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn khi hành nghề bốc thuốc giúp đời.
Đấy là ngày 20/9/1995, ông Cầm vẫn nhớ như in, có lẽ cuộc đời này ông không thể nào quên. Buổi sáng sớm hôm ấy, ông đón 4 cô giáo học Trường Đại học sư phạm ngoại ngữ tìm đến nhà nhờ xem bệnh. Sau khi bắt mạch, thấy các cô không có bệnh gì, ông biếu mỗi người mọt nắm lá thuốc về đun lấy nước uống. Mấy cô giáo gửi ông tiền công nhưng ông nhất quyết không nhận. Khi ra về, các cô âm thầm đặt lại dưới tờ báo ở trên bàn uống nước 40 nghìn đồng lúc nào mà ông không hề hay biết.
Cũng trong buổi sáng hôm đấy, ông Cầm lại nhận được tin một người thân ở huyện Quốc Oai, (Hà Tây cũ) bị ngã giàn giáo gãy chân nhờ ông về bó thuốc. “Dù cách xa 40 km nhưng tôi cũng không ngần ngại đi xe về chữa bệnh cho chú ấy. Sau khi băng bó và đắp thuốc tổng cộng chi phí mua lá thuốc là 80 nghìn đồng, nhưng bà vợ cứ loanh quanh mãi lục đi lục lại trong nhà cũng chỉ còn duy nhất cả thảy 40 ngìn đòng tiền lẻ. Dù thiếu nửa tiền nhưng lúc đó, tôi vẫn vui vẻ nhận”, ông Cầm kể tiếp. Và tình cờ hơn, khi trên đường về nhà, đi qua khu vực Đại Mỗ, quận Từ Liêm, TP. Hà Nội, ông bất ngờ gặp lại 4 người bạn học cũ. Khoảng 4h chiều ông đi xe về và có rẽ vào một quán nước gần nhà. Khi ông Cầm đang ngồi uống nước thì một ông lão đến quán mời mua vé số.
“Trên tay ông ta còn lại đúng 3 tấm vé số 04, ông liên tục mời hết người này đến người khác mua giúp để ông sớm được về với gia đình. Tuy nhiên, không ai thèm để ý đến, thấy thương ông nên tôi đã ra mua”, ông nói tiếp.
Ông Cầm tâm sự, lúc mua 3 tấm vé, bản thân chỉ muốn giúp cụ bán vé số chứ không thể ngờ lại may mắn trúng giải độc đắc. Ông cười tươi nhớ lại: “7h tối hôm ấy, chương trình quay số trên Đài truyền hình Hà Nội diễn ra nhưng tôi cũng không để ý. Đang lúi húi nấu cơm dưới bếp thì tôi nghe thấy trên tivi nhà tôi nói vọng xuống loáng thoáng tới mấy con số. Nhẩm theo lời của tivi, tôi giật mình khi thấy nó trùng với những số trên tờ vé mà mình mua lúc chiều nay. Bỏ dở việc đang làm, tôi chạy lên nhà ngó xem thế nào thì chương trình quay số kết thúc. Tôi thấp thỏm đợi 15 phút sau trên truyền hình Trung ương phát lại kết quả xổ số và sung sướng khi cả 3 tờ đều giải độc đắc”.
Lúc đó ông Cầm mừng quýnh lên bảo với con trai thông báo cho vợ ông, nhưng cả nhà không ai tin. Mãi sau khi kiểm tra lại thông tin và đối chiếu tấm vé số trên tay mọi người mới sững sờ người ra cười òa sung sướng. “Cả đêm hôm đó, hai vợ chồng tôi không ngủ được vì nghĩ đến một số tiền ngoài sức tưởng tượng lúc bấy giờ. Thú thực, bản thân tôi lúc đó không bao giờ nghĩ mình lại có thể trúng vé số, hơn nữa lại còn trúng giải độc đắc”. Ông Cầm cười hớn hở khi nhớ lại những ngày đầy may mắn.
Đến hỏa hoạn cháy nhà
Vừa bị người ta lừa lấy hết tài sản, giờ đột nhiên nhận được khoản tiền lớn từ “trên trời rơi xuống”, khó có thể tả hết vợ chồng ông hạnh phúc đến mức nào. Ba lá số độc đắc lúc ấy trị giá gần 200 triệu đồng, nhưng khi ông đi lấy giải công ty xổ số trả loại tiền lẻ, nên tính ra đến mấy bao tiền. Việc ông Cầm trúng vé số khiến những người hàng xóm, ai nấy đều trầm trồ hiếu kỳ kéo đến chung vui. Những ngày đầu, người đến chơi. Nhưng ông không ngờ, chỉ sau 21 ngày đổi đời ngắn ngủi, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi tất cả.
Triết lý sống giản đơn Nói về việc trúng số của mình ông Cầm tâm sự: “Giàu có thì đã có số, bản thân tôi cũng không mong muốn gì xa vời, miềm vui đáng quý nhất là nhìn thấy các con mình khó khăn nhưng biết cố gắng vươn lên làm chủ cuộc sống cho riêng mình. Còn tôi, nếu có duyên trúng số nữa tôi sẽ mở một phòng khám để có cơ hội chữa bệnh được cho nhiều người hơn”. |
Ông Cầm cho biết, khi nhận được số tiền trúng giải, ông đã mua ngay một chiếc xe máy cho người con trai đầu mới đậu vào đại học làm phương tiện đi lại. Số tiền còn lại, vợ ông chia ra làm từng bọc nhỏ giấu vào góc kín trong nhà.
Bỗng dưng được một số tiền lớn, ông Cầm bàn với vợ: “Có lẽ nhờ các cụ phù hộ mình mới trúng giải”. Sau đó, hai vợ chồng ông bà đã cầm một ít tiền về quê xây lại mộ cho bố mẹ, ông bà. Trớ trêu thay, cũng đúng ngày ông về quê xây mộ thì nhà ông bị cháy.
“Tôi với vợ và cậu con trai cả về quê, để thằng con út ở lại trông nhà. Nhưng ai ngờ, khi chúng tôi vừa đi khỏi nhà một lúc thì thằng con út bỏ nhà đi chơi điện tử từ sáng tới tối. Lúc đi, cu cậu quên không tắt các thiết bị điện đang sử dụng nên nó bị chập dẫn đến cháy nhà. Nhận được tin báo, hai vợ chồng chúng tôi từ quê vội vàng đi lên nhưng mọi thứ đều đã thành tro bụi”, ông Cầm cho biết, lúc hỏa hoạn xảy ra, con trai út may mắn không có nhà, nếu không thì cũng lành ít dữ nhiều.
“Số tiền trúng số cũng bị cháy chỉ còn sót lại đúng 10 triệu đồng. Toàn bộ đồ đạc lá thuốc, giường tủ, quần áo đều bị lửa thiêu rụi. Bỗng chốc trong nhà chẳng còn thứ gì đáng giá ngoài những quần áo đang mặc trên người”, từ vị thế một “đại gia”, ông Cầm lại tay trắng. Nhưng đúng lúc rơi vào cảnh khó khăn hoạn nạn ấy, ông đã nhận được sự giúp đỡ từ chính những người đã từng được ông chữa bệnh miễn phí. Những người mà tôi chẳng nhớ mặt nhớ tên, khi biết tôi bị cháy nhà đã tìm đến góp tiền, góp công sức sửa nhà cho mình, ông thấy sống mũi cay cay, giọt nước chực chờ nơi khóe mắt.
Từ đấy, ông thấy mình nợ, một món nợ ân tình với những con người ấy. 10 triệu đồng trúng số còn lại, ông đã đầu tư mua máy thái, máy nghiền, tán thuốc và máy ve những viên hoàn đơn để chữa bệnh miễn phí cứu người. Đến giờ, bà con nơi ông Cầm sinh sống vẫn truyền tai nhau chuyện ông được lộc trời, trúng liền 3 tờ độc đắc. Nhưng khi kể về người đàn ông này, bà con thường nói bằng một sự kính trọng đặc biệt với hai từ lương y.