Dù đã 44 năm trôi qua nhưng phút giây đặc biệt được lái máy bay tham gia đội hình tiễn biệt Hồ Chủ tịch (ngày 9/9/1969) vẫn luôn vẹn nguyên đối với ông hội thẩm Nguyễn Văn Lý.
Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Lý (SN 1941) được biết đến là vị hội thẩm “cứng nghề” khi tham gia xét xử những vụ án dân sự, hình sự... ở TAND TP. Hà Nội. Ít ai biết rằng vị hội thẩm này còn có những ký ức đặc biệt của thời trai trẻ khi là phi công lái máy bay chiến đấu...
Nhiệm vụ đặc biệt
Ông Lý nói rằng, cứ mỗi khi đến dịp 2/9, ông lại thấy lòng mình chộn rộn. Dù đã 44 năm trôi qua nhưng phút giây đặc biệt được lái máy bay tham gia đội hình tiễn biệt Hồ Chủ tịch (ngày 9/9/1969) vẫn luôn vẹn nguyên trong ông.
Cuối năm 1965, tốt nghiệp khóa huấn luyện phi công chiến đấu MiG 21 ở Liên Xô trở về, ông Lý được phân công nhiệm vụ ở Trung đoàn Không quân Sao Đỏ - trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Việt Nam. Khoảng 2 giờ sáng 2/9/1969, khi ông Lý và đồng đội đang ngủ bỗng có lệnh triệu tập để họp gấp. Cấp trên thông báo “nhiệm vụ đặc biệt” tổ chức chuyến bay biên đội lớn 12 chiếc. Sau đó cấp trên chính thức thông báo biên đội sẽ bay trong tang lễ của Hồ Chủ tịch tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Niềm tiếc thương vô hạn dâng lên trong lòng các phi công khi hay tin Bác mất, cùng với đó là sự lo lắng trước nhiệm vụ đặc biệt.
“Chúng tôi rất vinh dự được tuyển chọn vào biên đội bay biểu diễn, tất cả đều có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ. Tuy nhiên đó chỉ là kinh nghiệm đánh nhau chứ chưa biết bay theo hình thức trình diễn là gì. Trước nhiệm vụ thiêng liêng, ai nấy đều hào hứng nhưng cũng lo lắng”- ông Lý kể.
Ông Nguyễn Văn Lý đội mũ phi công ngồi giữa
Với kinh nghiệm và thành tích từng lái máy bay MiG 21 bắn rơi máy bay Mỹ (tháng 6/1967 ở vùng trời Tuyên Quang), ông Lý được phân công chỉ huy biên đội nhỏ 4 chiếc, bay ở tốp giữa trong đội hình. Các phi công khác trong biên đội này là Phạm Phú Thái, Lê Thanh Đạo (sau này đều được phong Anh hùng LLVTND) và Nguyễn Hồng Mỹ.
Ký ức để đời
Từ 3/9 đến 8/9/1969, biên đội lao vào việc luyện tập, mỗi ngày 2 chuyến, mỗi chuyến 45 phút. Phương án bay được thống nhất: Sở chỉ huy hạ lệnh cất cánh, 2 chiếc cùng lăn bánh cất cánh trên một đường băng, cự ly chạy đà cách nhau khoảng 20 - 30m. Khi cả 12 chiếc cùng cất cánh xong sẽ tập hợp đội hình ở độ cao 1.000m. 12 chiếc chia thành 3 tốp, mỗi tốp 4 chiếc theo hàng dọc. Một yêu cầu nghiêm ngặt với phi công là khi vào đội hình phải bay với tốc độ ổn định để giữ khoảng cách đều nhau.
Việc giữ đều được tốc độ, cự ly giữa các máy bay trong cùng biên đội, giữa các biên đội với nhau vẫn được anh em phi công nói vui là bay kiểu “bắt vít”. Trong biên đội thì chiếc số 1 dẫn đầu làm chuẩn, chiếc số 2 bên phải giữ khoảng cách chiều ngang với số 1 từ 30 -50m, chiếc số 3 và 4 ở bên trái, số 3 giữ khoảng cách chiều ngang với số 1 từ 50 -70m, số 4 cách số 3 từ 30 -50m. Cự ly giữa các biên đội từ 600 - 800m, tất cả bay ở độ cao khoảng 300m, tốc độ 850km/giờ.
“Tốp bay sau phải cao hơn tốp trước chừng 20m để tránh luồng khí thải rất nguy hiểm. Lúc cất cánh, chiếc lên trước, chiếc lên sau rồi phải chờ nhau vào đội hình. Nhiên liệu cũng phải tính toán kỹ. Khi tập xong, 12 chiếc cùng bay trở về để hạ cánh cũng rất phức tạp. Phi công phải tính toán làm sao cho nhịp nhàng trong khoảng thời gian ngắn hạ cánh lần lượt được an toàn” - ông Lý cho biết.
Sau tang lễ của Hồ Chủ tịch, T.Ư đã gửi điện khen Trung đoàn Sao Đỏ và biên đội bay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với 12 phi công, họ lại tiếp tục bước vào những trận chiến đấu mới, nhưng trong mỗi cá nhân thì ký ức đặc biệt của ngày 9/9/1969 sẽ luôn sáng mãi. |
Khi đã bay ổn định theo kiểu đội hình, một yêu cầu nghiêm ngặt khác được đặt ra với các phi công đó là thời gian. Phải hiệp đồng thực hiện theo kế hoạch làm sao khi kết thúc bài điếu văn ít giây là đội hình sẽ bay qua Quảng trường Ba Đình. Nếu sớm quá hoặc chậm quá sẽ làm hỏng buổi lễ trang nghiêm của hàng triệu người vĩnh biệt Hồ Chủ tịch. “Ngày 8/8/1969, đội hình đã bay thử qua Quảng trường Ba Đình, lúc này tôi cảm thấy không căng thẳng như những ngày tập trước đó. Trong lòng tôi trào dâng niềm vinh dự trước một nhiệm vụ đặc biệt và nghĩ ngày mai phải hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc để tỏ lòng thành kính trước anh linh lãnh tụ vĩ đại, cũng như sự tin tưởng của đơn vị”- ông Lý tâm sự.
Sáng 9/9/1969, tất cả Trung đoàn Không quân Sao Đỏ được lệnh tập trung từ sớm để nhận nhiệm vụ. Đích thân Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài và Chính ủy Nguyễn Xuân Mậu giao nhiệm vụ cho tốp bay. Chỉ huy trực tiếp là Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện. Qua 9 giờ, đội hình được lệnh cất cánh bay một vòng trên sân bay Nội Bài rồi vào điểm xuất phát ở khu vực Phủ Lỗ (Sóc Sơn) bay hướng về Ba Đình. Khi sắp vào điểm tập kết chuẩn (phía tây bắc quảng trường, lấy đường Thanh Niên làm mốc), các biên đội tập hợp thành đội hình chuẩn.
Ông Lý kể: “Thế rồi giây phút đặc biệt cũng đến, khi bay vào khu vực Quảng trường Ba Đình, tim tôi bỗng đập rất mạnh. Tôi cố gắng quan sát kỹ, tai lắng nghe hiệu lệnh, tay linh hoạt để điều khiển máy bay giữ khoảng cách đảm bảo với biên đội”.
12 chiếc máy bay giữ độ cao khoảng 300m, nghiêm cẩn lướt qua Quảng trường Ba Đình. Hàng triệu đôi mắt ngước lên hướng theo những cánh bay. Giây phút thiêng liêng qua đi, cũng là lúc nhiệm vụ đặc biệt đã hoàn thành.
Về đến sân bay Nội Bài, anh em phi công trong biên đội ai cũng thở phào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phút giây căng thẳng, hồi hộp qua đi, đọng lại trong lòng họ là sự nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn vị cha già dân tộc.