Khốn đốn vì bị app cho vay nặng lãi lừa, người phụ nữ kêu cứu và bài học cảnh tỉnh

K.T - Ngày 29/09/2021 16:25 PM (GMT+7)

Đúng lúc rơi vào tình trạng bí tiền do dịch bệnh COVID-19, lại không muốn phiền người thân nên chị N “liều mình” tải app cho vay về điện thoại và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và cho phép nó truy cập vào danh bạ.

Khốn đốn vì bị app cho vay nặng lãi lừa, người phụ nữ kêu cứu và bài học cảnh tỉnh - 1

Cách đây 3 tháng, chị N (35 tuổi, Hưng Yên) vô tình thấy hàng loạt quảng cáo cho vay với lãi suất thấp trên Facebook cá nhân. Sau đó chị nhận được tin nhắn gửi đường link của app cho vay tiền online: Siêu Đồng, Vayhome gửi qua tin nhắn điện thoại với lời mời tham gia.

Đúng lúc rơi vào tình trạng bí tiền do dịch bệnh COVID-19, lại không muốn phiền người thân nên chị “liều mình” tải app trên về điện thoại và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và cho phép nó truy cập vào danh bạ. “Do mình không muốn làm phiền đến ai rồi nghĩ đơn giản vẫn kiếm tiền mỗi ngày nên vay 8.000.000 đồng thì sẽ sớm trả được nợ. Ngờ đâu mình bị chúng co kéo kinh khủng, không thể thoát ra được”, chị N cho hay.

Cũng theo chị N, app cho vay ghi rõ điều khoản lãi suất thấp nhưng phí dịch vụ cao, ví dụ lãi 50.000 đồng, phí kèm theo độ 1.500.000 đồng. Song chị không hỏi rõ cụ thể ra sao nên quyết định vay 8.000.000 đồng và chỉ sau 7 ngày cả gốc lẫn lãi lên tới 14.800.000 đồng.

“Đến ngày thứ 7, chúng cho người gọi điện thoại liên tục nhằm đe dọa, khủng bố tinh thần mình dữ lắm. Lúc ấy, mình không có đủ số tiền gần 15.000.000 đồng trả nợ nên tiếp tục bị dẫn dắt vào tròng của chúng.

Chúng cho nhân viên nói giọng ngọt ngào gọi điện bảo hỗ trợ mình. Sau đó chúng lại cử người dọa tung thông tin của mình lên mạng xã hội, gây áp lực tâm lý khiến mình buộc phải tải app khác của chúng về vay tiền tiếp cho yên thân”, người phụ nữ kể.

App vay tiền online mà chị N... vấp phải.

App vay tiền online mà chị N... vấp phải.

Biết bản thân đã rơi vào vòng luẩn quẩn của các app cho vay, chị N vẫn không dám nói ra với bất kỳ ai. Chị cứ lao vào kiếm tiền trả nợ cho chúng và trả mãi vẫn không hết! Chị bảo không hiểu cơ chế hoạt động của app như thế nào mà vay có 8.000.000 đồng nhưng mỗi ngày nhảy lên 700.000-800.000 đồng. Hiện chị đã trả cho chúng số tiền gấp nhiều lần gốc ban đầu nhưng vẫn chưa được buông tha.

Chị N tâm sự: “Ngày nào chúng cũng gọi điện đòi tiền dù số tiền mình trả lên tới gần trăm triệu rồi! Mình có nói thì chúng bảo cứ trả hết số tiền đã vay đi thì sẽ xóa nợ. Nhưng mình không biết chắc chúng sẽ thực hiện đúng lời hứa hay lại cho người dọa nạt, khủng bố tinh thần nữa.

Nhiều người khuyên mình cứ mặc kệ, gọi chán không có kết quả thì chúng sẽ dừng. Mình lại không nghĩ vậy! Thực tế chúng dọa khiếp lắm, toàn đánh tâm lý bằng thông tin thật về mình ấy!

Mình phát ốm, gầy mất 2kg vì chuyện này! Giờ mình chỉ thương con cái bị vạ lây, lo lắng bạn bè bị chúng gọi điện làm phiền. Mình áy náy với mọi người lắm vì không phải ai cũng thấu hiểu cái dại dột và mất mát của mình rồi cứ nghĩ mình nợ nần này kia”.

Trước thắc mắc chuyện vì sao người thân và bạn bè có thể bị chúng làm phiền, chị N lý giải rằng khi đăng ký tài khoản, app cho vay hiện hàng loạt yêu cầu để chị nhấn vào. Khi ấy chị không biết chỉ cần nhấn đồng ý là chúng có thể truy cập vào danh bạ điện thoại. Sau này chị nhận ra thì đã muộn, chúng kịp truy ra số điện thoại của người thân quen rồi gọi điện liên tục nhằm uy hiếp chị phải trả nợ. 

Thấy có dấu hiệu ngoài tầm kiểm soát, chị N đã lên công an xã trình báo, nhờ chỉ dẫn giải quyết mọi chuyện. Công an khuyên chị không được trả tiền cho chúng. Nếu chúng có động thái gì sẽ vào cuộc điều tra làm rõ. “Thực sự mình quá mệt mỏi, không thể chịu đựng thêm nữa! Lúc nào mình cũng trong trạng thái sợ hãi khi bị chúng uy hiếp. Mình rất muốn gặp trực tiếp chúng để thỏa thuận nhưng không tìm được thông tin ai là người đứng đầu của app đó, giấy đăng kí kinh doanh cũng không tồn tại”, người phụ nữ giãi bày.

Khốn đốn vì bị app cho vay nặng lãi lừa, người phụ nữ kêu cứu và bài học cảnh tỉnh - 3

Được biết, hiện rộ 2 hình thức cho vay online phổ biến: vay trên website và qua ứng dụng điện thoại. Đây được coi là kiểu cho vay tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”, gấp hàng trăm lần vay lãi ngân hàng.

Theo đó, hình thức cho vay này không cần tài sản thế chấp, người vay chỉ cần gửi bản chụp giấy tờ tùy thân như Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân cho bên cung cấp tín dụng.

Nếu vay qua app, bên cho vay phải được quyền truy cập về thông tin cá nhân của người vay như danh bạ, tin nhắn, lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng trên điện thoại... Đến hạn trả lại mà người vay không thanh toán, bên cho vay sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại để gọi điện khủng bộ tinh thần người vay cũng như gia đình, bạn bè.

Được biết, hiện rộ 2 hình thức cho vay online phổ biến: vay trên website và qua ứng dụng điện thoại.

Được biết, hiện rộ 2 hình thức cho vay online phổ biến: vay trên website và qua ứng dụng điện thoại.

Trả lời trên báo Công an nhân dân, luật sư nguyễn Thanh Phương (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hiện có nhiều nhóm cho vay qua app với lãi suất quá cao, từ 500-700%/năm, phạm vào tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 Bộ luật Dân sự 2015. Bởi theo quy định của khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm. Do đó, trường hợp lãi suất phải trả vượt quá quy định này, thì khách vay chỉ phải trả lại số tiền đã vay của app và phần lãi suất tối đa là 20%.

Bên cạnh đó, việc bên cho vay qua app, web đòi nợ đến hạn bằng cách quấy rối điện thoại những người không liên quan đến khoản vay là hành vi vi phạm pháp luật. Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định rõ các công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng vay để đôn đốc, thu hồi nợ. Còn theo điểm g, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Khi bị bên cho vay qua app, web quấy rối, nạn nhân có thể tố cáo hành vi đó với cơ quan công an. Đồng thời, ghi âm cuộc gọi để khiếu nại lên nhà mạng mà mình là khách hàng, hoặc kiến nghị Sở Thông tin và truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết.

Đối với hành vi “siết nợ” bằng cách đăng tải hình ảnh người vay lên mạng xã hội cùng với những lời lẽ đe dọa, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm, nạn nhân có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan gỡ bỏ những hình ảnh đó, đồng thời có thể trình báo tới cơ quan Công an để điều tra xử lý vi phạm.

Vụ đại gia Thiện Soi cho vay nặng lãi: Bắt bà Lâm Thị Thu Trà
Công an xác định bà Thu Trà và Tuyết Lan có liên quan trong vụ án đại gia "Thiện Soi" nên đã bắt khẩn cấp 2 nữ doanh nhân này để điều tra về hành vi...

Tin tức 24h

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h