"Kíp trực tối hôm đó đã làm đúng chuyên môn, thậm chí còn nên khen thưởng họ. Còn việc “hỗ trợ” số tiền 350 triệu đồng cho bệnh nhân là nhằm để ổn định tình hình", ông Trường, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa TP. Vinh nói.
Sau khi xảy ra sự việc sản phụ Nguyễn Thị Vinh bị vỡ nước ối được người nhà chuyển lên bệnh viện đa khoa TP. Vinh (Nghệ An) để sinh con nhưng đã tử vong bất thường sau đó, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa TP. Vinh cho biết sản phụ nguyễn Thị Vinh nhập viện trong tình trạng vỡ nước ối. Đây là dấu hiệu bình thường của phụ nữ chuẩn bị sinh con nên bác sĩ không đưa vào khoa cấp cứu như người nhà đề nghị mà chuyển sang khoa sản chờ sinh. Tại đây, các bác sĩ đã làm các thủ tục khám cho sản phụ thì thấy các chỉ số bình thường.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa TP. Vinh: "Kíp trực đã làm đúng chuyên môn. Thậm chí còn phải khen thưởng họ".
Kíp trực tối ngày 4/9, đêm mà sản phụ Vinh nhập viện sinh con và tử vong bao gồm 5 người: Bác sĩ Nguyễn Đức Quân; nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thanh Vân, Cao Thị Lệ và Nguyễn Thị Bình; trực thường trú là bác sĩ Võ Phi Long.
“Về vấn đề chuyên môn, các y bác sĩ trong kíp trực đã làm đúng theo phác đồ. Sau khi sản phụ cùng bào thai tử vong, chúng tôi đã tiến hành triệu tập cuộc họp để xác định nguyên nhân ban đầu dẫn tới tình trạng trên. Qua hội chẩn, bước dầu có kết luận là do “thuyên tắc mạch ối”. Với trường hợp này là bất khả kháng, không thể cứu cả mẹ lẫn con vì người bị tử vong rất nhanh”, ông Trường nói.
Ngoài khẳng định làm đúng, ông Trường nói thêm: “Thậm chí phải khen thưởng kíp trực. Dù bị người nhà bao vây như vậy nhưng buổi sáng hôm đó họ vẫn tiếp tục làm việc, đỡ đẻ cho nhiều sản phụ khác”.
Ông Trường cũng bày tỏ quan điểm của bệnh viện về sự việc sau khi xảy ra là tiến hành mổ khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên phía gia đình xin không mổ nên bệnh viện chấp nhận “hỗ trợ” số tiền 350 triệu đồng do người nhà đưa ra yêu cầu. Về nguyên nhân bệnh viện hỗ trợ với số tiền lớn như vậy ông Trường nói là muốn sớm ổn định tình hình.
Anh trường (chồng sản phụ Vinh) và người thân đau đớn trước cái chết của chị.
Hỏi về số tiền 350 triệu đồng bệnh viện lấy đâu ra, ông Trường đã từ chối trả lời. Vị này cho rằng thẩm quyền chi số tiền đó là do giám đốc bệnh viện quyết định.
Việc trên cơ thể chị Vinh xuất hiện nhiều vết thâm tim loan lổ, vị phó giám đốc này cũng không trở lời được vì không thuộc trình độ chuyên môn. “Cái đó các anh nên sang hỏi cơ quan pháp y chứ không thuộc trình độ chuyên môn nên tôi không trả lời”, ông Trường nói.
“Tới đây chúng tôi sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để kiểm thảo nguyên nhân chính thức dẫn đến tử vong của mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Vinh. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi”, ông Trường cho biết thêm.
Về vấn đề liệu có thể do cho uống 3 viên thuốc Cloximox 0,5 g dẫn đến việc tử vong không thì ông Trường khẳng định việc cho uống 3 viên thuốc đó là đúng, không có gì ảnh hưởng. Có chăng việc sản phụ bị tím tái, co giật, sùi bọt mép sau khi uống thuốc có thể là do sự trùng lặp ngẫu nhiên.
Ông Hoàng Văn Hảo, Phó giám đốc sở Y tế tỉnh Nghệ An: "Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện ra sai trái chúng tôi sẽ xử lý".
Trong ngày 6/9, ông Hoàng Văn Hảo, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết sở đã nhận được văn bản chính thức thông báo về việc sản phụ Nguyễn Thị Vinh và bào thai bị tử vong. “Ngay sau khi xảy ra vụ việc sở đã nhận được điện thoại báo cáo bằng miệng. Sáng 5/9, chúng tôi đã cử người xuống phối hợp với bệnh viện TP. Vinh để giải quyết vấn đề”, ông Hảo trình bày.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc sản phụ Vinh tử vong thì ông Hảo nói nếu theo văn bản báo cáo của bệnh viện thì bước đầu là do tắc mạch ối. “Đây là một trong 5 trường hợp tai biến trong sản khoa, diễn biến nhanh và rất khó lường trước với. Tuy nhiên, trường hợp thai phụ bị thuyên tắc mạch ối có tỷ lệ thấp (1/20.000 trường hợp). Khi mổ tử thi mới biết được chính xác nguyên nhân tử vong của thai phụ”, ông Hảo nói.
Vấn đề hướng xử lý, ông Hảo khẳng định sắp tới phía bệnh viện sẽ kiểm tra lại sự việc, quy trình hám chữa bệnh, điều tra nguyên nhân dẫn đến tử vong của thai phụ. Nếu phát hiện sai ở đâu thì xử lý ở đó, đồng thời tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm ổn định tình hình để đảm bảo quá trình khám chữa bệnh cho các bệnh nhân khác.