'Kinh đô' hàng nhái nhộn nhịp những ngày giáp tết

Ngày 11/01/2015 21:41 PM (GMT+7)

Các loại bánh kẹo rời, sau khi vào các cửa hàng sẽ được gắn mác các thương hiệu nổi tiến trên thị trường. Dân buôn ở La Phù gọi nó với đủ các tên gọi như: hàng chảy máu, hàng gia công, hàng giá rẻ…

"Bao nhiêu hàng cũng có”

Những tháng giáp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa tung ra thị trường rất lớn. Đây cũng là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái “trà trộn” vào thị trường. Trong vai nhà buôn cần lấy hàng số lượng lớn vận chuyển đi các tỉnh, chúng tôi đã thâm nhập sâu vào làng nghề La Phù, (H.Hoài Đức, Hà Nội) nơi được mệnh danh là “kinh đô” hàng giả.

Những ngày này, con đường dẫn vào làng nghề La Phù tấp nập đủ các loại xe tải chở hàng từ các nơi đổ về lấy hàng. Vào trong làng, hàng hóa từ các loại bánh kẹo, nước giải khát cho tới hạt bầu, hướng dương… được bày la liệt trên vỉa hè. Dọc con đường là khung cảnh bốc xếp hàng gấp gáp của cánh xe tải.

Kinh đô hàng nhái nhộn nhịp những ngày giáp tết - 1

Các xe tải chở hàng nối đuôi nhau vào La Phù để lấy hàng chở đi tiêu thụ.

Kinh đô hàng nhái nhộn nhịp những ngày giáp tết - 2

Cận cảnh một sản phẩm nhái thương hiệu kẹo Choco Pie.

Vào quán nước trước đại lý Quang Thuận, chúng tôi cố tình bàn bạc chuyện tìm mối để lấy hàng về tiêu thụ trong dịp tết thì ngay lập tức bà chủ quán bắt chuyện: “Các chú muốn mua bánh kẹo phải không? Các chú tìm về đây là đúng rồi, trong làng toàn là đồ gia công nên giá rất mềm, bây giờ nhập hàng công ty thì lãi không được bao nhiêu. Mặc dù là hàng gia công nhưng mẫu mã đẹp lắm. Cửa hàng của con gái tôi đây có đủ các loại đảm bảo giá rất rẻ. Các chú lấy bao nhiêu cũng có hàng”. Nói xong, bà chủ quán cho chúng tôi xem các mẫu hàng gia công và điện ngay con gái ra để “tiếp thị” sản phẩm.

Một phụ nữ tự xưng là H. chủ đại lý Quang Thuận dẫn chúng tôi vào cửa hàng xem mẫu. Phía sau là kho hàng rộng gần 200 m2 chứa vô số bánh kẹo, nước giải khát cùng nhiều loại hàng hóa khác được xếp chồng chất thành nhiều cột hàng cao hơn chục mét. Hàng hóa ở đây có giá rất “bèo”, chẳng hạn như: Kẹo Damisa, Daily, Ancient giá 260 nghìn/thùng 20 hộp. Nếu khách hàng có nhu cầu lấy với số lượng lớn thì sẽ được giảm giá.

Vừa nói người phụ nữ tên H. đưa cho chúng tôi bảng báo giá bánh kẹo để tham khảo. Thấy rẻ nên chúng tôi liền hỏi: “Sao ở đây rẻ thế”. Người phụ nữ liền trả lời: “Thì ở đây là hàng rẻ mà, hàng gia công thì rẻ hơn nhiều hàng nhập ở công ty. Các chú cứ yên tâm mẫu mã rất đẹp”.

Khi được hỏi lấy với số lượng lớn thì người phụ nữ liền trả lời: “Các chú lấy bao nhiêu cũng có. Lúc nào quen rồi thì chỉ cần liên lạc qua điện thoại rồi cho xe tới mà lấy hàng thôi”.

Kinh đô hàng nhái nhộn nhịp những ngày giáp tết - 3

Hàng hóa được chất la liệt ở trên vỉa hè.

Kinh đô hàng nhái nhộn nhịp những ngày giáp tết - 4

Những túi kẹo rời không nhãn mác sẽ được “mặc áo” thương hiệu nổi tiếng khi rời khỏi làng.

“Ngụy trang” cho hàng giả

Theo ghi nhận của chúng tôi, bánh kẹo ở La Phù thường có tên na ná với các sản phẩm thật như: kẹo Choco Pie với Choco.Pia, bim bim Oishi với Oshi, kẹo Applebe Original với Apllebe OY, kẹo Cheng Gum với Chewing Gum... Tại đây, có rất nhiều thùng kẹo vẫn còn nguyên nhãn mác của Trung Quốc. Những thùng kẹo như vậy sau khi vào kho sẽ được mang một mác mới “Made in La Phù”.

Hầu hết bánh kẹo, nước giải khát đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Địa chỉ sản xuất được in một cách rất chung chung như: LP – HĐ - Hà Nội; Mỹ Đình - Hà Nội; Thanh Oai - Hà Nội…

Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng được “sao chép” ngay tại cửa hàng. Các loại bánh quy rời sau khi được tập kết về sẽ được công nhân đóng gói thành bánh hộp và gắn mác các thương hiệu nổi tiếng. Các loại bánh rời được đựng trong các túi nilong và không hề có nguồn gốc xuất xứ.

Kinh đô hàng nhái nhộn nhịp những ngày giáp tết - 5

Bánh kẹo hỏng không tiêu thụ được vứt ra các khu đất hoang trong làng.

Kinh đô hàng nhái nhộn nhịp những ngày giáp tết - 6

Một bảng báo giá được lấy từ một đại lý bánh kẹo trong làng.

Kinh đô hàng nhái nhộn nhịp những ngày giáp tết - 7

Các hộp bánh kẹo của các thương hiệu nổi tiếng có giá rất rẻ ở La  Phù.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong làng có khoảng 4 cơ sở chuyên sản xuất các bao bì và nhãn mác phục vụ cho việc “sao chép” của các cửa hàng. Các cơ sở này thường rất kín cổng và không hề có biển sản xuất.

Trên thực tế, những loại bánh kẹo này nếu tiêu thụ ở thành phố thì dễ bị cơ quan chức năng phát hiện. Thế nhưng nếu đưa về các vùng quê hay những nơi xa xôi khác tiêu thụ thì người dân sẽ không để ý vì hàng nhái có mẫu mã giống các sản phẩm thật. Điều đó lý giải tại sao trong làng nghề La Phù lại xuất hiện nhiều xe ở các tỉnh lẻ như: Nghệ An,Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng…

Năm 2014, Công an huyện Hoài Đức cùng lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai (xóm Tiền Phong, xã La Phù) chuyên chế biến, sản xuất nước ngọt, rượu các loại và phát hiện có sai phạm. Nguyễn Hữu Mạnh (34 tuổi), giám đốc công ty, khai nhận nước ngọt có gas được cơ sở này sản xuất từ nước giếng khoan, trộn với đường Trung Quốc, hương liệu tạo mùi các loại (cam, chanh, cola)... Ngoài ra, công ty còn sản xuất nhiều loại rượu giá rẻ như: champagne, rượu vang nổ, rượu nho... được pha chế từ cồn công nghiệp và nước giếng khoan.

Theo Phạm Công – Quang Chiến (Khám phá)
Nguồn:

Tin liên quan