Kiểm nghiệm 120 mẫu thịt nghi nhiễm chất cấm

Ngày 26/09/2014 23:58 PM (GMT+7)

Ngày 25.9, tại buổi giao ban công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm tháng 9 và triển khai kế hoạch tháng 10, Bộ NNPTNT thông báo, hiện các cơ quan chuyên môn đang tiến hành kiểm nghiệm 120 mẫu thịt lợn và thịt gà có nghi nhiễm chất cấm, nhưng chưa có kết quả.

Sử dụng trực tiếp chất cấm khi cho lợn, gà ăn

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong tháng 8 đơn vị này đã phối hợp với các địa phương lấy 14 mẫu thịt gà, 28 mẫu thịt lợn ở các tỉnh miền Nam (Long An, Bến Tre, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ) và Lâm Đồng để phân tích 5 chỉ tiêu dư lượng kháng sinh và chất cấm. Kết quả cho thấy, đã phát hiện 2 mẫu tại Long An nhiễm hoá chất kháng sinh cấm (chiếm 4,76%), gồm 1 mẫu thịt gà nhiễm Chloramphenicol, 1 mẫu thịt lợn nhiễm Salbutamol.

Cục Thú y cũng đã lấy 40 mẫu thịt gà, 80 mẫu thịt lợn ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung (Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hoà) để phân tích 5 chỉ tiêu dư lượng kháng sinh và chất cấm. Tuy nhiên, hiện chưa có kết quả phân tích đối với các mẫu ở khu vực này.

Đối với các thông tin về chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, trong các tháng gần đây Cục Chăn nuôi cùng các địa phương đã liên tục tập trung kiểm tra chủ yếu các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các cơ sở chăn nuôi tự trộn thức ăn và các cơ sở chăn nuôi tận dụng các nguồn thức ăn của bếp ăn tập thể, nhà hàng, khu công nghiệp. Trong đó, tại Thanh Hoá, phát hiện 8,1 tấn thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm, toàn bộ lô hàng này đã bị tiêu hủy. Tại Hưng Yên, tiến hành lấy 3 mẫu thức ăn và 8 mẫu thức ăn bổ sung để phân tích nhưng không có mẫu nào dương tính với chất cấm nhóm beta agonist.

Kiểm nghiệm 120 mẫu thịt nghi nhiễm chất cấm - 1

Kiểm tra chất lượng nông sản trong phòng thí nghiệm.

Riêng tại TP.HCM, theo thông báo của Cục Chăn nuôi, tình trạng thịt có dư lượng kháng sinh Sulfadimidin vượt ngưỡng cho phép có thể là do người dân đã tự ý trộn thêm vào thức ăn trong quá trình chăn nuôi. Hiện Cục Chăn nuôi đang xây dựng dự thảo thông tư về quản lý sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Đối với chất cấm và kháng sinh nếu chỉ kiểm tra trong thành phẩm thức ăn thì ít phát hiện, trừ trường hợp vừa rồi phát hiện ở Thanh Hoá. Phần lớn người ta sử dụng bằng con đường phòng trị bệnh, có thể trực tiếp cho vật nuôi”. Theo ông Dương, trong tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ NNPTNT, có 18 loại kháng sinh cho sử dụng trong chăn nuôi, không có Sulfadimidin. Điều này chứng tỏ người dân đã sử dụng trực tiếp trong quá trình chăn nuôi, chứ không phải được trộn trong thức ăn chăn nuôi nên sẽ khó phát hiện.

Làm rõ thông tin táo, lê để nhiều tháng không thối

Liên quan tới công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đơn vị này đang soạn thảo thông tư quản lý thuốc BVTV nhằm siết chặt lại công tác quản lý, đồng thời Cục cũng soạn thảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về thuốc BVTV. Cục đã giao Chi cục BVTV tại các địa phương xây dựng phương án để có kho chứa hoặc sử dụng kho các doanh nghiệp để lưu giữ thuốc và có phương án xử lý tiêu huỷ.

Theo Bộ trưởng, Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, vấn đề khiến dân bức xúc nhất hiện nay là rau quả bị nhiễm dư lượng thuốc BVTV, hoá chất bảo quản. Do đó, Cục BVTV cần sớm hoàn thiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó tập trung vào lúa, rau, trái cây, chè… trong tháng 9 để trình Chính phủ vào tháng 10 tới làm cơ sở triển khai trên diện rộng. Ông Phát cũng yêu cầu, Cục BVTV phải làm rõ thông tin quả lê để 5 tháng và mới đây là táo để 9 tháng vẫn như bình thường, tránh gây hoang mang dư luận.

Để nâng cao chất kiểm tra, kiểm soát vật tư nông nghiệp cũng như chất lượng, an toàn thực phẩm, tránh tình trạng cung cấp thông tin chưa chuẩn xác giữa các phòng thí nghiệm, mà không có phòng thí nghiệm nào có đủ khả năng đứng ra làm trọng tài, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các cơ quan chuyên môn rà soát lại các phòng thí nghiệm; đề xuất thành lập phòng thí nghiệm tham chiếu có đủ năng lực, thiết bị để có thể đưa vào kế hoạch triển khai trong năm 2015.

 Xây dựng chuỗi cung ứng rau, thịt an toànTrong cuộc họp hôm qua, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã giao Cục BVTV chủ trì xây dựng đề án chuỗi cung ứng rau an toàn; Cục Thú y xây dựng chuỗi cung ứng thịt cho Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện chúng ta có 30 triệu cư dân đô thị thì hai thành phố lớn là Hà Nội có 8 triệu dân; TP.Hồ Chí Minh có 10 triệu dân, chiếm hơn một nửa số dân đô thị.  

Theo Phi Long (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot