Gần 3 năm làm nghề mua bán ô tô lướt, Trung Đức gặp không ít tình huống dở khóc dở cười do bản thân tự gây ra.
Trung Đức (30 tuổi, Hà Nội) từng là chủ của một cửa hàng bán - sửa chữa điện thoại với mức thu nhập ổn định nhưng vì bất đồng kinh doanh với người chung vốn nên quyết rẽ hướng sang nghề mua bán ô tô lướt. Anh đã không khỏi bỡ ngỡ khi bước chân vào ngành này dù bản thân có hơn 5 năm kinh nghiệm làm dịch vụ phục vụ các "thượng đế".
“Hai năm trước, mình khá khủng hoảng tinh thần vì gặp một số vấn đề trong kinh doanh điện thoại. Hôm đó mình may mắn được ngồi trò chuyện với các anh lớn trong ngành ô tô cũ, học hỏi nhiều điều.
Mình cũng tự nhận thấy nhu cầu sống của người Việt ở thành phố khá cao, hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một chiếc xe để đi lại cũng như đảm bảo an toàn khi ra đường.
Ngay chính mình cũng vậy, từ lâu luôn cố gắng làm lụng để sở hữu chiếc ô tô. Do đó mình quyết tâm theo công việc này”, Trung Đức tâm sự cái duyên bén với nghề bán xe ô tô cũ.
Trung Đức (SN 1993, Hà Nội) từng là chủ của một cửa hàng bán - sửa chữa điện thoại với mức thu nhập ổn định.
“Nghề này “nở rộ” từ rất lâu, vì sao anh lại tin mình sẽ thành công với nghề?”, khi được hỏi, chàng trai thẳng thắn chia sẻ ban đầu anh coi đó như một trải nghiệm. Hơn cả với kinh nghiệm kinh doanh điện thoại, anh nhìn ra thị hiếu của người Việt còn nhiều, vẫn có thể theo đuổi và phát triển, kiếm tiền lo cho gia đình.
Khi Trung Đức quyết định gắn bó với công việc này, bạn bè vào chúc mừng và cho rằng anh sắp giàu có, được ăn sung mặc sướng cả ngày. Lúc ấy anh chỉ cười gượng, chẳng biết giải thích ra sao vì thực tế ngày nào cũng quần là áo lượt thật.
“Nghề này có một quy định bất thành văn, hễ đi làm phải phải mặc quần âu hoặc jean, áo sơ mi/phông và đi giày. Vì thế ai nhìn vào cũng nghĩ mình sung sướng, suốt ngày mặc đẹp lại được ngồi trong ô tô, mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Song họ đâu có biết công việc này cũng gian truân lắm”, anh nói.
Sau đó Trung Đức kể về những khó khăn khi làm nghề mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Điển hình nhất là việc thường xuyên phải dậy sớm về tỉnh mua xe, đi chừng 500 – 600km, sau đó về ngay trong đêm cho kịp giờ đến sáng hôm sau hẹn khách chốt hợp đồng.
Đức thường xuyên phải dậy sớm về tỉnh mua xe, đi chừng 500 – 600km, sau đó về ngay trong đêm cho kịp giờ đến sáng hôm sau hẹn khách chốt hợp đồng.
“Có đợt mình vượt quãng đường xa đến xem xe mới hay chủ mô tả không đúng tình trạng hoặc đó là xe gặp tai nạn, hay ngập nước. Lúc đó mình đành ra về tay trắng, chịu chi phí đi lại vì có mua lại xe cũng không thể bán được”, nam thanh niên nói.
Gần đây, Bộ Công an ban hành Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới… cũng khiến Trung Đức cũng như nhiều người cùng nghề gặp những bất cập. Ví dụ anh đang gặp trường hợp chủ cũ của chiếc xe đã làm đơn rút hồ sơ gốc và trả biển số xe. Song công an chưa cấp giấy xác nhận xuất xưởng của chiếc xe và chưa cập nhật giấy tờ lên hệ thống. Hiện chủ mới mua xe, muốn sang tên ở tỉnh khác. Nơi này yêu cầu phải có giấy xác nhận xuất xưởng mới đồng ý sang tên.
“Mình là bên môi giới, đứng ở giữa và có trách nhiệm giúp bên mua hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ. Do đó mình phải tìm phương án giải quyết sao cho phù hợp nhất. Mình rất mong các cơ quan nhà nước giải quyết các bất cập giúp dân đỡ vất vả hơn”, Trung Đức chia sẻ.
Mức thu nhập của chàng trai hiện đủ sống và dư giả một chút.
Gần 3 năm làm nghề, nam thanh niên cũng gặp không ít tình huống dở khóc dở cười do bản thân “tự gây ra". Anh kể mua lại một chiếc xe ô tô trị giá 800 triệu đồng. Nửa năm sau anh vẫn chưa bán được và giá trị lúc đó theo thị trường chỉ còn 770 triệu đồng. Anh tiếc không bán, đành “đắp chiếu” cả năm trời.
“Hai năm mình chưa bán được vì lỗ sâu quá! Mình tiếc đành bỏ ra chạy. Mới đây mình bán cho khách chiếc xe, đã làm hợp đồng mua bán. Song khi mình đem giấy tờ đến đưa cho họ, bất cẩn làm rơi giấy tờ. Vậy là mình lại mất 3 -4 tháng trời tất tả làm lại giấy tờ gốc để giao cho khách.
Đến khi mình hẹn để giao xe lẫn giấy tờ, họ bỗng “quay xe” không mua nữa. Mình đành ngậm ngùi chấp nhận”, Trung Đức tâm sự.
Về thu nhập của nghề, Trung Đức cho biết hiện tại anh đang làm thuê cho một cửa hàng chuyên mua bán xe ô tô. Hằng tháng, anh được trả lương cứng, cộng phần trăm doanh số, tổng bằng lương một người đi làm công sở.
“Lương của mình không cao, chỉ đủ sống tại Hà Nội. Mình thường đùa với bạn bè rằng nghề này không khác làm công sở là mấy nhưng được hưởng nhiều “lợi ích”. Mình không phải gò bó giờ giấc đi làm, có thể nghỉ sáng hoặc chiều.
Hơn cả thu nhập còn dựa vào biến động thị trường, như tháng 7 âm vừa rồi ít người mua xe, lương không có nhiều”, Trung Đức bộc bạch.