“Trong clip có sự châm biếm đề thi, chửi tục, bôi nhọ kỳ thi THPT Quốc gia, hay nói cách khác, clip đã xúc phạm đến ngành giáo dục”.
Tối 3/7, đoạn clip dài hơn 3 phút có nội dung thiếu nghiêm túc, dùng từ bậy bạ chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia 2016 được tung lên mạng xã hội. Nhóm thực hiện gồm 6 người ở tuổi học sinh THPT, đứng trước cổng trường THPT Cao Thắng (đường Đống Đa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Sau khi xem clip này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế và nhiều chuyên gia đã lên án hành vi của nhóm học sinh này.
Nhóm học sinh tung clip chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 (Ảnh cắt từ clip)
Phá hoại thuần phong mỹ tục
Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco cho rằng, mặc dù các bạn trẻ tham gia vào việc tạo clip cố tình xây dựng các nội dung hài hước, châm biếm nhưng có một số đoạn đã đi quá xa, dẫn tới có thể bị coi là phá hoại thuần phong mỹ tục.
Trong clip có sự châm biếm đề thi, chửi tục, bôi nhọ kỳ thi THPT Quốc gia, hay nói cách khác, clip đã xúc phạm đến ngành giáo dục.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã nắm được thông tin về vụ việc nay. Tuy nhiên, đây là sự việc ở địa phương nên để Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế vào cuộc.
“Tôi nghĩ các bạn trẻ đi quá giới hạn cho phép dù không hẳn có mục đích xấu để xúc phạm đến ngành giáo dục hoặc các thầy cô”, luật sư Phong nói.
Luật sư Hà Huy Phong cho biết, theo quy định, cá nhân có hành vi trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Tuy nhiên, việc xác định hành vi bị coi là trái thuần phong mỹ tục của dân tộc vẫn còn là một điều gây tranh luận. Pháp luật không có quy định cụ thể về nội dung này, nên cần căn cứ hoàn toàn vào đánh giá cùa cơ quan có thẩm quyền.
Còn đối với người sản xuất và đưa lên mạng Clip học trò Huế chế giễu kỳ thi THPT quốc gia mới chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính mà chưa có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Hà Huy Phong, xét về mức độ và tính chất vi phạm, không cần thiết xử lý hình sự những người vi phạm sản xuất và đưa lên mạng clip học trò Huế chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia. Do đó, gia đình, nhà trường nên có hành vi nhắc nhở và xử lý phù hợp để các em nhận thức và sửa lỗi.
Lơ là dạy đạo đức
TS.Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nội dung clip thể hiện sự xuống cấp về đạo đức của giới trẻ.
Bà Hương nói: “Truyền thống của người Việt là tôn sư trọng đạo nhưng ngày nay những vụ việc như thế này đã xúc phạm danh dự của ngành giáo dục”.
Nữ giảng viên Đại học Sư phạm cho rằng, các gia đình đang lơ là việc giáo dục đạo đức, tư cách, phẩm chất và ý thức tuân thủ pháp luật dành cho con trẻ. Ngoài ra, việc đánh giá cào bằng cho mọi học sinh đều có hạnh kiểm tốt trong nhà trường cũng là nguyên nhân khiến đạo đức giới trẻ xuống cấp trầm trọng.
Theo bà Vũ Thu Hương, cách đây 10, 20 năm, học sinh luôn lo ngại bị đánh giá hạnh kiểm trung bình, yếu, kém sẽ ảnh hưởng đến những cơ hội học tập, lao động trong tương lai. Tuy nhiên, ngày nay, không thấy mấy học sinh bị đánh giá hạnh kiểm khá. Dù em học sinh đó có vi phạm thế nào thì các thầy cô giáo cũng hầu như cho hạnh kiểm tốt. Bên cạnh đó, việc đánh giá để xét nhập học ở các cấp cao hơn hoặc các cơ hội du học,… hiện nay không coi trọng việc đánh giá đạo đức.
Hơn nữa, trong chương trình dạy học Đạo đức và Giáo dục Công dân tập trung vào giảng lý thuyết, sáo rỗng, thiếu hiệu quả. Trong nhà trường thiếu việc giảng dạy kiến thức pháp luật cũng là một lý do để tình trạng giáo dục đạo đức xuống cấp.
"Vì thế, riêng với ngành giáo dục, tôi cho rằng cần phải thay đổi lại chương trình dạy học Đạo đức và Giáo dục Công dân tại tất cả các cấp. Phụ huynh cũng cần phải được tư vấn về việc giáo dục tư cách đạo đức, phẩm chất, tuân thủ pháp luật cho trẻ. Các trường cần có các biện pháp đánh giá tư cách đạo đức học sinh nghiêm túc, sử dụng kết quả đánh giá đó cho việc xét duyệt các cơ hội học tập, làm việc", TS.Vũ Thu Hương nói.