Trong khi COVID-19 đang tàn phá Ấn Độ, đẩy đất nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, thì tại một số nước Đông Nam Á cũng ghi nhận những đợt bùng phát mới.
COVID-19 dường như đang “trỗi dậy” ở Đông Nam Á, với những đợt bùng phát khiến nhiều nước trong khu vực phải lo ngại. Trong khi hầu hết sự chú ý của thế giới đang tập trung vào tình hình đau lòng ở Ấn Độ, thì khoảng thời gian hơn một tuần qua cũng ghi nhận những dấu mốc buồn ở một số nước Đông Nam Á, bao gồm cả những nước đã từng kiểm soát đại dịch khá thành công trong năm 2020.
Hôm thứ Hai, Philippines đã vượt ngưỡng 1 triệu ca mắc bệnh. Họ trở thành quốc gia thứ 26 trên thế giới vượt qua ngưỡng này. Số ca mắc mới đã tăng vọt ở Philippines kể từ tháng trước, khiến chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte phải áp dụng lệnh phong tỏa khu vực thủ đô Manila. Dù vậy, đợt bùng phát có vẻ vẫn chưa được khống chế. Nước này ghi nhận 7.190 ca nhiễm mới vào hôm qua, 27/4, nâng tổng số ca nhiễm lên 1,01 triệu, số ca tử vong là 16.916.
Một bệnh nhân COVID-19 đứng trong lều cách ly bên ngoài một bệnh viện ở Manila (Philippines) và ngó ra, ngày 26/4. Ảnh: Aaron Favila/ AP.
Đó là những con số cao thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Indonesia tiếp tục có trung bình 5.000 ca nhiễm mới/ ngày, số ca nhiễm mới hôm 27/4 là 4.656 ca. Tổng số ca nhiễm ở Indonesia đã lên tới 1,65 triệu, số ca tử vong đã sát ngưỡng 45.000 người.
Trong khi đó, số ca nhiễm đang tăng trở lại ở Malaysia, với 2.733 ca nhiễm mới vào 27/4, nâng tổng số ca nhiễm ở đất nước này lên hơn 398.000, cao thứ ba trong khu vực.
Mọi người ở Kuala Lumpur (Malaysia) đeo khẩu trang đi mua thức ăn. Ảnh: Reuters.
Đáng lo hơn nữa là sự tăng vọt về số ca nhiễm mới xảy ra ở cả những nước Đông Nam Á mà trước đó dường như đã khống chế được SARS-CoV-2. Hôm thứ Ba, Thái Lan có thêm 2.180 ca nhiễm mới và 15 ca tử vong. Đó là ngày thứ năm liên tiếp mà đất nước này có hơn 2.000 ca nhiễm mới, khiến cho tổng số ca nhiễm ở đây đã là 59.668 và số ca tử vong là 163.
Số ca nhiễm tăng nhanh khiến các nhà chức trách Thái Lan phải đưa ra mức phạt lên tới 20.000 baht (14,6 triệu đồng) với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Một trong những người đầu tiên bị phạt chính là Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, người đã đăng bức ảnh đang ngồi họp lên trang Facebook của mình. Trong khi họp, ông không đeo khẩu trang, khiến rất nhiều cư dân mạng không hài lòng. Sau đó, ông bị phạt 6.000 baht (4,4 triệu đồng).
Thủ tướng Thái Lan không đeo khẩu trang khi họp nên đã bị phạt. Ảnh: BlueSky.
Đợt bùng phát này ở Thái Lan được cho là góp phần gây ra sự tăng mạnh về số ca nhiễm ở Lào. Lào cũng đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 tệ nhất sau khi họ ghi nhận rất ít ca mắc vào năm ngoái. Hôm thứ Hai, Lào ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất kể từ đầu đại dịch: 113 ca, còn hôm thứ Ba là 75 ca. Điều này khiến Chính phủ Lào đã áp dụng lệnh phong tỏa 2 tuần ở thủ đô Vientiane.
Tình huống tương tự cũng xảy ra ở Campuchia, nơi cũng có rất ít ca mắc vào năm 2020. Trong mấy ngày gần đây, số ca mắc mới ở Campuchia luôn ở mức hơn 500 ca (ngày 27/4 là 508 ca), nâng tổng số ca mắc lên hơn 11.000, số ca tử vong là 82. Điều này cũng khiến Chính phủ Campuchia áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ đô Phnom Penh cùng một vài thành phố khác.
Nhân viên y tế đang chuẩn bị cho một bài tập huấn ở Bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane (Lào). Ảnh: WHO/ S Khounpaseuth.
Rồi còn Myanmar. Ở đây đang diễn ra một cuộc khủng hoàng khác nữa, khiến việc xét nghiệm và triển khai tiêm vắc-xin dường như đều tạm dừng, nên truyền thông quốc tế cũng rất khó có thông tin rõ ràng rằng tình hình COVID-19 ở đây đang ra sao.
Như vậy là, sau một năm mà nhiều nước Đông Nam Á đã kiểm soát tốt COVID-19, mặc dù cũng có những cái giá phải trả, thì giờ đây, chúng ta lại phải chấp nhận thực tế rằng, rất khó có thể nhìn ra được điểm kết thúc của đại dịch là ở đâu.