"Để nói về giới showbiz, tôi tin chắc nhiều người trong giới không biết dùng từ nào để diễn tả. Bởi cái gì cũng có 2 mặt, hào nhoáng bao nhiêu áp lực bấy nhiêu, cạnh tranh khốc liệt để vươn lên. Và đương nhiên góc khuất nằm ở chính bản thân người làm nghề", 8X Sài Gòn tâm sự.
Nhắc tới nghề quản lý cho các ngôi sao trong showbiz, không ít người cho rằng đây là công việc trong mơ với mức lương “cao ngất ngưởng”, được ở bên người nổi tiếng 24/7, liên tục tham dự các sự kiện lớn nhỏ… Song đằng sau nghề này là bao khó khăn, góc khuất cũng như cạm bẫy ít người hay.
Sáng thu Hà Nội, chúng tôi may mắn có cơ hội gặp gỡ và được trò chuyện với anh Tiến (thường được người trong giới giải trí gọi là Tio, TP.HCM) – quản lý của một ngôi sao để hiểu hơn về công việc này.
Chào anh! Hiện tại công việc của anh có đang bận rộn?
Đợt này nghệ sĩ của tôi có nhiều đêm diễn tại Hà Nội. Vì thế tôi mới có thể sắp xếp thời gian bay ra đây, dành buổi sáng trò chuyện cùng các bạn. Tôi cũng tranh thủ thời gian hít hà, cảm nhận không khí thu thật thu – cái cảm giác lâu lắm mới có được.
Anh Tiến (áo xanh) – quản lý của một ngôi sao trong giới showbiz Việt.
Cơ duyên nào đưa đẩy anh đến với nghề bận rộn này?
Câu chuyện vào nghề rất vô tình và dài! Tôi tốt nghiệp trường Đại học Văn hoá chuyên ngành Quản lý văn hoá nghệ thuật. Tính ra tôi thấy giờ cái bằng cử nhân đại học bổ trợ nhiều cho việc quản lý nghệ sĩ, chứ xưa chẳng có chút liên quan.
Xưa tôi vừa tốt nghiệp liền nộp đơn xin vào Sân bay Tân Sơn Nhất với suy nghĩ làm tạm thời đển khi có bằng đại học sẽ kiếm việc khác. Ngờ đâu tôi “dính” với công việc đó những 8 năm trời.
Ở đó phong trào văn nghệ của công ty tầm bán chuyên nghiệp, sếp đam mê văn nghệ nên ai có chuyên môn về nghệ thuật được ưu ái lắm. Hơn cả công ty cứ đi thi văn nghệ toàn đoạt giải nhất toàn ngành giao thông. Vì thế tôi cứ gắn bó, chẳng muốn dừng lại.
Trong thời gian đó, tôi vẫn có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc, quyết định tìm việc làm thêm. Và khi màn đêm buông xuống, tôi trở thành DJ khiến bạn bè chẳng ngờ tới.
Họ không tin người ban ngày quần là áo lượt, cà vạt đẹp đẽ, tóc tai vuốt vuốt… cứ đến 21h là thay đồ hiphop xông vào bar “quẩy” với khách đến tận 1-2h sáng hôm sau (cười).
Anh rất yêu nghề DJ lại có thu nhập ổn định… Vì sao anh rẽ hướng làm quản lý nghệ sĩ?
Như ban đầu tôi chia sẻ, có lẽ là nghề chọn người chứ tôi không có cơ hội chọn nghề. Trước khi làm việc với nhau, tôi và nghệ sĩ này đã làm bạn, đồng hành trong một số chuyện như đi chơi cùng, quay video, chụp hình, remix nhạc cho bạn ấy. Nhưng tôi tuyệt nhiên không can thiệp vào công việc của bạn ấy bởi họ đã có quản lý riêng.
Thi thoảng tôi hỗ trợ và tư vấn nếu bạn ấy cần giúp đỡ. Và sau khi quản lý của bạn ấy nghỉ, tôi mới chính thức được mời vào vị trí đó.
Đảm trách công việc quản lý nghệ sĩ có dễ dàng và nhiều cái lợi như lời người ta đồn thổi hay không?
Tôi thấy nghề nào cũng có cái khó và vất vả nhưng quản lý nghệ sĩ là một nghề khá thú vị, rất dễ bị cuốn vào nó. Tôi có thể kể hàng tiếng đồng hồ về nghề này nhưng thời gian không cho phép, lát phải chạy đến show diễn của bạn ấy.
Cái khó khăn nhất đối với tôi và bất cứ quản lý nào chính là đẩy nghệ sĩ của mình lên đỉnh cao của sự nghiệp, thăng hoa với âm nhạc và sống trọn vẹn với nghề. Đó là điều tương đối khó, là cả chặng đường dài, cần sự cố gắng không ngừng nghỉ của quản lý lẫn nghệ sĩ.
Còn khó khăn hằng ngày nhiều lắm, như lên chiến lược, mục tiêu tháng – năm, quản lý nhân sự… Thậm chí tôi phải phụ trách cả thuế má, sổ sách, hợp đồng giấy tờ, thoả thuận giá với khách hàng, ký kết, bố trí thời gian nghỉ ngơi cho nghệ sĩ…
Mỗi lần làm dự án, tất cả nhân sự trong nhóm làm việc cỡ 12 tiếng/ngày để chạy chứ không riêng gì nghệ sĩ.
Anh giống như một quản lý đa năng của công ty, vừa phụ trách nhân viên vừa đảm bảo sự phát triển của ngôi sao?
Hiện khối công việc của nghệ sĩ ngày càng lớn, nhân sự công ty đương nhiên sẽ nhiều hơn và tôi phải cân đối thu chi hợp lý, trả lương.... Tuy nhiên tôi được khoẻ hơn, mỗi nhóm sẽ đảm nhận thay tôi một vai trò. Nhờ đó tôi có thời gian đi diễn cùng nghệ sĩ, suy nghĩ về chiến lược phát triển hình ảnh cho bạn ấy.
Chứ xưa tôi một mình cân hết: quay film, chụp hình, social content, tiktok, làm nhạc, tư vấn âm nhạc, bổ trợ sáng tác cho nghệ sĩ...
Hơn một năm làm nghề, anh có bao giờ rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”?
Vấn đề này hiếm xảy ra đối với tôi nhưng chuyện khách hàng đưa mình vào thế khó diễn ra thường xuyên. Ví dụ khách hàng báo hủy show sau khi tôi đã đưa nghệ sĩ đến địa điểm để kiểm tra âm thanh hoặc báo hủy vì trời mưa... Đặc biệt nghệ sĩ đến diễn mới biết đó là private show (show riêng tư) và giá khác biệt hẳn so với các show bình thường. Thử hỏi lúc đó tôi và nghệ sĩ phải làm sao, rõ ràng là vi phạm hợp đồng, chẳng lẽ bỏ về nhưng khán giả trông đợi mình nên không thể không lên phục vụ người hâm mộ.
Nhiều người nói nghề làm quản lý nghệ sĩ lắm hào quang nhưng có góc khuất, cạm bẫy. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Để nói về giới showbiz, tôi tin chắc nhiều người trong giới không biết dùng từ nào để diễn tả. Bởi cái gì cũng có 2 mặt, hào nhoáng bao nhiêu áp lực bấy nhiêu, cạnh tranh khốc liệt để vươn lên. Và đương nhiên góc khuất nằm ở chính bản thân người làm nghề. Tôi thường nói đùa với bạn bè thân thiết rằng giới giải trí có vô vàn góc khuất và tôi có muốn là gì ở nơi khuất góc đó hay không.
Về cạm bẫy, tôi chỉ thấy nhiều bẫy gài hợp đồng khi ký kết với khách hàng. Hầu hết nó là điều bất lợi với nghệ sỹ của mình, không nằm trong thỏa thuận ban đầu.
Trong giới showbiz, góc khuất nằm ở chính bản thân người làm nghề.
Có bao giờ anh và nghệ sĩ bất đồng quan điểm làm việc?
Tất nhiên có (cười). Lúc vào dự án, đôi lúc quản lý và nghệ sĩ trái nhau về quan điểm, stress hồi lâu. Song cả hai đều biết mục tiêu chính là gì nên bỏ qua tất cả để cùng nhau phấn đấu.
Thu nhập của nghề này có cao hơn các ngành nghề khác?
Cái đó tùy thuộc vào việc nghệ sĩ đi show có nhiều hay không.
Cảm ơn anh đã có những chia sẻ!