Lan Vy, cô gái bị chồng sắp cưới là công an tạt a-xít, đã trải qua 4 ca mổ để tái tạo lại khuôn mặt.
Lan Vy, 24 tuổi, ở Đà Nẵng, được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) ngày 3/1 trong tình trạng bị biến dạng khuôn mặt và tổn thương nhiều vùng trên cơ thể. A-xít khiến một nửa khuôn mặt của cô gái bỏng đen sì. Viện Pháp y Trung ương giám định thương tích 46%.
Các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia quyết định dùng kỹ thuật vi phẫu, lấy vạt da 2 cuống vùng lưng để tái tạo khuôn mặt cho cô gái trẻ, tránh tình trạng co kéo vết sẹo.
Vy là bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được áp dụng kỹ thuật vi phẫu tái tạo ngay lập tức cho bệnh nhân bỏng a-xít, cũng là ca đầu tiên trên thế giới điều trị theo phương pháp này.
Ngày 8/1 là lần đầu tiên Vy được tiến hành phẫu thuật vi phẫu. Ê-kíp đã cắt hết tổ chức hoại tử, làm sạch a-xít còn tồn dư, đồng thời thiết kế vạt da siêu mỏng vùng lưng để tái tạo khuôn mặt. Ca mổ kéo dài suốt 8 giờ đồng hồ giúp gương mặt Vy phục hồi tới 90%.
PGS.TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia, cho biết trước đây những bệnh nhân bị bỏng a-xít thường phải tiến hành cắt bỏng hoại tử, chờ sẹo ổn định sau đó mới ghép da xẻ đôi (bằng vạt da đùi) làm liền vết bỏng.
"Tuy nhiên, sau ghép có dấu hiệu sẹo co kéo, gây biến dạng khuôn mặt, kéo lệch mắt, miệng, mũi... Người bệnh gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, đánh răng, nói chuyện. Bệnh nhân cũng phải mổ nhiều lần, tối tiểu 20 lần, thời gian nằm viện dài ngày" - TS Vinh cho hay.
PGS.TS Vũ Quang Vinh kiểm tra vết mổ cho Lan Vy tại Viện Bỏng Quốc gia.
Hiện nay, bệnh nhân được tái tạo ngay lập tức sau bỏng. Bác sĩ lấy vạt da ở lưng, có 2 cuống mạch nuôi, phẫu tích cho mỏng rồi ghép cho bệnh nhân. Phương pháp này giúp rút ngắn được thời gian điều trị, giảm bớt các cuộc mổ, ít biến dạng sau mổ.
Theo TS Vinh, hậu quả của các ca bỏng a-xít thường rất kinh hoàng do a-xít có tính ăn mòn. Khi bị tạt a-xít, hoá chất này sẽ ăn sâu xuống da, phá huỷ gân, mỡ, làm vón cục protein tại đó.
Các bác sĩ cũng đánh giá việc tái tạo da ngay sau bỏng a-xít là một quyết định táo bạo, bởi nếu xảy ra nhiễm trùng, ca mổ sẽ thất bại.
Để tránh được nhiễm trùng, bác sĩ sẽ phải lấy được hết tổ chức hoại tử, đánh giá tổn thương vùng nông, vùng sâu. Sau đó, bác sĩ vẽ bản đồ mạch máu ở lưng để lấy vùng da lưng phù hợp với vùng cần ghép ở mặt, có mạch máu nuôi dưỡng. Trường hợp của bệnh nhân Vy, nhờ kiểm soát tốt nên sau hơn một tuần, da ghép đã bám sống tốt.
Sắp tới, Lan Vy sẽ tiếp tục một ca mổ nữa để hạ mỡ phần da ghép, chỉnh lại đường viền ghép. Sau lần này, gương mặt có thể hồi phục đến 95%.
TS Vinh thông tin, một ca tái tạo da mặt ở Mỹ có giá từ 50.000 đến 90.000 USD, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 2.000 USD (khoảng 46 triệu đồng). Kỹ thuật này sẽ mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân bị bỏng a-xít.
Như đã thông tin, Lan Vy và Nguyễn Trương Nam Hải (SN 1995, là thiếu úy công an công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP. Đà Nẵng) quen nhau năm 2016. Sau khi tổ chức lễ ăn hỏi và đăng ký kết hôn vào cuối năm 2018, người đàn ông này bắt đầu bộc lộ thói vũ phu, ghen tuông. Không chịu được cảnh bị chồng sắp cưới lăng mạ, bạo hành, cô quyết tâm chia tay.
Nam Hải tìm cách níu kéo nhiều lần nhưng Lan Vy từ chối. Hải hẹn, ngày 1/1/2019 sẽ cùng người thân đến gia đình Vy để nói chuyện về cuộc hôn nhân của 2 người. Thế nhưng, đúng giờ hẹn, Hải đến rồi tạt a-xít vào người vợ sắp cưới. A-xít dính một nửa khuôn mặt, tay và chân của chị. Riêng Hải thì nhanh chóng bỏ chạy khỏi hiện trường.