0h35 ngày 13/10, dù đã hết giờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng cánh cổng Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông bất ngờ được mở ra vì có hàng trăm người dân khóc nức nở, tha thiết xin vào viếng Đại tướng.
7h30 sáng nay (12/10/2013), Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo dài đến 21h tối nay (12/10). |
*Tiếp tục cập nhật
1h ngày 13/10 tại Hà Nội: cánh cổng nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông đã khép lại, kết thúc lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
1h30 ngày 13/10, tại TP.HCM, dòng người vẫn đổ về Hội trường Thống nhất viếng Đại tướng. BTC Lễ tang tại TP.HCM quyết định sẽ tiếp tục mở cửa đón người dân cuối cùng đến viếng Đại tướng.
Người dân TP.HCM vẫn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù đã 1h30 sáng
0h35 ngày 13/10, mặc dù cổng Nhà tang lễ, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã đóng lại, nhưng vẫn có hàng trăm người xếp hàng. Nhiều người khóc nức nở xin được vào viếng Đại tướng. BTC đã đồng ý mở cửa thêm thời gian cho đoàn người được vào viếng Đại tướng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải (phường Tiền Phong – Thái Bình) nói, nếu đêm nay không được vào viếng Đại tướng, bà sẽ ngồi trước cổng Nhà tang lễ đến sáng.
Dù đã hết giờ viếng, cổng Nhà tang lễ đóng lại, nhưng vẫn có hàng trăm người xếp hàng chờ được vào viếng Đại tướng.
BTC quyết định mở cửa thêm thời gian cho đoàn người vào viếng lúc 0h30 ngày 13/10.
24h00 (12/10), tại Hà Nội: Là người cuối cùng được vào viếng Đại tướng, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Đỉnh ở quận 1, TP.HCM cho hay, anh chị bay từ TP.HCM ra Hà Nội từ đầu giờ chiều. Đến 16h chiều, hai vợ chồng bắt đầu xếp hàng vào viếng Đại tướng. Gần tối khi nghe thông tin Nhà tang lễ đóng cửa vào 21h, vợ chồng anh Đỉnh đã bật khóc.
“Sự ra đi của Đại tướng khiến chúng tôi vô cùng đau xót. Đại tướng vị là anh hùng dân tộc, chúng tôi rất muốn được vào viếng để tỏ lòng thành kính đối với Người”, anh Đỉnh xúc động nói. Trước khi bay ra Hà Nội, vợ chồng anh Đỉnh đã viếng Đại tướng tại TP.Hồ Chí Minh.
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Đỉnh bay từ TP.HCM ra Hà Nội viếng Đại tướng
Đến hơn 24h, tại TP.HCM vẫn còn lác đác một số người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhiều người dân TP.HCM vẫn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù đã là 12h khuya
BTC Lễ viếng Đại tướng tại TP.HCM sẽ mở cửa để đón tới người dân cuối cùng
23h25: Đoàn thanh niên tình nguyện là đoàn cuối cùng vào viếng Đại tướng. Cánh cổng Nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội đang dần khép lại.
Các chốt trên đường: Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư đã đóng lại. Nhiều người dân đứng ở chốt và nhìn vào trong Nhà tang lễ với ánh mắt tiếc nuối vì không được vào viếng Đại tướng.
Cánh cổng Nhà tang lễ đang dần khép lại
Đoàn thanh niên tình nguyện là đoàn cuối cùng vào viếng Đại tướng
23h25: Tại TP.HCM, đã có 773 đoàn (trong đó có 94 đoàn Trung ương, 44 đoàn tỉnh, 27 đoàn ngoại giao, 58 đoàn tôn giáo – hiệp hội – đoàn thể và 550 đoàn thành phố) đến dự lễ viếng Đại tướng với hơn 78 nghìn người.
Những người lính phụ trách Lễ tang tại TP.HCM viếng vong linh người anh hùng dân tộc
23h00: BTC Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo, đến 24h00 hôm nay (12/10) chính thức dừng viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ. Lực lượng an ninh, quân đội đang ngăn dòng người từ các con phố dẫn vào Nhà tang lễ.
22h30: Tại Quảng Bình, nơi viếng Đại tướng tại trụ sở UBND tỉnh đã khép cửa chính, không còn khách đến viếng. Chương trình Lễ truy điệu Đại tướng được bắt đầu từ 7 giờ, ngày 13/10.
Tại TPHCM, người dân vẫn tiếp tục vào viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Do số lượng người đến viếng vẫn còn, BTC lễ tang Tp.HCM đã quyết định sẽ tiếp tục mở cửa đến người dân cuối cùng mới ngừng.
Người nước ngoài cùng hòa vào dòng người đến viếng Đại Tướng
10h22: Tại nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội, lượng người đổ về vẫn không ngừng.
Bà Trần Quế Phượng, 84 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội đến viếng Đại tướng. Sức khỏe yếu nên bà Phượng được thanh niên tình nguyện ưu tiên đưa vào trong nhà tang lễ viếng Đại tướng.
Chị Hương, quê ở Hà Nam đến viếng Đại tướng từ trưa. Khi được vào viếng vị tướng tài ba chị hương đã không khỏi xúc động. Chị nói: “Đại tướng là vị tướng tài ba lỗi lạc của dân tộc. Đại tướng mất tôi rất đau buồn. Ước muốn của tôi là muốn vào nhà tang lễ vái lậy người để tỏ lòng thành kính”.
21h30: Tại Hà Nội, vì người dân vẫn tập trung rất đông trước cổng Nhà tang lễ nên BTC đang xem xét phương án cho người dân vào viếng Đại tướng xuyên đêm, đến trước 6h sáng mai (13/10).
Hơn 21h, dòng người vẫn qua cổng nhà tang lễ vào viếng
21h15: Tại Quảng Bình, đã có hàng ngàn đoàn đến viếng Đại tướng, ước tính vào khoảng hơn 10.000 người. Theo ban tổ chức, theo dự định mở cửa đến 21h, tuy nhiên, vẫn còn người dân đến viếng Đại tướng nên ban tổ chức tiếp tục đón tiếp.
Bà Nguyễn Thị Ca (áo tím 81 tuổi), ở Tuyên Hóa, Quảng Bình đến viếng Đại tướng lúc 21h15, ngày 12/10.
21h: Tại TPHCM, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP.HCM đã đón 773 đoàn (trong đó có 94 đoàn Trung ương, 44 đoàn tỉnh, 27 đoàn ngoại giao, 58 đoàn tôn giáo – hiệp hội – đoàn thể và 550 đoàn thành phố) tới viếng với hơn 76 lượt người (trong đó có hơn 39 ngàn lượt người dân và 25 người nước ngoài).
Người dân TP.HCM vẫn đang tiếp nối nhau vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
20h50: Mặc dù chỉ còn 10 phút nữa là hết giờ viếng, nhưng dòng người vẫn nườm nượp đổ về Nhà tang lễ. Người dân xếp hàng kéo dài gần 2km, từ các tuyến phố Lê Quý Đôn qua Trần Khánh Dư, qua Nguyễn Huy Tự đến Nhà tang lễ.
Mặc dù chỉ còn 10 phút nữa là hết giờ viếng, nhưng dòng người vẫn nườm nượp đổ về Nhà tang lễ.
19h30, dòng người vẫn tiếp tục đổ về Nhà tang lễ (số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội) viếng Đại tướng. Người dân xếp thành 3 hàng khá ngay ngắn, đảm bảo trật tự.
Dòng người xếp hàng chờ viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ
Tính đến 18h30 ngày 12/10, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP.HCM đã tiếp đón 742 đoàn (trong đó có 91 đoàn Trung ương, 42 đoàn từ các tỉnh, 25 đoàn ngoại giao, 1 đoàn tôn giáo và 588 đoàn TP) đến viếng, với hơn 68.000 lượt người (trong đó có hơn 33.000 người dân).
18h30, trời dần tối, số người đến viếng Đại tướng tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình cũng thưa dần. Những người đến viếng xong cũng lần lượt ra về, chỉ còn số ít những người chưa kịp viếng Đại tướng tiếp tục xếp hàng. Thành phố Đồng Hới vắng vẻ và lặng lẽ hơn mọi ngày.
Dòng người thưa dần trước cổng UBND tỉnh Quảng Bình - nơi viếng Đại tướng
Đến 17h, đã có hơn 65.000 lượt người thuộc hơn 600 đoàn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạiHội trường Thống nhất TP.HCM.
Những dòng lưu bút đầy xúc động trong sổ tang Đại tướng
Nước mắt lã chã rơi khi viết những dòng tiễn biệt Đại tướng
Gần 16h, tại Hà Nội và TPHCM, số lượng người đến dự lễ viếng Đại Tướng tại Hội Trường Thống Nhất TPHCM, ngày một nhiều. Lực lượng cảnh sát giao thông, dân quân tự vệ và thanh niên tình nguyện phải làm việc rất vất vả mới có thể tạm điều tiết, giúp giao thông tại những khu vực này được thông thoáng.
Dòng người xếp hàng dài hướng về Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Nhân Tông, Hà Nội)
Người dân bước chân vào Nhà tang lễ Quốc gia
Sau cơn mưa, chiều nay, trời Quảng Bình nắng gắt, nhưng dòng người dài xếp hàng như quên đi cái nắng miền Trung, chờ viếng người con ưu tú của quê hương.
Xếp hàng chờ viếng Đại tướng dưới trời nắng gắt
Bên trong, các đoàn tiếp tục lễ viếng. Những hình ảnh cựu chiến binh trong lễ tang khiến bất cứ ai có mặt đều xúc động. Bà Trần Thị Hường (Chủ tịch Hội thanh niên xung phong TP Đông Hà, Quảng Trị) không nói được gì ngoài câu “Tôi rất tiếc thương Đại tướng”, rồi bà khóc nức nở.
14h30: Tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), lượng người xếp hàng đợi vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lúc một đông. Dòng người kéo dài hơn 1km, dọc theo phố Tăng Bạt Hổ. Đến viếng Đại tướng không chỉ có các cựu chiến binh, người cao tuổi... mà còn còn có cả trẻ em. Nhiều em còn cầm theo di ảnh của Đại tướng khiến nhiều người xúc động.
Chị Nguyễn Thúy Ngần (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) đưa cậu con trai Nguyễn Tiến Trung Kiên 8 tuổi đang học đến viếng Đại tướng cho biết: "Sáng nay, cháu đi học nên chiều nay mới đến viếng được. Tôi mong muốn khi đưa cháu đến đây sẽ giúp con hiểu và khắc ghi công lao của Đại tướng".
Trung tướng Nguyễn Ân (nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 - đơn vị đầu tiên tiến thẳng vào Dinh Độc Lập ngày 30/4 lịch sử) đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đoàn cựu chiến binh 3 chiến dịch lịch sử ( (Điện Biên phủ 1954, Mặt trận đường 9-Quảng Trị tháng 7/1972, Điện Biên phủ trên không tháng 12-1972)
13h30, BTC Lễ Quốc tang tại TPHCM đang xếp thêm nhiều bàn để người dân ghi sổ tang.
12h30, tại Hà Nội, dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng vẫn tiếp tục nối dài.
11h50: Tại Quảng Bình, càng về trưa, mưa ngớt, trời hửng nắng, người dân xếp thành hàng dài chờ vào viếng người con thân yêu của quê hương. Bên trong Hội trường, các đoàn từ cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, nhân dân, học sinh... tiếp tục làm lễ viếng.
Cụ Quế Thị Nhung 79 tuổi, ở xã Yên Thành, tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình từ 3h sáng chờ viếng Đại tướng.
Cụ tâm sự, trong đời có 3 người cụ cảm phục nhất là: Bác Hồ, Bác Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Đến hôm nay, người cuối cùng trong số 3 người ấy đã ra đi. Vừa nói, mắt bà nhòa lệ, rồi bà khóc nức nở. Bà mong ước được vào tận nhà Tướng Giáp ở An Xá, Lệ Thủy nhưng từ Nghệ An vào, không biết đường, lại mưa to.
Người nhà của Đại tướng ở Quảng Bình đến tiễn đưa người cha chú về cõi vĩnh hằng
Cụ Quế Thị Nhung (79 tuổi) ở xã Yên Thành, tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình viếng Đại tướng từ 3h sáng
11h00: Những người dân đầu tiên đang xếp hàng đợi vào viếng Đại tướng.
Những người dân đầu tiên vào viếng Đại tướng
Bà Bùi Thị Linh, 82 tuổi, từng là cán bộ tuyên huấn huyện đoàn phụ nữ cứu quốc huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Tôi cùng cháu tới nhà tang lễ từ 7h. Khi biết mình là một trong những người dân đầu tiên được vào viếng Đại tướng, tôi rất xúc động. Tôi chưa từng được gặp Đại tướng nhưng biết về Đại tướng qua chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi rất kính trọng đại tướng. Dù Đại tướng đã mất nhưng hình ảnh của Người vẫn mãi trong tim chúng tôi”.
Có mặt tại nhà tang lễ, bà Trần Thị Luận, 84 tuổi (ở Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) không kìm được nước mắt . Bà cho biết: “Năm 16 tuổi, tôi là thanh niên xung phong ở Điện Biên Phủ. Khi chúng tôi đang đào hầm thì Đại tướng đến động viên. Hình ảnh đó khiến chúng tôi xúc động đến mãi bây giờ”.
10h40: Tại TP.HCM, không chỉ người dân Thành phố mà cả những tỉnh lân cận cũng đã tới viếng Đại tướng. Dòng người xếp hàng dài cả gần cây số chờ được vào viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM.
Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng tại TP.HCM
Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân thắp hương viếng Đại tướng
10h8, đoàn đại biểu các nước đã đến viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội)
Đoàn đại biểu cấp cao nhà nước quân đội nhân dân Lào, do Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào dẫn đầu
Đoàn đại biểu Campuchia vào viếng Đại tướng
9h55, tại Quảng Bình, mưa mỗi lúc một nặng hạt, dòng người đổ về nơi viếng Đại tướng ngày càng đông. Thành phố Đồng Hới tĩnh lặng hơn thường lệ, mọi hoạt động như ngừng lại, người dân hướng về trụ sở UBND tỉnh nơi diễn ra lễ viếng Đại tướng – người con quê hương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình xúc động rơi nước mắt khóc khi ghi vào sổ tang khi viếng Đại tướng.
Phía ngoài cổng UBND tỉnh, hai hàng học sinh đội mưa cầm di ảnh Đại tướng. Các em tâm sự, chưa bao giờ tận mắt thấy Đại tướng về quê, lần đầu đón Đại tướng cũng là lần Đại tướng mãi ra đi.
Dòng người đội mưa chờ viếng tại UBND tỉnh Quảng Bình
Các em học sinh mặc áo mưa cầm di ảnh Đại tướng.
Cụ Đào Vĩnh Tâm, đến từ Bảo Ninh, Đồng Hới xếp hàng từ 6h sáng chờ viếng Đại tướng. Cảm động hơn khi một phần thân thể ông đã để lại chiến trường, đi lại khó khăn, trời mưa rét, ông vẫn đến xếp hàng.
Cụ chia sẻ: “Tôi rất đau lòng, quân đội mất đi người anh cả, xuất sắc và lỗi lạc. Tôi đến đây để được thắp nén nhang thơm kính viếng hương hồn Đại tướng kính yêu”.
Cụ Đào Vĩnh Tâm, đến từ Bảo Ninh, Đồng Hới mặc dù đi lại khó khăn do một phần thân thể để lại chiến trường nhưng vẫn tới từ 6h sáng.
9h10, bên ngoài Nhà tang lễ (số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội), một không khí xúc động, nghẹn ngào bao trùm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Đoan (Thành phố Vinh - Nghệ An) vượt qua hàng trăm km, đi xe ô tô từ 22h đêm để kịp có mặt tại Hà Nội từ sáng sớm. Khi đặt chân đến nhà tang lễ Quốc gia, cảm xúc trong ông không biết nói gì hơn ngoài sự xúc động và cảm xúc nghẹn ngào.
Ông Đoan cho biết: "Ông tham gia quân đội từ năm 1954-1976, vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường. Hình ảnh vị Đại tướng đã theo tôi trên từng trận đánh. Đã ngoài 70 tuổi, được đến đây đã là may mắn với tôi. 15h chiều mới được vào viếng, tôi vẫn sẽ đợi để được viếng Đại tướng lần cuối cùng".
Ông Đoan (Thành phố Vinh - Nghệ An) vượt qua hàng trăm km, đi xe ô tô từ 22h đêm để kịp có mặt tại Hà Nội từ sáng sớm.
Còn ông Hoàng Văn Quỳnh (Chương Mỹ - Hà Nội) ngồi trầm ngâm nhớ lại những kỷ niệm trong lần được gặp Đại tướng. Theo lời bác Quỳnh, cách đây khoảng 10 năm, người đồng đội cũ từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ có nguyện vọng một lần được gặp Đại tướng, rất may mắn là không lâu sau đó, ước mong này đã trở thành hiện thực. Từ khi còn rất nhỏ, ông Quỳnh và bạn bè cũng đã được nghe rất nhiều về tấm gương của Đại tướng, từng tham gia chiến trường Tây Nguyên và phục vụ trong quân đội giai đoạn (1970-1978), hình ảnh quyết đoán của Đại tướng khiến ông nhớ mãi.
"Trong lần gặp duy nhất ở số nhà 30 Hoàng Diệu cách đây 10 năm, Đại tướng tay bắt mặt mừng, điềm đạm. Trong tôi luôn nhớ sự chan hòa, gần gũi, hết lòng vì đất nước của Người. Tôi còn nhớ Đại tướng nói bây giờ hòa bình rồi, trở về nhà chăm lo tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Mỗi khi nhớ lại hình ảnh cuộc gặp hôm đó, lòng tôi có cảm xúc rất khó tả, thật đáng trân trọng", ông Quỳnh nhớ lại.
Bác Quỳnh (Chương Mỹ - Hà Nội) trầm ngâm nhớ lại những kỷ niệm trong lần được gặp Đại tướng.
Có mặt trước nhà tang lễ Quốc gia, vợ chồng ông Cung Đình Cảo (Phố Võ Thị Sáu - Hà Nội) nghẹn ngào không nói nên lời. Ông Cảo tâm sự: "Tôi đã từng được gặp Đại tướng khá nhiều lần, Người là tấm gương về đạo đức và sự giản dị. Tôi mong muốn con cháu sẽ tiếp tục học tập tấm gương của Đại tướng".
Một màn hình LED khá lớn đã được dựng lên trước khu vực nhà tang lễ Quốc gia để truyền trực tiếp những hình ảnh bên trong cho nhân dân theo dõi. Mỗi người một miền quê nhưng trên gương mặt đều đỏ hoe, ngấn lệ. Hình ảnh lễ viếng trong tiếng nhạc trầm buồn khiến không khí xúc động bao trùm.
Bác Duyệt và chị Minh Châu không cầm được nước mắt
Cô Đinh Thị Duyệt (Tăng Bạt Hổ - Hà Nội) và Chị Nguyễn Minh Châu (Long Biên - Hà Nội) không quen biết nhau từ trước, nhưng khi ngồi trên ghế đá cạnh nhau cũng không cầm được nước mắt. Trong sự xúc động, thương tiếc Đại tướng, người Việt Nam xích lại gần nhau, nắm tay để vượt qua sự mất mát lớn lao này.
Chị Minh Châu nói: "Từ 5h sáng, tôi đã đến trước số nhà 30 - phố Hoàng Diệu để lắng lòng một chút nữa, dù đã đến viếng cách đây mấy hôm. Tôi là thế hệ trẻ thấy rất tự hào về sự liêm khiết, sống giản dị của Đại tướng".
9h32: Đoàn Tổng Cục chính trị vào viếng.
9h23: Đoàn Bộ tổng tham mưu vào viếng Đại tướng
Video các cơ quan, đoàn thể vào viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ
Trong thời gian này, tại tỉnh Quảng Bình, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng diễn ra tại UBND tỉnh.
Đoàn đại biểu Quốc hội- Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình vào viếng
Đoàn viếng huyện Lệ Thủy, quê hương Đại tướng
Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị làm Lễ viếng
Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình vào viếng Đại tướng
9h8: Đoàn tùy viên quân sự các nước vào viếng Đại tướng.
8h43: Đồng Chí Lê Thanh Hải, dẫn đầu đoàn Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn đầu Đoàn Đại biểu thành ủy HĐND, UBND Mặt trận Tổ quốc TP.HCM vào viếng Đại tướng.
8h36: Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam dẫn đầu Đoàn Đại Biểu Hội Cựu chiến binh Việt Nam vào viếng Đại tướng
8h34: Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn đầu Đoàn Đại biểu thành ủy HĐND, UBND Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội vào viếng Đại tướng.
8h24: Ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội vào viếng Đại tướng
8h10: Đoàn các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh vào viếng Đại tướng.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào viếng Đại tướng
8h02: Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu vào viếng.
7h49: Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào viếng. Dẫn đầu đoàn là ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
7h43: Đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu vào viếng.
Đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu vào viếng.
7h35: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào viếng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đoàn vào viếng Đại tướng
7h30: Tại Quảng Bình, quê hương Đại tướng, lễ viếng được tổ chức tại Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ông Lương Ngọc Bính, bí thư tỉnh ủy, dẫn đầu đoàn đại biểu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào viếng Đại tướng.
Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình do ông Lương Ngọc Bính dẫn đầu vào viếng Đại tướng.
Tiếp sau là Đoàn đại biểu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
Tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, quê nhà của Tướng Giáp, đúng 7h30 Ông Phạm Hữu Thảo, Huyện ủy viên, Phó chủ tịch huyện Lệ Thủy, Trưởng ban tổ chức lễ tang tại nhà lưu niệm Đại tướng, dẫn đầu đoàn Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Huyện Lệ Thủy vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn đã dành một phút mạc niệm.
7h29: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vào viếng.
7h23: Đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Lễ viếng
Giáo sư Vũ Khiêu cũng có mặt tại lễ viếng
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có mặt chuẩn bị thắp hương cho Đại tướng
7h17, Ban tổ chức đọc danh sách các đoàn vào viếng Đại tướng trong sáng nay.
Người nhà Đại tướng đeo băng tang trước giờ lễ viếng
Ban tổ chức Lễ tang vào viếng Đại tướng
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban tổ chức Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn viếng
Tại Quảng Bình
7h00: tại Quảng Bình, quê hương Đại tướng, các cơ quan ban ngành trong tỉnh đã có mặt đông đủ để chuẩn bị cho lễ viếng.
Sáng nay, Quảng Bình lại có mưa nhưng người dân vẫn có mặt tại UBND tỉnh để viếng Đại tướng.
Bên trong UBND, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, các nghi lễ quân đội đã sẵn sàng cho lễ viếng.
Đoàn viếng của Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình mang đang đợi vào viếng Đại tướng
6h00, thân nhân Đại tướng đã có mặt tại nhà tang lễ. Nhiều người dân đã tập trung ven đường, lực lượng quân đội, cảnh sát giao thông, đoàn thanh niên đã được huy động thêm. Cánh cổng nhà tang lễ được mở.
6h00, thân nhân Đại tướng đến nhà tang lễ
5h00, công an, quân đội, thanh niên tình nguyện được hỗ trợ thêm. Phía trước cổng nhà tang lễ, các chiến sĩ quân đội đứng thành hàng ở hai bên. Người dân đã bắt đầu đến nhà tang lễ. Trên các tuyến phố lân cận, các phương tiện vẫn được lưu thông qua lại.
4h30, quân đội được tăng cường hỗ trợ an ninh lễ viếng. Phía bên trong nhà tang lễ, công nhân đã dọn vệ sinh sạch sẽ, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng.
Mặc dù 7h30 sáng nay (12/10), Lễ viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp mới chính thức bắt đầu, nhưng ngay từ sáng sớm, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ viếng đã được hoàn tất.
Cô Thủy (Nghệ An) và ông Nguyễn Khắc Phúc (Hà Nội) đến viếng hương hồn Đại tướng
Bên trong Nhà tang lễ
Đoàn xe hoa quân đội được chuẩn bị cho lễ viếng.
4h15 phút, lực lương an ninh được huy động, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại Lễ viếng Đại tướng.
Đội thanh niên tình nguyện bắt đầu xếp hàng để đảm bảo trật tự
Đội quân nhạc sẵn sàng cho lễ viếng
Đoàn thanh niên tỉnh Quảng Bình cầm di ảnh đứng trước Ủy ban nhân dân tỉnh
*Tiếp tục cập nhật