Hiện các phi công xin nghỉ việc chưa được xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác. Vì vậy, nếu họ xin sang hãng bay khác cũng "tạm thời" không được bay.
Liên quan đến sự việc nhiều phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc chuyển sang hãng khác, mới đây, Đoàn bay 919 đã có thông báo bằng giấy mời đối với toàn thể phi công, cán bộ công nhân viên đến tham dự buổi phổ biến lương mới vào sáng 15/1 ở phía Bắc và 14/1 ở phía Nam.
Cụ thể nội dung cuộc gặp là "buổi phổ biến chế độ lương mới đối với phi công từ 1/1/2015 và triển khai nghị quyết năm 2015 của Đảng ủy Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 2015 của Đảng ủy Đoàn bay 919".
Hiện nay, các phi công tạm thời chưa được xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác. Ảnh minh họa.
Chưa chuyển việc được
Trả lời Khám Phá, một phi công của VNA cho biết, thực tế cuộc họp này chỉ là một chiều, để lãnh đạo VNA phổ biến chế độ, chứ không có cuộc họp thỏa thuận nào. Thông tin về chế độ lương năm 2015 đều đã được hãng bay thông báo.
Người này cung cấp cho chúng tôi văn bản bảng lương của hãng. Cụ thể, theo khung mức tiền lương cơ bản kèm thông báo ngày 8/1 vừa qua, đối với phi công lái tàu bay Boeing777, 787 hoặc Airbus A330, 350, người lái chính bậc 3 nhận lương cơ bản 102 triệu đồng/tháng.
Tương tự, giáo viên lý thuyết nhận 70 triệu đồng/tháng. Lái phụ bậc 4 nhận 66 triệu đồng/tháng. Đây là lương trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, phi công này đưa ra bảng lương của một phi công người Việt cùng cấp bậc ở hãng bay khác trong nước cao gấp rưỡi.
Cũng theo phi công này, hiện có khoảng 10 người đã xin nghỉ việc ở Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, mới đây Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý và đảm bảo nguồn nhân lực của VNA.
Theo Chỉ thị, hiện tượng nhiều nhân viên hàng không kỹ thuật cao (phi công, điều hành khai thác bay, nhân viên kỹ thuật tàu bay) của VNA tác động trực tiếp đến việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Hãng hàng không quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và làm lực lượng dự bị cho quốc phòng - an ninh quốc gia được Đảng và Nhà nước giao, cũng như uy hiếp an toàn khai thác tàu bay.
Một trong những yêu cầu của Bộ trưởng GTVT là VNA phải rà soát, điều chỉnh chế độ tiền lương để tăng thu nhập của lực lượng lao động kỹ thuật cao một cách hợp lý và những chế độ đãi ngộ khác. Việc này phải hoàn thành trong quý I/2015.
Còn trong các yêu cầu đối với Cục Hàng không, Bộ trưởng yêu cầu "tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lực lượng lao động kỹ thuật cao của VNA".
“Sang hãng khác cũng không được bay”
Với chỉ thị này, theo một người làm việc trong lĩnh vực hàng không, dù các phi công này được hãng hàng không khác đồng ý nhận vào làm việc, họ vẫn không được Cục Hàng không chấp thuận cho chuyển sang.
Một phi công cho biết, một phi công lâu năm thường có rất nhiều văn bằng chứng chỉ về tay nghề, kinh nghiệm, giờ bay,... trong đó có bằng lái.
Tuy nhiên, bằng lái máy bay không sử dụng rộng rãi như bằng lái ô tô, xe máy. Bằng lái ô tô có thể sử dụng được ở mọi nơi.
Nhưng đối với bằng lái máy bay, khi ở VNA, phi công chỉ sử dụng cho VNA. Muốn lái cho hãng hàng không khác, phi công phải được Cục Hàng không chấp thuận cho đổi bằng mới sử dụng được.
Ngoài ra, nếu không được chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác, các giấy tờ, chính sách, chế độ của phi công cũng không được chuyển sang cơ quan mới.
Một vị luật sư cho rằng, nếu các phi công này đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với VNA theo hợp đồng lao động, "không chấp thuận không chuyển đổi nhà khai thác" đối với họ là vi phạm quy định của Bộ Luật lao động.
Tuy nhiên trả lời chúng tôi, TS. Lê Hồng Sơn cho biết, trong chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ yêu cầu "tạm thời chưa xem xét" nên chưa bị coi là trái quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo ông Sơn, đây chỉ là chỉ đạo mang tính tạm thời của Bộ GTVT trong thời gian VNA rà soát, điều chỉnh chế độ tiền lương với phi công.
"Nếu sau đó, hai bên đều thống nhất chế độ thì đó là điều tốt" - ông Cục trưởng nói.
Theo TS Lê Hồng Sơn, nếu về lâu dài, Cục Hàng không vẫn "không chấp thuận" thì mới trái luật.