GS. TS Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, phải công bằng mà nói đây là một chủ trương đúng, nhân văn vì lợi ích của học sinh rất lớn mặc dù có yếu tố may rủi.
Tăng cơ hội cho học sinh
“Nhiều người ví von việc xét tuyển NV1 như cho các em tập chơi chứng khoán hay đánh xổ sổ theo tôi là chưa chính xác. Bởi rõ ràng, nếu so sánh với năm 2014 trở về trước thì yếu tố rủi ro ít hơn rất nhiều cho các em. Bởi lẽ, năm 2014 trở về trước thí sinh đăng ký nộp hồ sơ trước kỳ thi, khi đó chưa biết kết quả thi ra sao.
Trong khi đó năm nay thì hoàn toàn ngược lại, thí sinh chỉ nộp hồ sơ khi đã có kết quả điểm số thi của mình. Với số điểm mình đạt được các em có thể tùy ý nộp vào trường mình thích. Các thông tin về tình hình nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển của các trường được cập nhật và công khai, liên tục. Đây chính là những điều kiện thuận lợi giúp thí sinh có thể thay đổi quyết định của mình cho phù hợp, đồng nghĩa với việc tăng cơ hội học đại học cho các em”- GS Sơn nhấn mạnh.
GS. TS Đinh Văn Sơn
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, GS Sơn cho rằng, đúng là với cách thức đổi mới này, cả trường và thí sinh đều vất vả nhưng cái được thì lớn hơn rất nhiều. Đó là không có chuyện thí sinh đạt 23 điểm trượt đại học nhưng thí sinh khác thi chỉ được 15 điểm nhưng vẫn đỗ.
Cần rút ngắn thời gian xét tuyển
GS Sơn cũng cho rằng, vì đây lần đầu tiên triển khai nên không tránh khỏi những lúng túng, những phát sinh và vấp phải phản ứng của phụ huynh và học sinh. Nguyên của việc “rối loạn” trong lần xét tuyển đợt 1 vừa qua, GS Sơn cho rằng, do thời gian xét tuyển Bộ quy định quá dài nên sẽ gây tâm lý chờ đợi, nghe ngóng của các bậc phụ huynh.
“Đến 4h chiều ngày cuối cùng hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển NV 1, tại sảnh Hội trường lớn của nhà trường nhiều bậc phụ huynh và học sinh vẫn cứ chờ đợi nghe ngóng mà không nộp hồ sơ. Thời gian kéo dài không làm được gì chỉ là sự di chuyển cơ học không cần thiết. Theo tôi nghĩ, ngay từ trước khi thi tốt nghiệp các em đã dự định đăng ký vào trường nào, hợp với khả năng và điều kiện của bản thân rồi. Vì thế, rõ ràng không nên kéo dài thời gian như năm nay mà thay vào đó rút ngắn thời gian xét tuyển từ 20 ngày xuống còn 10 đến 15 ngày (thậm chí 10 ngày) nếu các trường chuẩn bị tốt”- GS Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ý tưởng đưa công nghệ thông tin vào cũng khá là hợp lý, tuy nhiên để làm được việc này GS Sơn cho rầng cần có sự đồng bộ, liên thông giữa các trường để thí sinh được thuận lợi.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hòa, phó phòng khảo thí và chất lượng đào tạo, trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, với cách đổi mới của Bộ giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội, điều này đồng nghĩa với việc các em phải đi lại rất nhiều. Điều này là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, việc Bộ cho xét tuyển nguyện vọng 1 hơi dài. “Thực ra dài ngắn cuối cùng cũng phục vụ tất cả thí sinh, vì thí sinh mà thôi. Nhưng rõ ràng nếu để thời gian ngắn lại phụ huynh và học sinh sẽ cân nhắc và quyết định đi sớm chứ không nấn ná, nghe ngóng chờ đợi khiến cho tình trạng những ngày đầu thưa thớt đến ngày cuối cùng mới lại đổ xô đi để rút- nộp” – bà Hòa nói.