Từ cái tên cha sinh mẹ đẻ, sau khi lấy vợ và có con, người đàn ông Mông được bố mẹ vợ… “khai sinh” lần 2. Người dân tộc Mông quan niệm rằng, người đàn ông sẽ chưa được xem là trưởng thành nếu chưa được “cải”… chứng minh thư lần nữa.
Đàn ông thực thụ phải… đổi tên đệm!
Năm nay ông Mua Vản Sấu (Trưởng xóm Lũng Cảm, Sủng Là, Hà Giang) đã gần 70 tuổi. Thế nhưng khi chúng tôi vỗ vai một cậu bé chăn trâu ở đầu cổng làng hỏi nhà của ông Mua Vản Sấu thì cậu bé lắc đầu: “Không biết”! May mắn, có một phụ nữ Mông địu con đang thu ngô gần đó ngẩng lên, gọi với theo: “Nhà già làng Sấu à? Đấy là Mỉ Sấu chứ? Cứ đi thẳng, qua mấy gốc lê thẳng tắp kia là tới thôi”. Nói rồi, người phụ nữ Mông lại cúi xuống vặt ngô tiếp. Nghĩa, người dẫn đường và cũng là người Kinh hiếm hoi lên định cư ở đây đã hơn 10 năm giải thích: “Ở đây, đàn ông Mông sau khi lấy vợ và có con, ai nấy đều phải đổi tên đệm để khẳng định mình đã là người đàn ông có sự ổn định cuộc sống gia đình, có vai vế bề trên, được tôn trọng trong cuộc sống và gia đình phát triển thịnh vượng. Tên đệm này do chính bố mẹ vợ nghĩ ra và thông thường phải mang ý nghĩa tốt. Mua Vản Sấu cũng thế. Tên khai sinh của ông một đằng nhưng tên thường gọi thì một nẻo nên nhiều trẻ chăn trâu ở đây không biết cũng đúng thôi”.
Trong ánh chiều vàng rượi, Mua Vản Sấu đang ngồi thảnh thơi trước cửa nhà. Ngoài uy quyền vì chức vị trưởng bản, gia đình ông còn được bà con trong xóm nể trọng vì con cái đều thành đạt, thuộc diện có của ăn của để. Già Sấu chậm rãi kể, năm mình lấy vợ và sinh được đứa con đầu tiên, bố mẹ phải cấp tiền cho để làm lễ… đổi tên. Từ cái tên khai sinh Mua Vản Sấu, việc “khai sinh” lần 2 đã đổi chàng thanh niên này thành Mua Mỉ Sấu từ đó. Theo già Sấu, sau khi sinh đứa con đầu lòng, người đàn ông phải chuẩn bị hai vuông vải đỏ có thêu hoa văn đem tặng cho cha mẹ vợ. Khi cha mẹ vợ theo dõi thấy con rể mình lo toan cho gia đình tốt, biết chăm lo cho cuộc sống chung, họ đã sẵn sàng cho việc đổi tên thì mang đến đôi vải nhỏ và may vào áo quần cho con gái và con rể với ngụ ý đã đồng ý với việc đổi tên đệm. Thông thường, việc đặt lại tên được kết hợp vào ngày Tết. Gia đình nhà con rể mổ lợn cúng ma nhà (tổ tiên) và báo cáo việc đổi tên đệm mới cho chính anh ta. Cái tên đệm mới của chàng rể được chính bố mẹ vợ chọn sao cho có ý nghĩa.
Trưởng xóm Mua Vản Sấu cho biết, mỗi lần đổi tên phải mất ít nhất 5-7 triệu đồng, tùy từng gia đình. Ảnh: Hà Thành
Thay một chữ, tốn 5-7 triệu đồng
Hiện già làng Sấu có 6 con trai, 18 cháu. Con trai lớn của ông tên Mua Mí Sính sau khi cưới vợ cũng đã được nhà vợ đổi tên thành Mua Xè Sính từ lâu. Sính giờ là bí thư của xã Sủng Là. Già Sấu chậm rãi bảo, kể cả Sính, già đã phải bỏ tiền cho sáu đứa con làm lễ đổi tên. Còn trong số 18 đứa cháu, có một đứa khả năng sắp tới phải làm lễ đổi tên tiếp. Có điều, do vợ của thằng cháu này vẫn chưa đủ tuổi lấy chồng nên chúng phải rốn nốt năm nay mới tính chuyện sinh đẻ. Vì thế, gia đình già Sấu đang phấp phỏng chờ đợi, nuôi lợn gà trong chuồng đề phòng làm lễ. Tốn kém đã đành nhưng việc chuẩn bị này, theo già Sấu, còn khá mất thời gian và công sức. Có gia đình phải cất công nuôi gà, nuôi lợn hàng năm trời hoặc dành dụm tiền mới đủ để làm một cái lễ đổi tên đệm. Theo già Sấu, trước hết người muốn đổi tên phải làm hai mâm cơm mời bố mẹ vợ và bố mẹ đẻ, sắm một đôi gà trống cùng với khoảng vài trăm nghìn. Số tiền này, con rể biếu bố mẹ vợ để mua áo mới đến dự hôm làm lễ. Khi tên mới của anh con trai được xướng lên trong buổi lễ, bố mẹ vợ và bố mẹ đẻ, mỗi bên cùng ra cắt tiết một con gà. Mỗi bên cùng nhau uống hai chén rượu để chính thức “chốt” cái tên ấy. Đồng thời, cả gia đình cùng mổ một con lợn để làm cỗ, uống rượu. Con lợn này được giữ lại hai chân sau, cho vào quẩy tấu (gùi), cộng với một chai rượu, một cái chén, đặt lên bàn thờ làm lễ. Sau khi cúng, chiếc quẩy tấu có rượu và đôi chân lợn được con rể mang biếu bố mẹ vợ mang về nhằm tạ ơn bố mẹ vợ đã đến chứng kiến lễ đổi tên.
Sau khi được đặt tên mới, họ hàng và dân bản cùng vui vẻ chúc rượu người vừa mới được đặt lại tên đệm và từ nay sẽ gọi họ với cái tên đầy đủ hơn bằng cả sự kính trọng như chứng minh cho một sự trưởng thành. Theo lời của Nghĩa, nhà của già Sấu giàu có nhất nhì trong bản, con cái đều thành đạt nên có điều kiện. Còn không, có người cũng phải đi vay. “Mỗi lễ đổi tên này có tốn kém lắm không? Bà con sao dành dụm đủ tiền để làm hết các nghi lễ ấy?”, chúng tôi băn khoăn hỏi. “Ồ, nếu gia đình nào có con sắp sửa phải đổi tên, họ phải nuôi con lợn, con gà cả năm để dành làm lễ. Nếu không nuôi được lợn gà, mỗi cái lễ đổi tên “cấp sắc” trưởng thành thế này phải tốn từ 5 - 7 triệu đồng/gia đình. Trong đó, bố mẹ đẻ là người phải đứng ra cho tiền con trai để làm lễ đổi tên. Bố mẹ vợ là người đến chứng kiến và đặt tên trước sự chứng kiến của họ hàng và dân bản. Tùy vào số lượng khách của gia đình đằng vợ mời về, người đổi tên phải sắm đủ số chân lợn và rượu để làm quà tặng mang về. Vì thế, số tiền dành dụm cho một lễ đổi tên khá tốn kém”, già bản Sấu cho biết.
Ông Mí Kha, Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa Xã hội xã Sủng Là cho biết, một chàng trai Mông từ khi sinh ra được cha mẹ đặt tên khai sinh. Tuy nhiên, khi lấy vợ và có con, người này lại được bố vợ đặt cho một cái tên hoàn toàn mới làm tên thường gọi. Như vậy, ngoài tên khai sinh trong chứng minh thư, mỗi đàn ông Mông có thêm tên thường gọi khác để chứng minh mình là người đã trưởng thành, có vị trí đáng tôn trọng trong xã hội.
Khó khăn khi đi ra ngoài làm việc “Đây là truyền thống lưu truyền từ đời này qua đời khác của người dân tộc Mông chứ không chỉ riêng mỗi ở Sủng Là. Việc đổi tên ban đầu không phiền toái gì vì bà con trong mỗi bản hầu như đều biết nhau. Chỉ khó khăn cho những người khi thoát ly, đi làm vì tên thường gọi khác với tên khai sinh trên giấy tờ nên nhiều người dễ nhầm lẫn. “Đặc biệt, việc “cấp sắc” này khá tốn kém cho các hộ gia đình. Vì thế trong các buổi gặp gỡ với bà con, chúng tôi đều tuyên truyền để bà con thực hành lễ lạt tiết kiệm”. (Ông Mí Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Là) |