BV Bạch Mai – nơi sản phụ Nguyễn Thị Loan đang nằm điều trị khẳng định BV Đa khoa Sơn Tây không truyền nhầm nhóm máu cho sản phụ trong quá trình mổ đẻ.
Nhóm máu nào là đúng?
Nghi vấn sản phụ Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội nguy kịch vì truyền nhầm nhóm máu đã gây phẫn nộ cho gia đình và dư luận xã hội. BV Đa khoa Sơn Tây khẳng định việc truyền nhóm máu B cho sản phụ là đúng với nhóm máu nhưng BV Phụ sản lại cho rằng sản phụ mang nhóm máu AB.
Ngày 6/11, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai khẳng định nhóm máu của sản phụ Loan là nhóm máu B. Do đó BV Đa khoa Sơn Tây truyền nhóm máu B cho sản phụ hoàn toàn đúng, không phải truyền nhầm. Tuy nhiên, việc chẩn đoán nhóm máu AB của BV Phụ sản Hà Nội tại thời điểm tiếp nhận bệnh nhân cũng không sai.
“Bệnh nhân có khám thai định kỳ, phát hiện bị rau tiền đạo trung tâm nên đã được quản lý thai nghén chặt chẽ tại BV Đa khoa Sơn Tây. Bệnh nhân nhập viện theo dõi tại BV Đa khoa Sơn Tây từ ngày 11/10. Ngày 21/10, bệnh nhân chảy máu âm đạo có dấu hiệu chuyển dạ, BV Sơn Tây đã quyết định mổ lấy thai. Đây là chẩn đoán hoàn toàn đúng của BV Sơn Tây”, TS Hùng nói.
TS Dương Đức Hùng khẳng định sản phụ không bị truyền nhầm nhóm máu
Trong khi mổ lấy thai vì sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm nên mất máu rất nhiều (mất 500-700ml máu). BV Đa khoa Sơn Tây xét nghiệm chẩn đoán sản phụ mang nhóm máu B nên đã truyền 700ml máu nhóm B cho bệnh nhân.
Sau mổ 2 giờ, sản phụ bị chảy máu âm đạo nhiều, sốc mất máu truyền máu đến 16h chiều ngày 22/10, BV Sơn Tây quyết định mổ lần 2 thấy chảy máu thành bụng nhiều đã cắt tử cung bán phần. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tiếp tục chảy máu, BV Sơn Tây truyền tiếp 3000ml toàn phần nhóm máu B và 1000ml khối hồng cầu nhóm B. Tuy nhiên, do tình trạng của sản phụ vẫn tiếp diễn quá nặng, BV Sơn Tây quyết định chuyển lên cấp cứu tại BV Phụ sản Hà Nội. Tại đây, sau khi xét nghiệm BV Phụ sản Hà Nội khẳng định sản phụ Loan mang nhóm máu AB nên chuyển vội lên BV Bạch Mai với chẩn đoán: bệnh nhân bị rối loạn đông máu do truyền nhầm nhóm máu khối lượng lớn.
Rối loạn nhóm máu do truyền máu quá nhiều
Trước tình trạng quá nặng và phức tạp của bệnh nhân, phía BV Bạch Mai đã mời các chuyên gia của Viện Huyết học truyền máu TƯ vào hội chẩn và làm các xét nghiệm chuyên sâu nhất xác định nhóm máu. Kết quả xét nghiệm máu chuyên sâu và các ý kiến chuyên gia huyết học xác định nhóm máu không thấy có kháng thể A và bệnh nhân có nhóm máu B. Viện Huyết học Truyền máu TƯ cũng đã đến BV Sơn Tây xét nghiệm lại các mẫu máu lưu đã truyền cho bệnh nhân thì xác định 17 đơn vị truyền đều nhóm máu B.
Tuy nhiên, TS Hùng cho biết: “Khi tiếp nhận sản phụ, BV Phụ sản Hà Nội nhận định đây là trường hợp mất máu quá nặng, họ tiến hành xét nghiệm lại nhóm máu thì có kết quả nhóm máu AB. Việc xác định nhóm máu AB của BV Phụ sản Hà Nội tại thời điểm đó không sai”.
TS Hùng phân tích, về nguyên tắc để hạn chế nguy cơ truyền máu thì hiện nay người ta tách riêng hồng cầu và huyết tương, chỉ truyền hồng cầu. Tuy nhiên, sản phụ Loan mất máu quá nhiều, trong khi đó Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là bệnh viện khu vực, lượng máu dự trữ kông nhiều, chỉ có 2-3 túi. Bệnh viện đã truyền hết số máu này nhưng tình trạng thiếu máu vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Không để bệnh nhân chết, nên Bệnh viện Sơn Tây huy động máu của người nhà và của Bệnh viện 105. Vì không có thời gian đợi chiết tách hồng cầu, nên BV Sơn Tây buộc phải truyền máu toàn phần, có cả huyết tương. Tổng lượng máu sản phụ Loan được truyền là hơn 5 lít (máu nhóm B), trong khi đó một người bình thường chỉ có 3,5-4 lít máu.
Theo TS Dương Đức Hùng, rau tiền đạo là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bác sĩ sản khoa, sản phụ có thể chết vì mất máu và thai nhi chết vì không có máu nuôi cơ thể. Sản phụ bị rau tiền đạo phải được theo dõi chặt chẽ và chủ động mổ đẻ khi có dấu hiệu chuyển dạ. Việc chủ động mổ đẻ nhằm cứu con đồng thời bác sĩ sẽ bóc tách bánh rau đẻ, khâu tử cung lại để giữ tử cung cho người mẹ. Tuy nhiên, có trường hợp sản phụ bị chảy máu quá nhiều, tử cung không thể co lại được, bác sĩ bắt buộc phải cắt bỏ tử cung mới cứu được mẹ. |
“Do bệnh nhân được truyền quá nhiều máu, thay hơn một lần máu cộng thêm việc truyền cả huyết tương (có nhiều thành phần) nên việc định máu tại thời điểm đó của BV Phụ sản Hà Nội không còn chính xác nữa. Hơn nữa, trong y văn cũng đã ghi nhận một khả năng nữa dù tỷ lệ thấp có thể con máu A, mẹ máu B, trong khi chuyển dạ, 1 lượng máu con 10-20ml vào cơ thể mẹ nên xuất hiện A”, TS Hùng nói.
“Nếu truyền nhầm nhóm máu khối lượng lớn như vậy (5,1 lít máu) thì không có bệnh nhân nào có thể sống được, máu của bệnh nhân sẽ tắc và vón cục lại. Trường hợp của sản phụ Loan, quá trình điều trị đều được truyền nhóm máu B và bệnh nhân đang tốt lên từng ngày là minh chứng hết sức chính xác khẳng định không có chuyện truyền nhầm nhóm máu”, TS Hùng chia sẻ.
Về tình trạng sức khỏe của sản phụ Loan, TS Hùng cho biết hiện tại sức khỏe sản phụ tiến triển rất tốt, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, không có biểu hiện xuất huyết, ăn uống bình thường và đã tập vận động nhẹ nhàng trong phòng bệnh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh vẫn còn khá nặng nên bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được theo dõi chặt chẽ tại khoa Hồi sức tích cực.