Khổ vì con học hè cách nhật

Ngày 20/08/2014 15:03 PM (GMT+7)

Từ đầu tháng 8, hầu hết các trường tiểu học ở Hà Nội đã tổ chức học hè với thời khóa biểu học cách nhật, trường có bán trú, trường không… khiến các bậc phụ huynh đảo lộn công việc vì đưa, đón, trông con.

Trốn việc để đón con

Gần ba tuần nay, cứ ba ngày đầu tuần, khi đồng hồ điểm 10h30, chị Nguyễn Thùy Linh (trú tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) lại “mắt trước, mắt sau” rình lúc sếp không để ý để trốn về đón con. Con gái lớn nhà chị học lớp bốn, Trường Tiểu học Nam Thành Công đã học hè từ đầu tháng 8, nhưng chỉ học ba buổi sáng đầu tuần (từ 8h - 11h). Trường thì gần nhà, nhưng lại cách chỗ chị làm đến gần chục cây số. Thế nên, việc đón con trở thành đề tài “nóng” hàng ngày của gia đình chị. Chị Linh than thở, có hôm trốn đi đón con thả về nhà, rồi vội hộc tốc lao đến cơ quan đã thấy hàng chục cuộc gọi nhỡ của sếp. Những hôm bận quá, lúc đến trường đón được con thì đồng hồ đã chỉ 12h trưa, nhìn con mồ hôi chảy đẫm áo vì đợi mẹ giữa trưa nắng mà xót đứt ruột.   

Tương tự, anh Ngọc Anh (trú tại Lạc Trung, Hai Bà Trưng) có cậu con trai đang học lớp một, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cũng “điên cái đầu” vì chuyện học hè của con. Tháng 6, 7 - con nghỉ hè, anh gửi thẳng về quê cho ông bà nội. Từ đầu tháng 8, cách nhật tuần ba buổi, cậu con trai anh Ngọc Anh học hè ở trường từ 14h - 17h. Do bé mới 6 tuổi ở nhà một mình, nên anh Ngọc Anh và vợ đi làm cũng lo nơm nớp, ngày nào cũng thi nhau điện hàng chục cuộc cho con. Tranh thủ nghỉ trưa, anh Ngọc Anh lộn 12 cây số từ cơ quan về nhà cho con ăn rồi đưa con đi học. 14h con mới vào lớp, trong khi 13h30 anh phải có mặt ở cơ quan, nên đành thả con tới trường từ 13h, chấp nhận cho con “chơi tự do trong nắng” cả tiếng đồng hồ.

Khổ vì con học hè cách nhật - 1

Tất tả đón con, đón cháu giờ tan học (chụp trước cổng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Hà Nội)

“Mình chỉ mong những ngày kinh hoàng vì con học hè thế này sớm chấm dứt, chứ để con lang thang, một mình ở Hà Nội thật nguy hiểm, mà bố mẹ cũng sụt giảm hiệu quả công việc”, anh Ngọc Anh phân trần.

Loạn học hè “tự nguyện”

Học hè cách nhật là không cần thiết

“Trước kia, rất hiếm trường tổ chức học hè cả tháng thế này, mà chủ yếu chỉ tập trung trẻ trước ngày tựu trường vài buổi để ổn định nền nếp. Tôi thấy thực tế hiện nay, hầu hết các gia đình đều có ý thức luyện tập cho con trong dịp hè. Vì vậy không cần thiết phải tổ chức học hè “tự nguyện” thế này, nhất là khi việc học gây nhiều ảnh hưởng tới các gia đình học sinh”.

Bà Thu Nguyệt, cựu giáo viên  Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân

Tại Hà Nội, dù mới đầu tháng 8, nhưng hầu hết các trường đã cho học sinh tập trung đi học bán trú, hoặc không bán trú theo hình thức cách nhật. Trước khi học sinh học hè, các bậc cha mẹ đều được nhà trường phát phiếu để ký cam kết “tự nguyện cho con học hè”. Chị Thùy Linh cho hay, học phí 600.000 đồng/học sinh trong một tháng hè không phải là chuyện đáng bàn, nhưng hầu hết phụ huynh đều khó khăn khi bố trí đưa đón con học hè mà vẫn phải ký vào đơn cam kết tự nguyện học hè bởi… “ai cũng học hết, mình không cho con học sợ cô giáo phật ý, hơn nữa cả trường đi học mà con mình học chậm cả tháng lỡ hổng kiến thức thì sao”. (!?)

Theo lý giải của các giáo viên tiểu học, việc cho các con tập trung học sớm là nhằm “rèn lại nền nếp và hệ thống kiến thức cho trẻ sau hai tháng thoải mái nghỉ hè”. Cũng đồng tình với mục đích của các cô giáo nhưng anh Ngọc Anh góp ý: “Nếu nhà trường tổ chức chu đáo cả bán trú cho các con, thậm chí tổ chức bán trú cả tuần thì gia đình cũng yên tâm hơn khi cho con đi học. Nếu thấy rằng học hè chỉ là khởi động với hơn chục buổi là đủ, thì có thể lùi thời hạn nhập học xuống cuối tháng 8, đầu tháng 9 để các con học tập trung như chính thức trước 1-2 tuần. Như vậy, vừa đảm bảo đúng mục đích của nhà trường lại vừa giúp các gia đình ít bị xáo trộn vì lịch học của con”.

Theo Vũ Anh (Giaothongvantai.com.vn)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot