Người phụ nữ này đã tự mình xưng đế, lập chính quyền riêng, giương cờ khởi nghĩa nhằm lật đổ nhà Đường.
Khi nói đến nữ hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, người ta thường nghĩ ngay tới Võ Tắc Thiên, người từng lên ngôi hoàng đế năm 690. Tuy nhiên, ít người biết rằng, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một cuộc nổi dậy và tự xưng hoàng đế là Trần Thạc Chân, người huyện Thuần An, thành phố Hàng Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay.
Trở về năm 653 sau công nguyên tại Trung Quốc, dưới thời trị vì của hoàng đế Đường Cao Tông, nội bộ triều đình chỉ lo tranh quyền đoạt lợi, khiến đời sống dân sinh suy tàn trầm trọng. Cộng thêm việc các nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, dân chúng ăn không no, mặc không đủ, vô cùng thê thảm. Trong tình cảnh này, ai ai trong lòng đều oán giận, Trần Thạc Chân cũng nhìn thấy điều này và luôn canh cánh nỗi lo ở trong lòng: “Rốt cuộc đây là triều đình gì, lại có thể làm cho con dân của mình sống trong nước sôi lửa bỏng”.
Trần Thạc Chân chính là nữ hoàng đế xưng vương đầu tiên tại Trung Hoa.
Trần Thạc Chân vốn là một pháp sư. Trước khi khởi nghĩa, bà tự tuyên bố với bên ngoài mình chính là “tiên nhân". Bà tạo ra một câu chuyện thần thoại, nói mình ở thâm sơn cùng cốc gặp được Thái Thượng lão quân - vị thuỷ tổ trong Đạo giáo Trung Quốc. Thái Thượng lão quân thấy bà có tuệ căn, liền thu làm đồ đệ, lão Quân bày mưu tính kế để cho bà sáng lập ra Hỏa Phượng xã. Trần Thạc Chân còn tự xưng là “Cửu Thiên Huyền Nữ” hạ phàm, nắm giữ bí thuật Thiên Giới, tới hạ phàm này để cứu vớt dân sinh. Người dân chịu khổ đã lâu, sớm có ý phản kháng, dưới sự chỉ đạo của Trần Thạc Chân lập tức tham gia khởi nghĩa.
Mặc dù vậy, nhiều người không tin Trần Thạc Chân nên đã báo triều đình, cho rằng có một nữ nhi mê tín có ý định làm điều ác. Vì vậy, không lâu sau bà bị bắt. Triều đình lừa dối dân chúng, nói rằng muốn bà bị trừng phạt vì mưu đồ xấu. Tuy vậy, tiếng tăm của Thạc Chân lúc này đã vang xa, mọi người bắt đầu tập hợp và gửi một số phong bì đỏ cho triều đình, yêu cầu thả tự do cho bà. Cuối cùng, bà được thả về vì không đủ chứng cứ định tội tạo phản.
Bà tập hợp dân chúng, giương cờ khởi nghĩa nhằm lật đổ nhà Đường.
Phạm vi ảnh hưởng của Trần Thạc Chân dần dần mở rộng, quả nhiên tất cả mọi người cảm phục bà. Năm 653, bà bắt đầu khởi nghĩa vũ trang, tự lập chính phủ, xưng là "Văn Giai hoàng đế", xây dựng chính quyền nông dân, phong Chương Thúc Dận làm thượng thư, Đồng Văn Bảo làm đại tướng quân, nổi dậy nhiều nơi. Đây chính là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa dẫn đầu tạo phản, hơn nữa còn dũng cảm thách thức uy nghiêm của xã hội nam quyền, diện nam xưng đế. Sau một thời gian ngắn đối đầu với đại quân tinh nhuệ của triều đình, khởi nghĩa đã bị đàn áp, Trần Thạc Chân bị quân binh bắt sống.
Dù cuộc nổi dậy của Trần Thạc Chân chỉ diễn ra trong hai tháng, nhưng hơn 1.000 năm sau, những truyền thuyết tốt đẹp về quân nổi dậy vẫn được lưu truyền ở phía tây tỉnh Chiết Giang. Người dân nơi đây thường kể lại truyền thuyết về cái chết của Trần Thạc Chân. Khi quân khởi nghĩa cuối cùng bị bao vây trên núi, tất cả đồng đội đều ngã xuống trong vũng máu, chỉ còn lại Trần Thạc Chân. Bầu trời bất ngờ rực sáng, một con phượng hoàng khổng lồ bay tới, Trần Thạc Chân cưỡi phượng hoàng bay lên trời. Vì thế, ngọn núi đó ngày nay có tên là Lạc Phượng.