Kết thúc các môn thi THPT Quốc gia 2016, nhiều thí sinh bị ám ảnh chuyện không có khả năng vào đại học, thi trượt… Theo các chuyên gia, khoảng thời gian sau thi, các phụ huynh cần cho thí sinh được nghỉ ngơi, thư giãn, không nên tạo áp lực cho con về chuyện điểm số, đỗ, trượt.
Mất ăn mất ngủ về chuyện điểm số
Suốt cả tuần nay, gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (ở Bùi Xương Trạch, Hà Nội) khá căng thẳng sau khi con vừa thi THPT Quốc gia 2016 xong. Chị Tâm chia sẻ: “Sau khi thi xong tôi cũng luôn tạo tâm lý thoải mái cho con, cho con đi chơi gặp gỡ bạn bè, đến nhà ông bà chơi… Vợ chồng tôi luôn nói với con là nếu không đỗ đại học thì vẫn còn nhiều lựa chọn khác là học cao đẳng, trung cấp. Nhưng nói thật, cả gia đình khá hồi hộp, chỉ giấu cảm xúc thôi chứ lúc nào cũng nghĩ về chuyện này”.
Thí sinh không nên lo lắng khi làm bài không tốt, bởi còn nhiều con đường chúng ta có thể đến đích. Ảnh minh họa: Q.Anh
Minh Hạnh, con gái chị Tâm cho hay: “Lúc thi và sau khi thi có nhiều người thân, bạn bè quan tâm hỏi han xem có làm được bài hay không, em có môn Ngữ văn và Toán làm không tốt nên cũng cảm thấy áp lực và khá lo nếu không đỗ đại học. Nếu như không đủ điểm vào đại học, em cảm thấy rất ngại với bạn bè và sợ bố mẹ thất vọng về em. Năm nay mà không đỗ đại học, em sẽ cố gắng học tạm ở trường trung cấp hay cao đẳng rồi năm sau thi tiếp”.
Chia sẻ mong muốn của mình tới cậu con trai cả vừa thi xong, anh Lê Văn Vinh (ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mục tiêu của cả nhà là con sẽ vào đại học, bởi vậy trước khi thi gia đình tạo điều kiện cho con ôn thi miễn sao làm được bài. Cháu là con cả nên chúng tôi muốn cháu đỗ đại học, làm tấm gương cho em học tập. Nếu cháu mà trượt tốt nghiệp hay không vào được đại học chúng tôi cũng thấy buồn, không học hành gì thì chỉ đi làm công nhân, buôn bán nhỏ vất vả giống bố mẹ”.
Cảm thấy lo cho con trai vừa mới dự thi xong nhưng lúc nào cũng không vui vì làm bài chưa tốt, anh Trần Văn Toán (ở Khu tập thể ĐH Kiến trúc, Hà Nội) cho biết: “Thi xong, tôi thấy cháu buồn vì không làm được bài như ý muốn. Tôi cũng chỉ biết động viên con, rồi gợi ý cho cháu đi tham quan, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, cháu từ chối và nói khi nào đỗ đại học vui vẻ mới đi. Không hiểu sao nghe ai nói là trượt đại học chỉ có nước chạy xe ôm, làm cửu vạn, bưng bê nhà hàng... nên cứ thấy nó lầm lì, lo lắng, cả ngày dán mặt vào cái điện thoại “tính kế” làm gì nếu thi trượt”.
Thi trượt không phải thảm họa
Có thể thấy, đối với nhiều gia đình sau khi có con em thi xong lại cảm thấy áp lực hơn trước khi thi chỉ vì làm bài không tốt, khả năng không đỗ đại học. Dù những năm trở đây, thi cử đã nhẹ nhàng hơn, thí sinh điểm không cao vẫn có thể đỗ vào các trường đại học “tốp dưới”, trường ngoài công lập. Tuy nhiên, sức ép và quan niệm thi cử phải đỗ đại học, vào trường danh tiếng để sau này thành công, rạng danh dòng họ… khiến nhiều thí sinh cảm thấy áp lực, trầm cảm chỉ vì gia đình quá kỳ vọng.
Hàng trăm ngàn phụ huynh và thí sinh sẽ vui vì thi đỗ, nhưng cũng có hàng trăm ngàn gia đình buồn vì dường như cánh cửa vào đời đã đóng trước mặt các em học sinh trượt tốt nghiệp hoặc không đạt điểm sàn đại học. Không ít trường hợp thí sinh, phụ huynh không giải tỏa được tình thế khó khăn, xem chuyện thi trượt như một thảm họa. Sự thất vọng của cha mẹ khi con thi trượt đại học dễ dẫn đến bất hòa, đổ lỗi cho con cái.
Đưa ra lời khuyên tới các bậc phụ huynh có con thi bị điểm kém, thi trượt, một chuyên gia của Tổng đài tư vấn tâm lý Thành Đạt 19006222 chia sẻ: “Trong nhiều trường hợp, chính cha mẹ lại là tác nhân gián tiếp gây ra các áp lực cho con cái trong suốt kỳ thi. Khi bị điểm kém, thi trượt, các áp lực còn gia tăng theo thời gian khi con bạn bè đều đỗ đại học. Bản thân cha mẹ phải tư duy tích cực trước khi giúp cho con phục hồi về tâm lý. Khởi đầu tư duy tích cực chính là chấp nhận sự việc xấu nhất xảy ra: Con trượt đại học. Điều đó không phải là thảm họa. Nó sẽ thật sự là thảm họa nếu như đứa trẻ tiếp tục có những phản ứng tiêu cực về tâm lý và thậm chí dẫn tới các hành động hủy diệt bản thân như: Tự tử, đua đòi thói xấu theo bạn bè, bỏ nhà đi…
Các cha mẹ cũng nên bình tĩnh trao đổi, lắng nghe, hãy cảm nhận chung với con mình những áp lực cuộc sống. Xác định con đường đi tiếp giữa thi đại học tiếp, học cao đẳng hay học nghề”.
Còn PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ: “Rất nhiều phụ huynh gây áp lực cho con chỉ vì chuyện thi cử, phải đỗ trường nọ trường kia. Đây là háo danh chứ không phải hiếu học, mục đích đi học thi đỗ cũng chỉ vì cái danh đó. Đi học đại học, thậm chí cao hơn là để oai, không phải để cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức. Ngày càng có thêm nhiều trường đại học, nhiều thí sinh đăng ký vào cốt để có bằng đại học. Đến khi ra trường, không có việc làm mà dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao”.
Thí sinh không nên lo lắng khi làm bài không tốt, bởi còn nhiều con đường chúng ta có thể đến đích. Ảnh minh họa: Q.Anh